Không để có độ trễ trong áp dụng Luật quản lý tài sản công

(Baonghean.vn) - Ngày 27/9, Bộ Tài chính tổ chức họp báo về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). Tại buổi họp báo, ngoài việc công bố rộng rãi sự cần thiết ban hành bộ luật này và giới thiệu mục đích, quan điểm xây dựng luật, Bộ Tài chính đã trả lời các vấn đề nóng về quản lý tài sản công mà các cơ quan báo chí truyền thông nêu ra.

Một trong những câu hỏi được báo giới quan tâm nhiều nhất là về cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, theo quy định, khi nào đơn vị sự nghiệp chuyển thành DN và DN chuyển thành Công ty cổ phần thì phải tuân theo quy trình khác, còn trong Luật này chỉ quy định về xử lý tài sản.

Tài sản công
Quản lý tài sản công ngày càng quy cũ. Ảnh Internet

Nếu chuyển sang DN phải xác định lại giá trị tài sản theo giá thị trường, ví dụ trụ sở đơn vị sự nghiệp đó giá trị trên sổ sách kế toán sau thời gian sử dụng là 1 tỷ đồng nhưng khi chuyển thành DN thì việc giao vốn xác định theo giá thị trường  và phải tránh thất thoát tài sản nhà nước.

Ngoài ra, phần đất đai mà DN sở hữu thì  với quy định hiện hành không được tính là tài sản mà chỉ DN nào được giao quyền sử dụng đất thì sẽ tính.

Do đó, hiện Bộ TNMT và Bộ Tài chính đang được Thủ tướng Chính phủ giao tính toán khi CPH DN phải tính giá trị nộp thuế cũng như quyền sử dụng đất như thế nào. Quan điểm của Cục quản lý công sản là phải tính đầy đủ. Như về vấn đề liên kết hình thành tài sản có được coi là tài sản công hay không, hay việc tài sản công phải dùng đúng công năng sử dụng, như trường học, bệnh viện thì không dùng làm việc khác được mà chỉ kêu gọi tổ chức cá nhân phát triển dịch vụ tốt hơn trên cơ sở tài sản hiện có - đại diện Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) nói.

Trả lời câu hỏi của báo giới về xử lý vi phạm trong luật dự thảo khác gì quy đinh hiện hành, Cục trưởng Cục Quản lý công sản Trần Đức Thắng cho biết, qua công tác rà soát đánh giá Luật 2008, có thể thấy việc triển khai có lúc chưa nghiêm túc trong việc chấp hành các quy định tiêu chuẩn định mức chế độ quản lý tài sản công.

Nguyên nhân là quy định xử lý vi phạm thiếu và chưa nghiêm. Để khắc phục, tại dự thảo lần này quy định chặt hơn quy định về xử lý vi phạm. Theo đó, người nào vi phạm tài sản công gây thiệt hại cho Nhà nước phải bồi thường theo thiệt hại thực tế. Sau đó, tùy mức độ vi phạm người vi phạm sẽ bị kỷ luật, vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Ngoài ra, người đứng đầu đơn vị để xảy ra vi phạm phải giải trình và chịu trách nhiệm liên đới.

Liên quan tới vấn đề sắp xếp nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, đã có văn bản nhắc nhở trên cơ sở Chỉ thị 27 của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính kiểm tra nhà đất trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội báo cáo Thủ tướng. 

Theo dự kiến, Luật quản lý tài sản công sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2016, tháng 5/2017 sẽ thông qua, thời gian dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2018. Ngay sau luật được thông qua, sẽ có gần 10 Nghị định hướng dẫn được ban hành với sự cố gắng cao nhất, không để có độ trễ trong áp dụng Luật.

 Sông Hồng 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới