Khu Di tích Lam Sơn và Hội Đền Vua Lê

 Voi đá chầu ở điện Lam Kinh
 Voi đá chầu ở điện Lam Kinh

Lê Lợi là người anh hùng dân tộc, vị lãnh tụ tối cao của Khởi nghĩa Lam Sơn. Ông sinh năm 1385, quê xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá. Năm 1407, giặc Minh xâm chiếm nước ta, chúng mời Lê Lợi ra làm quan, nhưng ông kiên quyết từ chối, lại còn ngầm nuôi mưu sĩ, phát thóc giúp người nghèo, tập hợp lực lượng để đến ngày 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, xưng là Bình Đình Vương... Sau biết bao hy sinh mất mát, mưu lược và quả cảm, với sự đồng lòng của cả nước, đầu tháng 12 - 1427, Lê Lợi mở Hội thề Đông Quan, cùng với tướng giặc Vương Thông chấp nhận giảng hoà, sửa chữa cầu đường, cung cấp lương thực cho giặc Minh rút về nước. Khởi nghĩa Lam Sơn hoàn toàn thắng lợi, đầu năm 1428, ông lên ngôi vua, mở đầu thời đại nhà Lê Sơ ở nước ta, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đóng đô tại Thăng Long, khôi phục tên nước Đại Việt!

Lê Lợi qua đời ngày 22- 8 năm Quý Sửu (1433). Triều đình suy tôn Miếu hiệu là Lê Thái Tổ, rồi cử người anh hùng Nguyễn Trãi viết Văn bia Vĩnh Lăng để ghi công.

Tại tỉnh Thanh Hoá, tên tuổi của người anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi gắn với Khu di tích Lam Sơn (1), một khu vực khá rộng thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân. Khu di tích này gồm lăng mộ, nhà bia, cung điện của các vị vua và hoàng hậu thời nhà Lê như: Điện Lam Kinh, Lăng và Đền Lê Thái Tổ, Lăng Lê Thái Tông, Lăng Lê Thánh Tông, Lăng Lê Hiển Tông, Lăng Lê Túc Tông, Lăng bà hoàng Ngô Thị Ngọc Giao, Lăng bà hoàng Nguyễn Thị Ngọc Huyên,... Xin được nói thêm: Điện Lam Kinh hiện nay chỉ còn lại một vài bức tường, nền cột, bậc thềm và một số con vật bằng đá. Cung điện được xây dựng trên một khu đất hình chữ nhật, dài 314m, rộng 254m, có tường thành dày 1m bao bọc. Trong các bia đá ở Lam Kinh nổi lên tấm Văn bia Vĩnh Lăng kể về công đức Lê Lợi, cao 2m79, rộng 1m92, được dựng trên lưng một con rùa đá dài 3m46, rộng 1m49. Hình rồng chạy hai bên bia, theo môtíp hoa văn rồng giun...

Và, cứ 3 năm một lần, tại Xuân Lam, Thọ Xuân, Thanh Hoá Hội Đền Vua Lê được nhân dân trong và ngoài tỉnh tổ chức long trọng để thờ Vua Lê Thái Tổ vào ngày Giỗ (22/8 âm lịch). Tại đây, sau phần nghi lễ, còn có nhiều sinh hoạt thuộc phần hội, như hát giao duyên, diễn lại các tích cũ "Bình Ngô phá trận", Chư hầu lai triều",... rất được bà con và quan khách ưa thích.

"Nước Đại Việt thời Lê Sơ (thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI) đã trở thành một đất nước hùng cường ở bán đảo Trung - Âu (2). Đấy là niềm tự hào của người Việt Nam, cả hôm qua và hôm nay. Tuy đã bị phá huỷ nhiều, Khu di tích Lam Sơn ở tỉnh Thanh - một di tích lịch sử - văn hoá hấp dẫn với nhiều du khách không chỉ trong nước - đã và sẽ còn cung cấp cho các nhà sử học, dân tộc học nguồn tư liệu, hiện vật quý hiếm, trên con đường tìm về với văn hiến và hào hùng của cha ông ta một thuở!

 

(1) Theo GS Vũ Ngọc Khánh trong sách Nguyễn Trãi trên đất Thanh Hoá (Nxb VHNT, Hà Nội, 2003, tr 206) thì vào năm 1430, được nhà nước phong kiến cho phép địa danh Lam Sơn đổi thành Lam Kinh.

(2) Lịch sử Việt Nam giản yếu. Nhiều soạn giả. GS Lương Ninh chủ biên. Nxb Chính trị Quốc Gia, tái bản có bổ sung, Hà Nội, 2005, tr 206.

Yên Nhi

Tin mới