Không để người dân nào bị thiếu đói hay đứt bữa trong dịp Tết

Trao đổi với báo chí  về việc chăm lo Tết cho các đối tượng người có công, người nghèo, người yếu thế trong xã hội, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho hay sẽ không để một người dân nào bị hiếu đói hay đứt bữa trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

Cấp phát gạo hỗ trợ cho người dân ở huyện Thuận Nam, Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Cấp phát gạo hỗ trợ cho người dân ở huyện Thuận Nam, Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Thứ trưởng nêu rõ năm 2016, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, mưa lũ kéo dài, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp, đời sống của nhân dân, đặc biệt ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên. 

Ngay từ tháng 11/2016, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có công văn chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp các hộ dân có nguy cơ thiếu đói; chủ động sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và giáp hạt đầu năm 2017. 

Đến nay, 40 tỉnh gửi báo cáo đã phê duyệt được kế hoạch chuẩn bị Tết cho người có công, người nghèo và các đối tượng yếu thế. Với tinh thần phấn đấu năm sau cao hơn năm trước, các cấp ủy Đảng, chính quyền đều hết sức nỗ lực, tích cực, chủ động thực hiện... 

Từ đầu năm 2016 đến nay, 67.000 tấn gạo đã được xuất để hỗ trợ người dân các địa phương trong dịp Tết Nguyên đán, mùa giáp hạt, bị hạn hán xâm nhập mặn, sự cố môi trường ở miền Trung...

Điều đáng mừng là việc cấp phát lượng gạo dù lớn gấp đôi, gấp ba lần các năm trước, nhưng việc cấp phát của các địa phương được triển khai tốt, do rút kinh nghiệm từ các năm trước, Thứ trưởng nhận định. 

Về việc các địa phương xin hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm thông tin: Hiện đã có 15 tỉnh có công văn xin hỗ trợ với tổng số gạo cần hỗ trợ là hơn 17 nghìn tấn. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương đặt mục tiêu đến ngày 22/1 (tức 25 tháng Chạp) là thời hạn cuối cùng của việc hỗ trợ gạo dịp Tết Nguyên Đán 2017. 

Trả lời câu hỏi về việc nhiều địa phương trong năm 2016 đã đạt mức tăng trưởng GDP khá cao nhưng vẫn xin hỗ trợ gạo dịp Tết, liệu có phải do tâm lý ỷ lại, trông chờ, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho rằng việc tăng trưởng GDP cao và xin gạo hỗ trợ là hai việc khác nhau, bởi nhiều địa phương dù có mức tăng trưởng cao nhưng vẫn còn một bộ phận người dân khó khăn, cần hỗ trợ trong dịp Tết. 

Tất cả các địa phương có công văn xin hỗ trợ gạo đều được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng phê duyệt. Trách nhiệm của các địa phương là đánh giá, xác định nhu cầu, tình hình thiếu đói; bảo đảm an sinh cho người dân với tinh thần không để một người dân nào bị thiếu đói, đứt bữa trong dịp Tết. 

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng khuyến cáo các địa phương thực hiện việc cứu đói với tinh thần tại chỗ là chính, nếu vượt quá khả năng sẽ trình Trung ương hỗ trợ. Điển hình, một số địa phương dù gặp thiên tai, khó khăn nhưng không gửi công văn xin trợ cấp gạo, như: Sơn La, Quảng Nam... 

Bên cạnh việc hỗ trợ gạo cho người nghèo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm khẳng định các đối tượng chính sách khác cũng đều được bảo đảm an sinh xã hội trong dịp Tết, theo đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình Chủ tịch nước xem xét tặng quà cho đối tượng người có công. Quà tặng được chia làm hai mức: 400.000 đồng và 200.000 đồng với tổng chi phí dự kiến là 431 tỷ đồng. 

Các tỉnh, thành phố cũng đến thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách bằng nguồn ngân sách địa phương; tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hưởng ứng phong trào thiện nguyện, chăm lo cho người nghèo, "Đền ơn đáp nghĩa." 

Đối với người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các tỉnh, thành phố thông qua Liên đoàn Lao động vận động các doanh nghiệp có chính sách thưởng Tết, tặng quà, tổ chức đưa đón công nhân về quê ăn Tết với tinh thần bảo đảm tốt nhất việc đi lại cho người lao động, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nói.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh việc bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân, đặc biệt là người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong dịp Tết Nguyên đán là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người đứng đầu các cấp. 

Nếu để xảy ra tình trạng người dân thiếu đói, không có Tết, các cấp ủy Đảng, chính quyền và người đứng đầu địa phương đó sẽ bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ và có biện pháp xử lý phù hợp./. 

Theo Vietnamplus

TIN LIÊN QUAN

Tin mới