Không để thiếu hiểu biết khi ra khơi

(Baonghean) - Trong bối cảnh diễn ra những tranh chấp phức tạp trên biển hiện nay, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển, đảo cho ngư dân đang là vấn đề cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. 
Bộ đội biên phòng tuyên truyền về pháp luật biển, đảo cho ngư dân.
Bộ đội biên phòng tuyên truyền về pháp luật biển, đảo cho ngư dân.
Khắc phục hạn chế về thiếu hiểu biết pháp luật
Nghệ An có 82 km chiều dài bờ biển với trên 4.000 tàu cá các loại của ngư dân, trong đó có trên 1/3 số tàu có thể vươn khơi đánh bắt, khai thác nguồn lợi thủy, hải sản. Hoạt động này từng bước đem lại thu nhập kinh tế ổn định và bền vững cho bà con ngư dân vùng biển, giải quyết việc làm trực tiếp cho hàng nghìn lao động, giúp ngư dân xóa nghèo, vươn lên làm giàu.
Tuy nhiên, không phải tất cả những người đang vươn khơi bám biển đều nắm chắc, hiểu biết rõ các quy định của pháp luật để có thể tự bảo vệ bản thân, tài sản và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Mặc dù số lượng lớn người và phương tiện thường xuyên hoạt động đánh bắt trên các vùng biển xa nhưng có một thực trạng tồn tại là lâu nay, bà con ngư dân chưa chú trọng trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về Luật Biển. 
Khi được hỏi về các văn bản pháp luật về biển, đảo như: Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển năm 1982; Luật Biển Việt Nam; Luật Biên giới quốc gia, Luật Thủy sản..., rất nhiều ngư dân tỏ vẻ ngơ ngác như lần đầu tiên được nghe. Ngư dân Trần Đại Lợi (xóm Minh Thành, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu) cho biết: Gia đình tôi có truyền thống đánh bắt cá xa bờ, bản thân tôi cũng đã theo nghề này được 30 năm. Nghề của chúng tôi quanh năm lênh đênh trên biển, tin tức ít được cập nhật nên nhiều quy định vẫn chưa được nắm rõ. 
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng, địa phương đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền về chính sách pháp luật cho ngư dân nhưng hầu hết những người được mời dự các buổi tuyên truyền này là vợ hoặc con của ngư dân. Trong khi người trực tiếp đối mặt với những vấn đề nhạy cảm trong việc thi hành luật pháp trên biển lại ít được tuyên truyền đến nơi đến chốn.
Trung tá Trần Quang Trung - Trưởng ban Tuyên huấn (Bộ đội Biên phòng tỉnh) cho rằng: Đối tượng cần tuyên truyền là ngư dân trực tiếp đánh bắt ngoài khơi lại ít tập trung, phần lớn thời gian họ lênh đênh trên biển nên rất khó để phổ biến đầy đủ về Luật Biển. Từ đó dẫn đến một số vấn đề như họ xâm phạm chủ quyền lãnh hải của nước bạn, sử dụng các thiết bị nổ để đánh bắt gây ô nhiễm môi trường, khả năng xử lý sự cố còn hạn chế, thậm chí lúng túng khi có tàu lạ nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. 
Nắm vững pháp luật, góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc
Trong thời gian qua, Ban chỉ đạo Biển Đông - Hải đảo tỉnh đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng pháp luật biển, đảo cho người dân ven biển. Trong những buổi tập huấn, bà con ngư dân được thông tin đầy đủ về tình hình biển, đảo trong thời gian gần đây, các hoạt động đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và lãnh hải của các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới, hải đảo; kiến thức pháp lý cơ bản về quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên; chủ trương, chính sách phát triển kinh tế biển của Việt Nam.
Ngư dân Trần Xuân Thành (thôn Phú Liên, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu) cho biết: “Thuyền của tôi thường đánh bắt ở khu vực thuộc vĩ tuyến 20°VB - 17°VB, 106°130’KĐ - 107°40’KĐ. Tại khu vực này, bên cạnh yếu tố thiên tai, thời tiết, chúng tôi cũng gặp không ít các sự cố khác khi đi biển. Tuy nhiên, khi được tuyên truyền và nắm rõ Luật Biển, chúng tôi đã có thể bình tĩnh xử lý và chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi cần thiết”. 
Đặc biệt, khi Luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến cho bà con ngư dân ở các xã, phường trên khu vực biên giới biển và một số địa phương khác trong nội địa có nhiều phương tiện đang đánh bắt, khai thác thủy, hải sản trên biển. Năm 2013, Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng và thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2014 – 2016”.
Giải pháp đưa ra đối với công tác tuyên truyền cho ngư dân là tăng cường cấp phát tờ rơi và kịp thời bồi dưỡng kiến thức pháp luật khi thuyền của họ trở về bờ neo đậu. Từ đó giúp họ trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật biển, khai thác, đánh bắt trong vùng biển cho phép, có kỹ năng đối phó với tàu thuyền nước ngoài, đồng thời vận động ngư dân chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng khi có vụ việc xảy ra trên biển.
Bên cạnh lực lượng Bộ đội biên phòng, các cơ quan chức năng khác cũng tích cực vào cuộc nhằm giúp ngư dân có kiến thức đầy đủ về pháp luật. Tại huyện Nghi Lộc - địa phương có tới 540 thuyền đánh bắt cá với 1.389 ngư dân hành nghề, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh.
Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức được 2 buổi tuyên truyền tập trung cho chính các đối tượng tham gia đánh bắt trên biển, mỗi buổi đều có từ 160 - 170 ngư dân. Ông Nguyễn Đình Thành – Trưởng phòng Tư pháp huyện Nghi Lộc cho biết: Với đặc thù thời gian và công việc của ngư dân nên chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai theo 2 phương án, đó là tổ chức tuyên truyền tập trung và tuyên truyền phân tán.
Tuyên truyền tập trung thường thực hiện trong mùa biển động, khi ngư dân hầu hết đã lên bờ; còn tuyên truyền phân tán thì được thực hiện thường xuyên thông qua radio, hệ thống máy thông tin liên lạc, cấp phát miễn phí các tài liệu liên quan đến luật pháp trên biển để ngư dân mang theo trong những chuyến ra khơi.
Như vậy, chỉ khi được trang bị kiến thức về biển, đảo, bà con ngư dân mới có ý thức tự giác bảo vệ môi trường sinh thái biển, không vi phạm các quy định của pháp luật về khai thác hải sản. Qua đó, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đưa nghề đánh bắt trên biển phát triển theo hướng bền vững. 
Sau gần 2 năm triển khai đề án, lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh đã phối hợp cấp phát 6.000 tờ gấp, 8.000 đĩa DCD tuyên truyền chủ quyền của Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bác bỏ những yêu sách phi lý về đường lưỡi bò. Nhờ đó, tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn giảm rõ rệt. Năm 2014 có gần 150 vụ vi phạm, và số vụ vi phạm trong  6 tháng đầu năm 2016 chỉ còn hơn 50 vụ. 

Phương Thảo 

Tin mới