Không thể vội vàng trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông

(Baonghean.vn) – Cử tri TP. Vinh cho rằng, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tư thích đáng, toàn diện cả về con người, cơ sở vật chất, trong đó bồi dưỡng giáo viên phải đi trước một bước.

Đó là một trong những nội dung được kiến nghị tại buổi tiếp xúc cử tri tại TP. Vinh vào sáng 30/11. Tham dự có các ĐBQH: Hồ Đức Phớc - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước; Trần Văn Mão – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đinh Thị Kiều Trinh – cán bộ Sở LĐ –TB&XH; lãnh đạo TP. Vinh và đại diện cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục thành phố, lãnh đạo các phường, xã.

Các đại biểu dự buổi tiếp xúc cử tri.
Các đại biểu dự buổi tiếp xúc cử tri.

Tại hội nghị, các ý kiến kiến nghị tập trung phản ánh vào lĩnh vực giáo dục. Trưởng phòng GD&ĐT TP. Vinh - ông Thái Khắc Tân cho rằng, việc triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông cần phải có kế hoạch, lộ trình rõ ràng, cụ thể. Trong đó, công tác bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng yêu cầu của đổi mới cần được đầu tư một cách thỏa đáng.

“Bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cần triển khai sớm, đi trước một bước và cần lựa chọn hình thức bồi dưỡng phù hợp, hiệu quả thiết thực. Đội ngũ giáo viên là nhân tố quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới”, ông Thái Khắc Tân kiến nghị.

Đây cũng là chủ đề được nhiều cán bộ quản lý, giáo viên trong ngành giáo dục TP. Vinh lo lắng, trăn trở. Theo thầy Võ Hoàng Ngọc – Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi, dự kiến năm học 2018 - 2019 sẽ áp dụng chương trình sách giáo khoa mới, hướng tới cấu trúc lớp, trường tương đương với các nước phát triển. Tuy nhiên, ở các nước Tây Âu, sỹ số mỗi lớp chỉ 20 học sinh, trong khi đó, chúng ta hiện nay có đến 45 học sinh/lớp.

“Nếu thay đổi theo cách dạy cùng với sỹ số trên thì giáo viên không thể "trụ" được. Do đó, cần phải tính toán để giảm định mức học sinh mỗi lớp, tăng định biên giáo viên phù hợp” - thầy Võ Hoàng Ngọc lo lắng đề xuất.

Thầy
Thầy Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đề nghị có giải pháp phù hợp trong việc tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục.

Còn cô Nguyễn Thị Ngọc Anh – Hiệu trường Trường THCS Hà Huy Tập đề nghị, việc đổi mới chương trình phổ thông phải có kế hoạch dài hơi để các địa phương, cán bộ, giáo viên biết cụ thể, nhằm chuẩn bị sẵn sàng tâm thế; cùng với đó phải có sự đầu tư thích đáng, đồng bộ cả về đội ngũ, tài chính để trang bị cơ sở vật chất.

“Thực hiện đổi mới như chương trình VNEN, vấn đề tài chính không đáp ứng được việc trang bị cơ sở vật  chất dẫn đến khó khăn” - cô Ngọc Anh nêu dẫn chứng.

Cử tri bày tỏ sự lo lắng trong việc thực hiện tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục. Theo đó, đối với các cơ sở GD&ĐT, định mức lao động của giáo viên đã được tính toán bằng số tiết/tuần cho từng giáo viên, theo từng cấp học, từng bộ môn.

Do đó, nếu áp dụng chung như đối với công chức, viên chức các ngành khác thì không có đủ giáo viên đứng lớp, ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Giờ học của học sinh lớp 12, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh. Ảnh tư liệu.
Giờ học của học sinh lớp 12, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh. Ảnh tư liệu.

Liên quan đến vấn đề này, thầy Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng nêu ý kiến, việc tinh giản biên chế “ra 2, vào 1” áp dụng đối với ngành Giáo dục sẽ xảy ra bất cập. “Vì giáo viên dạy Toán không thể dạy Văn. Tôi đề nghị, cần nghiên cứu kỹ để có giải pháp phù hợp”.

Tại hội nghị, cử tri là cán bộ, giáo viên trong ngành Giáo dục TP. Vinh đã gửi gắm nhiều vấn đề liên quan đến phân cấp, tăng quyền tự chủ của ngành và các cơ sở GD&ĐT về tài chính, tổ chức bộ máy; tích hợp hai bộ tiêu chí đánh giá các cơ sở GD&ĐT là kiểm định chất lượng giáo dục và trường đạt chuẩn quốc gia; có chỉ tiêu biên chế để tuyển dụng đội ngũ cô nuôi tại bậc mầm non; tăng cường dạy ngoại ngữ, tin học tại bậc Tiểu học…

Ông Hồ Đức Phớc cho rằng, việc tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục phải phù hợp đặc thù của ngành.
Ông Hồ Đức Phớc cho rằng, việc tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục phải phù hợp đặc thù của ngành.

Giải trình các kiến nghị của cử tri, ông Hồ Đức Phớc khẳng định tiếp thu ý kiến của các giáo viên trong triển khai các chương trình thí điểm của ngành Giáo dục và sẽ có ý kiến với các cơ quan liên quan.

“Khi thí điểm phải chuẩn bị chương trình, bồi dưỡng giáo viên, trang bị cơ sở vật chất đồng bộ; triển khai đánh giá rút kinh nghiệm. Nếu không, việc thí điểm sẽ bị méo mó” - Tổng Kiểm toán Nhà nước bày tỏ quan điểm.

Đối với vấn đề tinh giản biên chế, người đứng đầu ngành Kiểm toán Nhà nước cho biết, Đảng và Nhà nước triển khai rất quyết liệt.

Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán Nhà nước đồng tình rằng, đối với ngành Giáo dục thì phải căn cứ vào đặc thù. “Khi triển khai, ngành Giáo dục phải bố trí, sắp xếp phù hợp với ngành mới mang lại hiệu quả” - ông Hồ Đức Phớc nói.

Ông Trần Văn Mão - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo với cử tri kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV và hoạt động của đoàn ĐBHQ Nghệ An.
Ông Trần Văn Mão - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo với cử tri kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV và hoạt động của đoàn ĐBHQ Nghệ An.

Trước đó, ông Trần Văn Mão - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã báo cáo với cử tri kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV cũng như sự tham gia rất hiệu quả của đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, được Quốc hội, Chính phủ, các đoàn tỉnh khác và cử tri đánh giá cao.

Thành Duy

TIN LIÊN QUAN

Tin mới