Gỗ, rác thải ngập lòng hồ thủy điện Bản Vẽ

TỪ MÙI LẠ ĐẾN… BÃI RÁC “KHỦNG”

Việc “chạm”, “thấy” mùi lạ của chúng tôi ở vùng hạ du thủy điện Bản Vẽ vào ngày 8/1/2020. Dịp đó, trong chuyến thực tế ở hai xã Lượng Minh, Yên Na, khi ngang qua chân đập Nhà máy thủy điện Bản Vẽ thì bất chợt nhận thấy không khí của khu vực này như quánh đặc, có mùi hôi khó chịu.

Thấy mọi người khó chịu, anh Nguyễn Phùng Hùng – Trưởng phòng TN&MT huyện Tương Dương giải thích, mùi bốc lên từ dòng nước đang chảy ra từ hệ thống các cửa đập của Nhà máy thủy điện lớn nhất tỉnh. Cùng các cán bộ huyện Tương Dương thực tế dòng chảy dưới chân đập, quả nhiên như anh Nguyễn Phùng Hùng trao đổi. Dòng nước dù xanh trong, nhưng có mùi hôi khắm.

Theo Trưởng phòng TN&MT huyện Tương Dương, sự việc này đã được huyện xác định ngày 31/12/2019, sau khi xác minh tin báo của người dân sống hai bên lòng hồ thủy điện Nậm Nơn. Cụ thể, ngày 31/12/2019, người dân phản ánh tới huyện tình trạng nước hạ du thủy điện Bản Vẽ có dấu hiệu ô nhiễm, bốc mùi hôi.

Dòng chảy dưới chân đập Thủy điện Bản Vẽ; Trưởng phòng TN&MT huyện Tương Dương lấy mẫu nước dưới chân đập Thủy điện Bản Vẽ để thực hiện công tác giám định; Cán bộ Công ty Thủy điện Bản Vẽ và UBND huyện Tương Dương kiểm tra tình trạng rác thải trên dòng Nậm Nơn.
Dòng chảy dưới chân đập Thủy điện Bản Vẽ; Trưởng phòng TN&MT huyện Tương Dương lấy mẫu nước dưới chân đập Thủy điện Bản Vẽ để thực hiện công tác giám định; Cán bộ Công ty Thủy điện Bản Vẽ và UBND huyện Tương Dương kiểm tra tình trạng rác thải trên dòng Nậm Nơn.

Ngay sau đó, lãnh đạo huyện giao Phòng TN&MT phối hợp với hai xã Lượng Minh, Yên Na kiểm tra thực tế hiện trường. Qua kiểm tra thì thấy nước tại vị trí Nhà máy thủy điện Bản Vẽ khi đang phát điện chuyển dần từ màu xanh sang màu đen; tại vị trí lòng hồ thủy điện Nậm Nơn thuộc địa bàn xã Lượng Minh đến thị trấn Hòa Bình có màu xanh đen.

Còn về mùi nước, tại vị trí Nhà máy thủy điện Bản Vẽ khi đang phát điện có mùi hôi rất khó chịu; tại vị trí lòng hồ thủy điện Nậm Nơn khi Nhà máy thủy điện Bản Vẽ hoạt động, nước không có mùi hôi. Đoàn đã lấy mẫu nước ở nhiều địa điểm khác nhau để làm công tác giám định và có văn bản báo cáo lãnh đạo huyện.

Trước thực tế này, ngày 3/1/2020, UBND huyện có Văn bản số 02/UBND-NL về việc xử lý hiện trường ô nhiễm môi trường khu vực hạ du lòng hồ thủy điện Bản Vẽ gửi các Sở TN&MT, Công Thương, Chi cục Bảo vệ môi trường, Tổng Công ty phát điện I và Ban Quản lý Dự án Thủy điện 2. Đồng thời đề nghị Sở TN&MT, Chi cục Bảo vệ môi trường sớm kiểm tra, đánh giá nguyên nhân và mức độ ô nhiễm tại khu vực hạ du thủy điện Bản Vẽ để cảnh báo cho người dân và có giải pháp xử lý.

Từ sự việc nước hạ du thủy điện Bản Vẽ có mùi hôi, chúng tôi liên tưởng lại những chuyến công tác ở các xã Nhôn Mai, Mai Sơn (Tương Dương), Mỹ Lý (Kỳ Sơn), được chứng thực tình trạng rác thải tồn đọng trên dòng Nậm Nơn. Rác là các loại cây gỗ, tre, nứa… và nhiều vô kể, ken đặc toàn bộ bề mặt sông và kéo dài hàng trăm mét. Nói ra điều này với mọi người trong đoàn và đặt ra nghi vấn: Có thể do tình trạng rác tồn đọng, lưu cữu trên lòng hồ phân hủy dẫn đến ô nhiễm nguồn nước? Trưởng phòng TN&MT Nguyễn Phùng Hùng ghi nhận nội dung này và hứa sẽ xác minh lại thông tin. Vì theo anh nếu có tình trạng rác thải trên vùng lòng hồ thì sẽ còn gây ra một số hệ lụy khác, không chỉ riêng về môi trường…

Việc kiểm tra vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ sau đó đã được UBND huyện Tương Dương cùng Công ty Thủy điện Bản Vẽ thực hiện trong ngày 16/1/2020. Hai đơn vị xác định vùng lòng hồ có khá nhiều rác trôi nổi. Thành phần chủ yếu là thân cây gỗ tạp, tre, nứa và rác thải sinh hoạt. Rác tập trung nhiều ở hai vị trí, gồm: Ở vị trí đuôi hồ (các đập thủy điện Bản Vẽ khoảng 60 – 79 km) tùy theo mực nước lên xuống của lòng hồ thủy điện, thời điểm kiểm tra có rác thải kéo dài khoảng 1km, phủ kín dày đặc cả vùng lòng hồ. Tại khu vực lòng hồ (thuộc địa bàn xã Hữu Khuông đến xã Mai Sơn) từ mực nước hồ hiện tại đến cao trình 200 có nhiều rác, chủ yếu là cây gỗ tạp, tre, nứa đang bám trên bờ.

Về nguyên nhân gây ra rác, UBND huyện Tương Dương và Công ty Thủy điện Bản Vẽ cùng chung nhận định “lượng rác này phần lớn là do trận lũ lớn xảy ra hồi tháng 8/2019 cuốn từ thượng nguồn về”. Đồng thời đánh giá việc rác phủ kín dày đặc suốt bề rộng vùng lòng hồ, kéo dài hơn 1km đã làm ách tắc giao thông đường thủy và đường cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn. Rác tập kết lâu ngày trong lòng hồ thủy điện, bị phân hủy gây mùi hôi cho những bản làng ven lòng hồ thủy điện. Việc này đã gây những dư luận không tốt của người dân với công trình thủy điện…

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG HỒ, ĐẬP THỦY ĐIỆN

Trước tình trạng nước hạ du thủy điện Bản Vẽ có “mùi lạ”, thượng nguồn Nậm Nơn có nhiều rác thải, Sở TN&MT cũng đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường lên kiểm tra hiện trường, lấy mẫu nước làm công tác giám định. UBND huyện Tương Dương và Công ty Thủy điện Bản Vẽ  đều đã có văn bản báo cáo, kiến nghị hướng xử lý lên UBND tỉnh và sở, ngành liên quan.

Với Công ty Thủy điện Bản Vẽ, tại Văn bản số 55/TĐBV-KTAT ngày 11/2/2020 gửi UBND tỉnh, đã thông tin chi tiết về thực trạng. Bên cạnh đó, thông tin khối lượng rác ước tính ở vị trí đuôi hồ, khu vực bản Hòa Lý, xã Mỹ Lý khoảng 11.400m3 (chưa tính rác trôi nổi trong lòng hồ và ở các bờ hồ).

Cũng tại văn bản này, Công ty Thủy điện Bản Vẽ đánh giá “việc thu gom, xử lý rác trôi nổi trong lòng hồ là rất cần thiết”. Tuy nhiên, do chưa có cơ sở pháp lý cho việc thu dọn rác trong lòng hồ nên Công ty Thủy điện Bản Vẽ đề nghị UBND tỉnh chủ trì tổ chức cuộc họp với các sở, ngành để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

Cũng nhằm để xử lý rác trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, vào ngày 10/2/2020, Sở TN&MT đã có Văn bản số 521/STNMT-BVMT  báo cáo UBND tỉnh. Tại Văn bản này, Sở TN&MT đề xuất UBND tỉnh về hướng xử lý, yêu cầu tất cả các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện và chính quyền các địa phương phải vào cuộc.

Ngày 20/2/2020, UBND tỉnh có Văn bản số 854/UBND-CN về việc thu dọn rác lòng hồ thủy điện. Tại đây, UBND tỉnh chỉ đạo: Chủ sở hữu các hồ, đập thủy điện có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành vệ sinh, thu dọn rác trôi nổi trong toàn bộ khu vực lòng hồ của nhà máy; xử lý rác trôi nổi, lâm sản sau thu dọn đảm bảo theo quy định của pháp luật. Chấp hành nghiêm các yêu cầu trong báo cáo ĐTM/Đề án BVMT đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và pháp luật về bảo vệ môi trường liên quan.

Chính quyền các địa phương có nhà máy thủy điện phối hợp với các chủ sở hữu hồ, đập thủy điện trong quá trình thực hiện vệ sinh, thu dọn rác trong khu vực lòng hồ của địa phương mình; giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của chủ sở hữu các hồ, đập thủy điện; tăng cường các hoạt động phòng ngừa và kiểm soát các nguồn thải vào nguồn nước trên địa bàn quản lý để kịp thời phát hiện, xử lý các hiện tượng bất thường…

Theo lãnh đạo Công ty Thủy điện Bản Vẽ, Văn bản số 854/UBND-CN  là cơ sở để công ty phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xử lý tình trạng rác lưu cữu trong lòng hồ. Công ty Thủy điện Bản Vẽ sẽ tổ chức khảo sát lại vùng lòng hồ trong thời gian sớm nhất để đánh giá chính xác khối lượng rác, báo cáo lên cấp trên; đồng thời, sẽ cùng UBND huyện Tương Dương bàn phương án thu dọn rác lòng hồ Bản Vẽ.

Với Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường cũng trao đổi rằng, khu vực vùng cao của tỉnh có khá nhiều các nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường, vệ sinh hồ, đập còn chưa được các chủ sở hữu quan tâm đúng mức theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường cũng như cam kết của từng đơn vị thủy điện (các dự án thủy điện đều có cam kết tại Báo cáo đánh giá tác động môi trường, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt). Chính vì vậy, Chi cục Bảo vệ môi trường đã tham mưu Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ sở hữu các hồ, đập thủy điện và chính quyền các địa phương có nhà máy thủy điện phải thể hiện trách nhiệm.

Nghĩ rằng, hướng đề xuất của Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT cùng chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 854/UBND-CN là kịp thời và sát đúng. Bởi công tác bảo vệ môi trường, vệ sinh thu dọn rác lòng hồ, đập các thủy điện là rất quan trọng. Công tác này không chỉ cần thiết, hữu ích đối với khu vực có nhà máy thủy điện đứng chân, mà còn cho tất cả các địa phương của tỉnh. Vì nguồn nước ngọt cấp cho mọi vùng đất xứ Nghệ, từ miền núi, trung du, hay đồng bằng đều xuất phát từ phía thượng nguồn. Nước nguồn không thể bị ô nhiễm!