Không kéo dài việc khắc phục, không để phát sinh biểu hiện mới

(Baonghean) - Kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2018) là dịp chúng ta nhìn lại nhiệm vụ đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua, từ đó tiếp tục đề ra biện pháp, giải pháp, đáp ứng ngày càng tốt hơn vai trò của Đảng trong tình hình mới.
Các đảng viên ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) tuyên truyền pháp luật cho thuyền viên trước khi ra khơi. Ảnh tư liệu
Các đảng viên ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) tuyên truyền pháp luật cho thuyền viên trước khi ra khơi. Ảnh tư liệu
Trong suốt 88 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng với nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư được ban hành. Tại Đại hội XII của Đảng, một trong sáu nhiệm vụ xuyên suốt nhiệm kỳ được Đảng ta đề ra là công tác xây dựng Đảng và nghị quyết đầu tiên về xây dựng Đảng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, chính là Nghị quyết Trung ương 4 về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng triển khai thực hiện nghiêm túc với quyết tâm tạo chuyển biến thật sự về công tác xây dựng Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Bởi vậy, trên tinh thần “nhìn thẳng, nói thật”, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung kiểm điểm sâu sắc trên cơ sở đối chiếu với 27 biểu hiện mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra, nhất là những nơi có vấn đề phức tạp, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên hoặc việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua còn hạn chế. Theo đó, ở những mức độ khác nhau, mỗi tập thể và cá nhân đã nhận diện khá rõ các biểu hiện, nêu được nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề ra được các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục, sửa chữa, tăng cường trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Đây chính là thành công bước đầu của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) mang lại.
Điều đặc biệt, ở từng cấp, từng địa phương, đơn vị đều xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) một cách cụ thể, trong đó xác định rõ những nhiệm vụ thực hiện ngay và thường xuyên, những nhiệm vụ thực hiện theo lộ trình; đồng thời phân công cán bộ chỉ đạo; cơ quan chủ trì tham mưu, cơ quan phối hợp và chỉ rõ thời gian, tiến độ hoàn thành từng nhiệm vụ.

Riêng đối với cấp tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 26-CTr/TU; trong đó xác định 12 nhiệm vụ thực hiện ngay và thường xuyên, 10 nhiệm vụ thực hiện theo lộ trình. Đến nay, sau hơn 1 năm chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhiều vấn đề liên quan đến công tác xây dựng Đảng được chấn chỉnh và đi vào nền nếp. Nổi bật nhất là gắn việc kiểm điểm tổ chức đảng, đảng viên hàng năm và kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách nghiêm túc và thực chất, kèm theo các giải pháp khắc phục của tập thể và cá nhân ở các cấp.

Từ việc khắc phục những hạn chế, biểu hiện suy thoái được chỉ ra sau kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cũng như kiểm điểm tổ chức đảng, đảng viên hàng năm, thực sự tạo bước chuyển về công tác cải cách hành chính ở các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị; nhất là phong cách làm việc khoa học, ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức ở các cấp được nâng lên; lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều đổi mới theo hướng cụ thể, sâu sát với nhiệm vụ, với cơ sở, từng bước khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân.

Cán bộ Ủy ban kiểm tra huyện Diễn Châu rà soát các chương trình kiểm tra, giám sát. Ảnh: P.V
Cán bộ Ủy ban kiểm tra huyện Diễn Châu rà soát các chương trình kiểm tra, giám sát. Ảnh: P.V
Nhiều nhiệm vụ đã được xác định làm ngay, thường xuyên và thực hiện theo lộ trình cũng như nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc ở từng cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, được cấp ủy, tổ chức đảng các cấp triển khai tích cực. Ở cấp tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo đẩy nhanh thanh tra, kiểm tra, điều tra, xét xử những vụ việc tham nhũng, các dự án thất thoát, thua lỗ lớn, lãng phí, tiêu cực được dư luận, nhân dân quan tâm.
Tính từ ngày 1/11/2016 đến 31/12/2017, Viện Kiểm sát Nhân dân và Tòa án Nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An đã thụ lý 6 vụ án tham nhũng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo rà soát, tổng hợp và đưa vào chương trình công tác nội chính và phòng chống tham nhũng năm 2018 của Ban Nội chính Tỉnh ủy đối với 10 công trình có dấu hiệu gây lãng phí… Riêng thanh tra năm 2017 của Thanh tra tỉnh với 12 cuộc đã phát hiện sai phạm hơn 32,6 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 7,6 tỷ đồng, kiến nghị khác gần 25 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 1 vụ việc liên quan đến quản lý đất đai, xây dựng trái phép trên kênh vách Bắc huyện Yên Thành. 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh hoặc thu hồi nhiều dự án đã cấp phép nhưng chậm triển khai; tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, quản lý đất đai, môi trường, bảo vệ rừng; rà soát, kiện toàn tổ chức và sắp xếp, bố trí lại cán bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo chí, xuất bản, Internet, mạng xã hội; chấn chỉnh tình trạng ăn uống, liên hoan, gặp mặt khi hội họp, được đề bạt, thuyên chuyển công tác, cưới hỏi… xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội...

Đối với các cấp, ngành, địa phương cũng tập trung những việc làm có tác dụng tích cực đối với nhiệm vụ chính trị của mình, tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Rõ nhất là tăng cường giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; khắc phục tồn tại trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái thẩm quyền, khai thác cát, sỏi trái phép; đổi mới phương pháp làm việc, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...
Có thể nói, thông qua việc khắc phục những hạn chế, biểu hiện đã được chỉ ra sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), đã góp phần tạo ra nhiều chuyển động tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh và ở từng cấp, từng ngành, địa phương, đơn vị. Nhờ đó, tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh có mức tăng trưởng khá; nhiều dự án đầu tư được thu hút, tạo những điểm nhấn quan trọng trong bức tranh kinh tế Nghệ An.

Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp được nâng lên. Vai trò của người đứng đầu trong tập thể thể hiện rõ nét hơn, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích tập thể lên trên, thực hiện đúng nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”.

Sản xuất thép tại Nhà máy Tôn Hoa Sen Nghệ An. Ảnh: P.V
Sản xuất thép tại Nhà máy Tôn Hoa Sen Nghệ An. Ảnh: P.V
Mặc dù, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã tạo được những chuyển biến và hiệu quả cụ thể; tuy nhiên để nói thật hài lòng và thỏa mãn thì chưa. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất: Tiếp tục chỉ đạo khắc phục, sửa chữa các hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra, không để kéo dài, nhất là không để phát sinh các biểu hiện mới.
Thứ hai: Gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, nhất là triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 
Thứ ba: Các cấp ủy, các sở, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục đưa việc thực hiện các nội dung Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) vào sinh hoạt thường xuyên, định kỳ của chi bộ và chương trình, kế hoạch hàng năm để tổ chức thực hiện.
Thứ tư: Các tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở; mỗi cán bộ, đảng viên thường xuyên học tập, tu dưỡng rèn luyện, gương mẫu thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, có ý thức giữ gìn phẩm chất, các chuẩn mực về đạo đức, lối sống; xây dựng tác phong, lề lối làm việc khoa học.
Thứ năm: Các cấp ủy đảng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai học tập, tổ chức thực hiện Nghị quyết, nhất là lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục các hạn chế, khuyết điểm ở cấp dưới; gắn với giám sát, kiểm tra việc khắc phục, sửa chữa các khuyết điểm của cán bộ, đảng viên ở cấp mình để vừa đảm bảo tốt vai trò lãnh đạo, vừa tăng cường quản lý đảng viên, theo dõi, giám sát đảng viên khắc phục, sửa chữa các khuyết điểm. Có như vậy, việc thực hiện Nghị quyết mới mang lại hiệu quả, đáp ứng được sự  kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tin mới