Không mong đàm phán, Triều Tiên muốn gì?

(Baonghean.vn) - Trong khi cả thế giới đổ dồn sự chú ý vào chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine thì ngày hôm nay (27/2) Triều Tiên lại tiến hành vụ thử tên lửa lần thứ 8 trong năm nay sau gần 1 tháng gián đoạn. Trước đây, các vụ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên thường được cho là nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, tạo đòn bẩy cho các cuộc đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc. Nhưng lý giải đó dường như không còn phù hợp với mục đích của Triều Tiên trong năm 2022 này, khi cơ hội tiến tới đàm phán của các bên liên quan trong thời gian trước mắt gần như là không có.

Thiếu động lực đàm phán

Sau 1 tháng “im hơi lặng tiếng”, ngày 27/2, Triều Tiên lại tiến hành thử tên lửa đạn đạo trở lại từ một địa điểm gần Sunan - nơi đặt sân bay quốc tế của Bình Nhưỡng. Đây cũng là địa điểm Triều Tiên từng tiến hành phóng một cặp tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào ngày 16/1. Về mặt thời điểm, có ý kiến cho rằng, cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tại Ukraine có thể tạo điều kiện thuận lợi để Triều Tiên thúc đẩy các vụ thử tên lửa mà vẫn “né” được các lệnh trừng phạt của quốc tế, bởi vì Mỹ sẽ bị phân tâm và không coi việc dẫn đầu các phản ứng quốc tế nhằm vào Triều Tiên là trọng tâm. Tuy nhiên theo giới phân tích, những diễn biến tại Ukraine không có nhiều ảnh hưởng đến lịch trình của Triều Tiên, bởi nếu nhìn lại tháng 1, Triều Tiên đã tiến hành tới 7 vụ thử tên lửa, nhiều hơn toàn bộ năm 2021 cộng lại. Việc quốc gia này tạm dừng các vụ thử trong 1 tháng trùng với thời điểm Trung Quốc tổ chức Thế vận hội mùa Đông Olympic Bắc Kinh, và đó có thể là cách Triều Tiên thể hiện sự tôn trọng đối với Trung Quốc - quốc gia vẫn được xem là chỗ dựa lớn và duy nhất của Triều Tiên.

Triều Tiên lại thử tên lửa sau gần một tháng tạm dừng. Ảnh Reuters
Triều Tiên lại thử tên lửa sau gần một tháng tạm dừng. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng cho rằng Triều Tiên đang cố gắng thu hút sự chú ý bằng các vụ thử tên lửa, nhưng nhận định đó dường như đang bị đơn giản hóa nếu nhìn vào bối cảnh hiện tại, khi triển vọng tiến hành đàm phán giữa Triều Tiên với Mỹ hay Hàn Quốc đều không được đánh giá cao. Nhận định một cách cơ bản nhất, cả Mỹ, Hàn Quốc, thậm chí là Nhật Bản ở thời điểm này đều thiếu động lực đàm phán với Triều Tiên, vì vậy việc thu hút sự chú ý làm đòn bẩy đàm phán vào lúc này không có nhiều giá trị với Triều Tiên. Về phía Hàn Quốc, Tổng thống nước này Moon Jae-in đã theo xu hướng ôn hòa với Triều Tiên kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ cách đây 5 năm, và lập trường cơ bản của ông nhìn chung không bị ảnh hưởng bởi căng thẳng liên Triều hoặc các vụ thử tên lửa. Nước láng giềng Nhật Bản từ lâu cũng hình thành cách ứng phó với mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên bằng cách xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, đồng thời nâng cao khả năng tấn công nhằm vào các căn cứ của Triều Tiên.

Nhân tố quan trọng nhất trong các cuộc đàm phán hạt nhân Triều Tiên là Mỹ. Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức đến nay, vấn đề Triều Tiên chưa được xếp vào nhóm những vấn đề đối ngoại quan tâm hàng đầu của chính quyền Joe Biden. Tổng thống Mỹ có xu hướng coi các vụ thử tên lửa của Triều Tiên là “công việc thường lệ”.

Cách phản ứng của Mỹ trước các vụ thử tên lửa của Triều Tiên được cho là mang tính hình thức.

Với nhiều vấn đề lớn về đối nội, cộng với các vấn đề đối ngoại cần giải quyết liên quan đến Nga, Trung Quốc, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên chưa phải là trọng tâm trong chương trình nghị sự của ông Biden. Trong một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố vào giữa tháng 2 vừa qua, tổng hợp 18 mối quan tâm chính sách hàng đầu của người Mỹ hầu như không đề cập đến các vấn đề đối ngoại và không đề cập đến Triều Tiên. Hơn nữa, Biden chắc chắn nhận ra rằng những động thái ngoại giao một cách nghiêm túc với Triều Tiên ở thời điểm này sẽ vấp phải phản đối từ các đối thủ chính trị của mình. Bởi thế, cách phản ứng của Mỹ trước các vụ thử tên lửa của Triều Tiên được cho là mang tính hình thức, đó là lên án các vụ thử và nhắc lại thông điệp Mỹ sẵn sàng đàm phán bất cứ lúc nào, miễn là Triều Tiên chấp nhận thảo luận về phi hạt nhân hóa. Và tất nhiên, một cuộc đàm phán trên thực tế vẫn còn rất xa vời.

Tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên có tầm bắn bao phủ Nhật Bản vào Guam, Mỹ. Ảnh NK News
Tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên có tầm bắn bao phủ Nhật Bản vào Guam, Mỹ. Ảnh: NK News

Định vị “quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân”

Không có ý định thu hút sự chú ý làm đòn bẩy đàm phán, nhiều người đặt dấu hỏi về các vụ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên trong tháng 1/2022 và vừa được nối lại cuối tuần qua, trong đó quan điểm có nhiều đồng thuận nhất là Triều Tiên đang kiểm nghiệm năng lực kỹ thuật, hướng tới được công nhận là một quốc gia “sở hữu vũ khí hạt nhân vì hòa bình”.

Cách đây một năm, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng tuyên bố sẽ nâng cấp kho vũ khí chiến lược của quốc gia, bổ sung “các khả năng hạt nhân mới”. Ông đặc biệt đề cập tới tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, tên lửa siêu thanh, cải thiện độ chính xác của các loại tên lửa, chuyển từ nhiên liệu dạng lỏng sang dạng rắn nhằm rút đáng kể thời gian trong quá trình chuẩn bị phóng. Ông Kim Jong-un cũng nhắc đến vũ khí hạt nhân chiến thuật và chế tạo đầu đạn hạt nhân, đầu đạn thông thường lớn nhất dành cho các loại tên lửa mà Triều Tiên phát triển. Các cuộc thử nghiệm gần đây bao gồm tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, tên lửa hành trình được cho là nằm trong lộ trình nâng cấp kho vũ khí mà ông Kim Jong-un từng tuyên bố.

Một khi Triều Tiên được công nhận là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, cộng đồng quốc tế và Mỹ sẽ không còn lý do để duy trì các lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia này.

Trong thời kỳ mà quan hệ Mỹ - Triều được đánh giá là khá nồng ấm, với 2 hội nghị thượng đỉnh và 1 cuộc gặp của ông Donald Trump và ông Kim Jong-un tại biên giới liên Triều, Triều Tiên từng cam kết dừng thử các vụ tên lửa đạn đạo tầm xa hồi năm 2017. Ở thời điểm đó, việc tạm dừng này có thể là để tạo động lực cho các cuộc đàm phán Mỹ - Triều, nhưng cũng có thể là do các kỹ thuật viên của Triều Tiên chưa thực sự tin tưởng vào khả năng thành công. Một cuộc thử nghiệm thất bại sẽ làm dấy lên những nghi ngờ của cộng đồng quốc tế về khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Nhưng ở thời điểm này, mọi việc đã thay đổi. Triều Tiên không còn động lực tạo đòn bẩy cho các cuộc đàm phán, nhưng nhu cầu được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, được công nhận là một quốc gia “sở hữu vũ khí hạt nhân vì hòa bình” thì vẫn còn đó. Và để được công nhận, Triều Tiên sẽ phải chứng minh rằng mọi sự ngăn cản bước tiến của Triều Tiên là không thể, và một khi được công nhận là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, cộng đồng quốc tế và Mỹ sẽ không còn lý do để duy trì các lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia này.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng tuyên bố nâng cấp kho vũ khí chiến lược quốc gia. Ảnh KCNA
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng tuyên bố nâng cấp kho vũ khí chiến lược quốc gia. Ảnh: KCNA

Khi Thế vận hội Olympic Bắc Kinh kết thúc, nhiều chuyên gia dự báo Triều Tiên sẽ còn tiếp tục tiến hành thêm nhiều vụ thử tên lửa khác để cải tiến công nghệ vũ khí. Vụ thử tên lửa cuối cùng mà Triều Tiên tiến hành vào tháng 1 là một vụ phóng tên lửa tầm trung (IRBM) Hwasong-12, là loại tên lửa mạnh nhất được Triều Tiên thử nghiệm từ năm 2017. Tên lửa Hwasong-12  có tầm bắn 5.000 km - đưa toàn bộ Nhật Bản và lãnh thổ Guam của Mỹ vào tầm ngắm. Cả Nhật Bản và đảo Guam đều là nơi có các căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ và sẽ được sử dụng trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trên Bán đảo Triều Tiên.

Với việc nối lại các vụ thử tên lửa, có thể Triều Tiên sẽ sớm nâng cấp lên tên lửa xuyên lục địa (ICBM), thậm chí là một tên lửa hạt nhân trong tương lai gần. Nhưng dù là Olympic Bắc Kinh, hay cuộc khủng hoảng Ukraine, Triều Tiên thường có xu hướng hành động theo thời gian biểu của riêng mình, và một trong những ngày lễ lớn quan trọng sắp tới của Triều Tiên là kỷ niệm sinh nhật lần thứ 110 của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành vào ngày 15/4. Đây đang được đánh giá là thời điểm có ý nghĩa quan trọng để Triều Tiên trình diễn các loại vũ khí mới mạnh mẽ. Vì thế từ nay đến thời điểm đó, Triều Tiên được cho là sẽ còn tiến hành thêm các vụ thử tên lửa, điều đáng quan tâm là quốc gia này sẽ chạm tới giới hạn nào - tên lửa xuyên lục địa hay tên lửa hạt nhân - mà thôi.

Tin mới