Không có “tháng cô hồn” trong quan niệm của người Thái

(Baonghean.vn) -Nhiều người e ngại khi cưới hỏi, làm nhà, kinh doanh vào tháng 7 âm lịch. Tuy nhiên theo quan niệm cổ xưa của người Thái thì thời đểm này trùng với tháng Giêng “bươn chiêng”, tháng đầu năm. Theo những chuyên gia về văn hóa thì trong quan niệm của cộng đồng người Thái xưa nay vốn không có “tháng cô hồn”.

Trong suy nghĩ của nhiều người, tháng 7 âm lịch không tốt lành. Nó còn được gán cho là “tháng cô hồn” và rằng đó là thời điểm Diêm Vương mở cửa âm phủ cho những vong hồn lên dương thế. Nhiều người có những kiêng kỵ như không kinh doanh, không mua vàng trong tháng này vì cho rằng nó kông mang lại may mắn.

Bộ lịch cổ xem ngày lành tháng tốt vẫn được người Thái ở Nghệ An dùng. Ảnh : Hữu Vi
Bộ lịch cổ xem ngày lành tháng tốt vẫn được người Thái ở Nghệ An dùng. Ảnh: Hữu Vi

Tháng “cô hồn” vẫn được nhiều người trong đó có cả những người Thái trẻ tuổi ngại. Tuy nhiên theo một số người nghiên cứu văn hóa dân tộc thiểu số, có một loại lịch cổ truyền từng lưu truyền trong cộng đồng người Thái, tháng 7 âm lịch lại trùng với thời điểm đẹp nhất trong năm, đó là tháng giêng. Người Thái phía Tây Bắc gọi là “bươn chiêng”.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì lịch cổ truyền người Thái chỉ phổ biến trong cộng đồng từ nhiều thập niên về trước. Lịch không chỉ phổ biến ở ở Thái Việt Nam mà còn được nhiều cộng đồng người Thái ở Lào và Myanmar dùng trong một thời gian dài. Cũng có thông tin nói rằng, ban đầu lịch này mỗi năm chỉ có 10 tháng. Có lẽ đó là giai đoạn lịch sử mà  văn hóa Trung Hoa chưa ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng người Thái. Theo lịch cổ này năm mới bắt đầu vào mùa gieo hạt.

Người Thái ở xã Yên Khê - Con cuông thường ăn rằm vào tháng sáu âm lcịh  Ảnh : Bá Hậu
Người Thái ở xã Yên Khê - Con Cuông thường ăn rằm vào tháng 6 âm lcịh Ảnh: Bá Hậu

Ông Quán Vi Miên, một người Thái từng có trên 40 năm nghiên cứu văn hóa bản địa thì “Lịch này có thể gọi là lịch nông nghiệp và bắt đầu năm mới vào mùa thu”. Cũng theo một số người địa phương nghiên cứu văn hóa Thái khác thì tháng 7 âm lịch là thời điểm bắt đầu của mùa mưa. Đó là lúc măng mọc, cây cối sinh sôi. Có thể đó là lý do để người xưa chọn lựa làm tháng đầu năm. Dẫu vậy thì không có nhiều lễ hội diễn ra vào tháng đầu năm mới. Có một lễ hội được người Thái các tỉnh Tây Bắc vẫn duy trì cho đến ngày nay là “Tết Xíp Xí” (Tết 14 tháng bày).

“Còn ở Nghệ An, người Thái hầu như không có lễ hội nào mang tính đặc trưng vào tháng 7 âm lịch.” - Đó là khặng định của tiến sỹ dân tộc học Vi Văn An. Nhà khoa học quê huyện Con Cuông (Nghệ An) này cũng cho biết có một số dòng họ ở quê ông ăn rằm tháng 7. Nhưng phần lớn họ có gốc gác từ người Kinh. Một số khác sinh sống gần người Kinh qua nhiều thế hệ đã chịu ảnh hưởng từ phong tục của người Kinh. Người Thái “xịn” không hề có tục cúng rằm tháng 7. Ông An cũng cho rằng tháng giêng trong lịch cổ của người Thái trùng với tháng 7 trong dương lịch, chứ không phải tháng 7 âm lịch như nhiều người nghiên cứu văn hóa Thái khác vẫn khẳng định.

Người thái được cho là có nguồn gốc từ người Kinh ở Chi Khê - Con Cuông cúng rằm tháng 7  Ảnh : Hữu Vi
Người thái được cho là có nguồn gốc từ người Kinh ở Chi Khê - Con Cuông cúng rằm tháng Bảy. Ảnh: Hữu Vi

Khi được hỏi về tháng 7 âm lịch theo quan niệm của người Trung Quốc mà nhiều bạn trẻ vẫn tin theo, ông An cho biết: "Đó là tháng của những vong hồn, những người chết đói, chết trận, là tháng “xá tội vong nhân”. Thế nhưng người Thái không có quan niệm này đâu.” - Ông An khẳng định.

Trở lại với vấn đề những bộ lịch được người Thái sử dụng. Ngày nay, về cơ bản, người Thái ở Nghệ An cũng dùng lịch âm và dương lịch như người miền xuôi. Còn 2 bộ lịch cổ được dùng trong các làng bản gọi là “lai nham”. Những bộ lịch này cũng được người Mông và Khơ mú sử dụng để xem ngày giờ tốt, phục vụ trong cộng đồng. Không còn nhiều người Thái ở Nghệ An biết đến bộ lịch cổ bắt đầu năm mới bởi tháng 7.

Tin mới