Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An: Khẳng định thương hiệu với thế giới

(Baonghean) - Năm 2007, miền Tây Nghệ An được tổ chức UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới. Đây không chỉ là khu DTSQ lớn nhất Việt Nam, có giá trị về khoa học, môi trường mà còn mang đậm bản sắc văn hoá, nhân văn và lịch sử cần được bảo tồn và phát triển.

Trải qua 10 năm, Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã góp phần quan trọng vào bước phát triển chung của khu vực miền Tây nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung.

Rừng săng lẻ ở huyện Tương Dương. Ảnh: P.V
Rừng săng lẻ ở huyện Tương Dương. Ảnh: P.V

Miền Tây Nghệ An là nơi có nguồn tài nguyên phong phú, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và tính đa dạng sinh học cao; đặc biệt, có 3 khu rừng đặc dụng, đó là: Vườn quốc gia Pù Mát, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt với nhiều hệ sinh thái, hệ động thực - vật phong phú, đa dạng.

Nhiều loài quý hiếm có ý nghĩa bảo tồn cho cả Việt Nam và thế giới như voi châu á, sao la, mang Trường Sơn... Ngoài ra, còn có nhiều loài cây và quần thể thực vật được công nhận là cây di sản Việt Nam.  

Bên cạnh đó, nơi đây còn có nhiều di tích văn hóa, di tích lịch sử, các lễ hội mang đậm nét truyền thống văn hóa đặc sắc của 6 dân tộc anh em tạo nên bản sắc văn hóa đa dạng và độc đáo. Ngoài ra trong khu vực này còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ - đặc sắc, nhiều danh lam - thắng cảnh. 

Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được công nhận có ý nghĩa rất lớn đối với tỉnh Nghệ An, có thể xem đây như một "thương hiệu" về đa dạng sinh học, đa dạng về bản sắc văn hóa dân tộc miền Tây Nghệ An; sự công nhận về thành quả trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, bảo vệ và giữ gìn truyền thống bản sắc dân tộc trên địa bàn của người dân, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Sự kiện này đang mở ra những cơ hội mới đối với công tác bảo tồn của các khu rừng đặc dụng tại Nghệ An. Khi được công nhận là khu DTSQ nghĩa là chúng ta đã đăng ký với thế giới một "thương hiệu" về đa dạng sinh học và đa dạng về bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhận thức rõ điều đó nên sau khi được UNESCO công nhận, tỉnh Nghệ An luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, làm nền tảng cho kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Theo đó, ngành Lâm nghiệp Nghệ An đã tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo để làm tốt hơn nữa công tác quản lý bảo vệ rừng, đưa các Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các khu bảo tồn, vườn quốc gia và lực lượng kiểm lâm đi vào hoạt động ngày càng tích cực và hiệu quả.

Nhờ đó, các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ cơ bản được bảo vệ và phát triển tốt. Trong đó, việc thành lập BQL Khu DTSQ bao gồm 25 thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND 9 huyện miền Tây và giám đốc 3 khu rừng đặc dụng.

Ban quản lý đã xây dựng quy chế hoạt động chặt chẽ nhằm huy động sức mạnh tổng hợp trong mọi hoạt động thực hiện các chức năng của Khu dự trữ sinh quyển là: Bảo tồn, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và giáo dục.

Một trong những hoạt động trọng tâm là Ban quản lý đã xây dựng dự án “Bảo tồn và phát triển khu DTSQ miền Tây Nghệ An” và đã được bổ sung vào danh mục dự án trọng điểm quốc gia theo Quyết định số 631/QĐ-TTg ban hành ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện thu hút các nguồn lực.

Chèo thuyền trên sông Giăng. Ảnh: T.L
Chèo thuyền trên sông Giăng. Ảnh: T.L

Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, Khu DTSQ miền Tây Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các hoạt động bảo tồn và phát triển tại Khu DTSQ đã tạo các sinh kế mới thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp, thể hiện ở: người dân có thu nhập từ nhận khoán chăm sóc và bảo vệ rừng, trồng rừng sản xuất, phục hồi và phát triển các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, làm hàng thủ công mây tre đan, phát triển du lịch cộng đồng (dịch vụ homestay, vận chuyển khách du lịch, hướng dẫn viên, phát triển chăn nuôi, trồng trọt các loài cây, con đặc sản của địa phương như nuôi lợn Nít, vịt bầu Quỳ, trồng cây bon bo, quế Quỳ, chè hoa vàng,...).  

Hàng chục loại hình sinh kế hoạt động hiệu quả đã đóng góp quan trọng vào cải thiện thu nhập và mức sống cho hộ dân; tỷ lệ hộ nghèo của các huyện thuộc Khu DTSQ năm 2016 so với  năm 2010 đều giảm ở mức từ 2.3 - 5.2% mỗi năm; cơ cấu kinh tế các ngành của các huyện khu vực miền Tây Nghệ An có sự thay đổi. Cụ thể, lĩnh vực nông - lâm nghiệp giảm 7,53%, công nghiệp và xây dựng tăng 1,51%; lĩnh vực dịch vụ tăng 6,02%.

Khu dự trữ cũng góp phần chuyển hướng mạnh từ lâm nghiệp nhà nước thuần tuý sang lâm nghiệp xã hội có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế; các mô hình rừng kinh tế được nhân rộng (rừng nguyên liệu gỗ, giấy, ván ép) như rừng quế ở Quế Phong, Quỳ Châu; hệ thống rừng phòng hộ, rừng đặc dụng như VQG Pù Mát, Khu BTTN Pù Huống, Pù Hoạt được bảo vệ tốt.  

Song song, hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị của Khu DTSQ luôn được chú trọng, có rất nhiều cây cổ thụ, quần thể cây cổ thụ như sa mu dầu, cây sanh, cây sang vì, cây phay sừng… đã được lập hồ sơ và đề nghị Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam; điều đó không những có ý nghĩa về mặt bảo tồn đa dạng sinh học, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại các địa phương ở miền Tây Nghệ An.

Nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học đã được triển khai thực hiện đem lại hiệu quả thiết thực. Các nỗ lực của Khu DTSQ trong 10 năm qua đã góp phần bảo tồn nguyên vẹn giá trị da dạng sinh học của Khu DTSQ, thể hiện ở sự đa dạng về loài, nguồn gen và hệ sinh thái.

Cùng đó, việc trở thành Khu DTSQ đã góp phần quan trọng vào công tác quản lý, bảo tồn và các giá trị văn hoá địa phương. Sự đa dạng và đậm đà bản sắc văn hoá của các nhóm dân tộc thiểu số là nét đặc trưng lớn nhất và là niềm tự hào của khu vực miền Tây Nghệ An.

Nhiều công trình di tích lịch sử văn hóa (đền, chùa, lễ hội) đã được trùng tu, phục hồi và đang phát triển tốt bằng việc huy động nguồn lực theo hình thức xã hội hoá như: Di tích và lễ hội đền Choọng (huyện Quỳ Hợp), lễ hội đền Chín Gian (huyện Quế Phong), đền Vạn - Cửa Rào (huyện Tương Dương)...

Sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở miền Tây xứ Nghệ. Ảnh: T.L
Sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở miền Tây xứ Nghệ. Ảnh: T.L

Có được kết quả đó, suốt gần 10 năm qua, bên cạnh sự nỗ lực của BQL, còn có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và người dân địa phương. Qua 10 năm, Khu DTSQ miền Tây Nghệ An đã trở thành một "thương hiệu" mạnh cả sự đa dạng sinh học và đa dạng về bản sắc văn hóa các dân tộc trong con mắt của người dân cả nước và cộng đồng quốc tế.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, đồng thời rà soát bổ sung hoàn thiện quy chế quản lý khu Dự trữ sinh quyển theo hướng phát triển bền vững; xây dựng chiến lược phát triển dài hạn Khu DTSQ và kế hoạch quản lý cụ thể từng giai đoạn theo cách tiếp cận liên ngành và dựa trên hệ sinh thái, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan tạo điều kiện triển khai các hoạt động một cách đồng bộ và tích hợp trong kế hoạch hoạt động của từng ngành; đẩy mạnh chương trình kinh tế chất lượng, chú trọng phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương; thúc đẩy thương hiệu khu Dự trữ sinh quyển thông qua nhãn chứng nhận; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, tranh thủ các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ nâng cao năng lực bảo tồn và phát triển bền vững khu Dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An...

Tất cả với mục tiêu duy trì và phát triển giá trị đa dạng sinh học phong phú của khu vực; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo và đa dạng của 5 nhóm dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn; thiết lập và duy trì hành lang ĐDSH kết nối 3 vùng lõi; xây dựng Khu DTSQ thành mô hình phát triển bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh Nghệ An, của quốc gia và góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc.

Nguyễn Tiến Lâm

(Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới