Không phát hiện được sai phạm: Trách nhiệm của cấp ủy ở đâu?

Qua báo chí, nhân dân mới phát hiện được tiêu cực, tham nhũng. Như vậy trách nhiệm cấp ủy các địa phương trong phát hiện, xử lý tiêu cực, tham nhũng ở đâu?

Tự phê bình và phê bình được coi là vũ khí sắc bén và là quy luật để Đảng phát triển. Thế nhưng thời gian vừa qua, nhìn lại những vụ việc bức xúc trong dư luận cho thấy, công tác này ở nhiều nơi chưa thực sự được coi trọng.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), các Bộ ngành, Tỉnh ủy, Thành ủy đang tích cực kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân. Với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và để thực hiện Nghị quyết hiệu quả cần khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh trong tự phê bình và phê bình. Qua đó lấy lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Tự phê bình và phê bình là một trong những nhiệm vụ cơ bản nhất của đảng viên, điều này đã được quy định rõ trong Điều 2 Điều lệ Đảng. Đây cũng là biện pháp quan trọng để làm trong sạch Đảng, cũng như trong nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Tuy nhiên, trong tự phê bình và phê bình, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám nói, dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Nhiều vụ việc sai phạm được dư luận quan tâm nhưng lại do báo chí phát hiện chứ không phải do tổ chức Đảng, nơi xảy ra vụ việc phát hiện. Điển hình là vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ một sở có 44 lãnh đạo nhưng chỉ có 2 nhân viên, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế thuộc Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ 26 tuổi có sự thăng tiến nhanh và lạ. Ông Hà Quốc Trị, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, từ những vụ việc trên có thể thấy thông tin báo chí không chỉ định hướng dư luận, định hướng hành vi mà còn giúp cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định kiểm tra giám sát đối với tổ chức Đảng và đảng viên.

Ông Nguyễn Thái Học
Ông Nguyễn Thái Học

Ông Nguyễn Thái Học, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên cho rằng sự cố gắng của chúng ta chưa đồng bộ nên có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt. Điều đáng buồn hiện nay chính là cấp ủy các địa phương, nhất là cấp ủy cơ sở lại không chủ động phát hiện sai phạm, mà thông qua người dân, đơn thư khiếu nại tố cáo, thông qua báo chí mới biết được vụ việc có tiêu cực, tham nhũng và tiến hành điều tra. Như vậy, phải đặt vấn đề trách nhiệm cấp ủy các địa phương trong việc phát hiện xử lý hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Những vụ việc vừa nêu cho thấy việc triển khai tự phê bình và phê bình ở một số tổ chức cơ sở Đảng thời gian qua chưa được coi trọng, trong khi đây là nguyên tắc “sống - còn” trong tổ chức và hoạt động của Đảng. Trải qua lịch sử 87 năm, Đảng ta đã nhiều lần nhìn thẳng vào sự thật để nhận sai lầm khuyết điểm và sửa chữa, để Đảng ngày càng mạnh thêm.

Các Bộ ngành, Tỉnh ủy, Thành ủy tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân Ban thường vụ lần này theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 lần này là nhằm mục đích như vậy, để có đội ngũ cán bộ lãnh đạo có tâm, có tầm, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo công việc ở địa phương, để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn.

Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Hiên, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định: trong phê bình phải tuyệt đối tránh bệnh hình thức, chiếu lệ, qua loa, né tránh sự thật hoặc lợi dụng đợt kiểm điểm này thành cuộc đấu đá vì động cơ cá nhân không trong sáng. Nhân dân, cán bộ, đảng viên mong đợi sự công khai, minh bạch tự phê bình và phê bình của cấp ủy đảng, nhưng quan trọng hơn là giải pháp khắc phục khuyết điểm, hạn chế, nói đi đôi với làm để nhân dân thấy Đảng thật sự cầu thị.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Hiên nhấn mạnh: Cần xác định rõ phê bình và tự phê bình để làm gì? Dựa vào đâu tự phê bình? Phải xác định không gian và thời gian để tiến hành phê bình. Phê bình dựa vào sự phát triển ở lĩnh vực anh phụ trách. Phải cụ thể hóa chứ không phải nói chung.

Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ ra 1 trong 27 biểu hiện của suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, đó là: “Trong tự phê bình còn giấu giếm không dám nhận trách nhiệm. Trong phê bình còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”. Do đó, tự phê bình và phê bình được xác định là giải pháp quan trọng hàng đầu trong các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Mỗi đảng viên cần soi mình vào 27 điểm đó để thấy bản thân có từng hoang mang, dao động, mất niềm tin không? Nếu có thì nhận, nếu không nhận ra được thì chẳng biết bao giờ mới sửa được. Việc tự phê bình và phê bình nếu vì sự tiến bộ của mỗi người là rất tốt. Trong quá trình phê bình nếu phát hiện sai phạm, khuyết điểm rất nặng buộc xử lý theo kỷ luật Đảng.

Tự phê bình và phê bình chính là cuộc đấu tranh với chính mình và đồng chí của mình. Trong quá trình kiểm điểm, những khuyết điểm đã rõ cần được điều tra, xem xét, xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Có như vậy, đợt sinh hoạt chính trị tự phê bình, phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) mới mang lại sức sống mới trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mang lại niềm tin cho nhân dân./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới