Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An: Đồng hành cùng doanh nghiệp

(Baonghean) - Qua 10 năm hoạt động, Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An (KKT) đã quy tụ được hàng trăm doanh nghiệp với các nhà đầu tư chiến lược, tạo động lực tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Từng bước lấp đầy các KCN

Đến nay, KKT Đông Nam, các KCN tỉnh Nghệ An thu hút được 187 dự án đầu tư. Trong đó: 156 dự án trong nước và 31 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đăng ký 35.692,8 tỷ đồng và 1,45 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư thực hiện ước đạt 12.350 tỷ đồng (đạt 34,6%) và 159,64 triệu USD (đạt 11%).

Đặc biệt đã thu hút một số dự án có quy mô lớn, động lực làm tiền đề cho những năm tiếp theo như: Dự án KCN, Đô thị và Dịch vụ VSIP Nghệ An (76,4 triệu USD); Dự án KCN Hemaraj 1 Nghệ An (92,2 triệu USD); Dự án KCN Hoàng Mai 1 (812 tỷ đồng), 2 Dự án Nhà máy Tôn Hoa Sen ở KCN Nam Cấm và KCN Đông Hồi (10.000 tỷ đồng); Dự án Trạm nghiền xi măng và cảng biển Vissai (3.000 tỷ đồng); Tổng Kho xăng dầu và cảng biển DKC (1.229,2 tỷ đồng); Nhà máy thực phẩm Masan (1.695 tỷ đồng), Nhà máy gỗ MDF Nghĩa Đàn (1.896,6 tỷ đồng), Cảng nước sâu Cửa Lò (3.733,7 tỷ đồng), dự án bến số 5, 6 cảng Cửa Lò (650 tỷ đồng)... 

Một góc Nhà máy BSE thuộc Khu kinh tế Đông Nam. Ảnh: Sỹ Minh
Một góc Nhà máy BSE thuộc Khu kinh tế Đông Nam. Ảnh: Sỹ Minh

Ngoài KKT Đông Nam, tỉnh Nghệ An còn có 8 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 2244/TTg-KTN ngày 22/12/2008 nằm trong danh mục các KCN của cả nước ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với tổng diện tích 2.860 ha, gồm các KCN: Hoàng Mai (600ha), Đông Hồi (600ha), Bắc Vinh (60ha), Nghĩa Đàn (200ha), Sông Dinh (300ha), Tân Kỳ (600ha), Tri Lễ (200ha), Phủ Quỳ (300ha). Năm 2014, sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh KCN Hoàng Mai, Đông Hồi sáp nhập vào KKT Đông Nam, tỉnh Nghệ An còn lại 6 KCN với tổng diện tích 1.660 ha thuộc địa bàn các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Anh Sơn, thị xã Thái Hòa và thành phố Vinh. 

Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 85/2007/QĐ-TTg ngày 11/6/2007. Mới đầu, KKT có diện tích 18.826,47 ha, đến nay được Chính phủ phê duyệt mở rộng diện tích lên 20.776,47 ha thuộc địa bàn các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, thành phố Vinh, thị xã Hoàng Mai và thị xã Cửa Lò. Ngày 30/8/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1150/QĐ-TTg thành lập Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An, là cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Nghệ An; có chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, phát triển KKT Đông Nam và các KCN trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Đạt được những kết quả nêu trên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương trong kêu gọi thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp. Cùng với đó, có sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và sự đồng thuận của nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án.

Đến nay, KCN Bắc Vinh (60 ha) đã được lấp đầy 100%; KCN Nam Cấm (327ha) đã lấp đầy 96,5%; các KCN Hoàng Mai I (diện tích 289ha), KCN Đông Hồi (600 ha); KCN Nghĩa Đàn (300 ha)... lấp đầy từ 12,7 - 68% diện tích. Hiện nay, có 97 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó: 80 dự án trong nước, 17 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu trong lĩnh vực may mặc; linh kiện điện tử, chế biến nông, lâm, hải sản; bia rượu nước giải khát; chế biến khoáng sản; sản xuất sắt thép, vật liệu xây dựng; dịch vụ logictíc... và 65 dự án đang triển khai xây dựng.

Kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KKT Đông Nam, các KCN Nghệ An từ năm 2007 đến hết năm 2016: Tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 40.474,85 tỷ đồng; Tổng doanh thu đạt 53.759,51 tỷ đồng; Tổng giá trị xuất khẩu đạt: 10.349,57 tỷ đồng; Tổng nộp NSNN đạt: 4.380,57 tỷ đồng và tạo việc làm 17.353 người lao động, thu nhập bình quân 4,8 triệu đồng/người/tháng.

Tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp

Để tiếp tục xây dựng KKT Đông Nam trọng điểm, đa ngành, đa chức năng, trọng tâm là công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, chế tạo ô tô, thiết bị công nghệ cao, dược phẩm, công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông, lâm, hải sản như Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Nghệ An đến năm 2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra. Thời gian tới, Ban quản lý KKT Đông Nam xác định một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Biểu đồ kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam. Đồ họa: Hữu Quân
Biểu đồ kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam. Đồ họa: Hữu Quân

- Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng phải đồng bộ với các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch khác có mối quan hệ liên khu vực, liên đô thị và liên vùng.

- Tập trung huy động nguồn lực triển khai Kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng (đường, điện, nước thải, nhà ở xã hội...) đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao và bảo vệ môi trường. 

- Tham mưu UBND tỉnh tiếp tục cải cách thủ tục đầu tư nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, đặc biệt là các bộ, ngành Trung ương, đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Ưu tiên thu hút các dự án thứ cấp vào các KCN: VSIP Nghệ An, Hemaraj 1, Hoàng Mai 1, Nghĩa Đàn và các dự án trọng điểm như Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái của Tập đoàn FLC, Nhiệt điện Quỳnh Lập 2 của Tập đoàn Posco Hàn Quốc…

- Thực hiện tốt chính sách đất đai, bồi thường GPMB, tái định cư đảm bảo hài hòa lợi ích của người sử dụng đất, nhà đầu tư và Nhà nước. Chủ động phối hợp sở, ban, ngành, chính quyền địa phương đẩy nhanh bồi thường GPMB, bàn giao đất sạch để nhà đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ.

- Tăng cường quản lý quy hoạch, đất đai, bảo vệ môi trường, an toàn lao động, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ. Rà soát, thu hồi các dự án không triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ. 

Hoạt động tại Nhà máy BSE. Ảnh: Nguyên Sơn
Hoạt động tại Nhà máy BSE. Ảnh: Nguyên Sơn

- Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo ổn định đời sống, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất và làm tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn KKT, KCN.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ đặt ra, Ban quản lý KKT Đông Nam tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, lấy cải cách hành chính làm khâu đột phá, then chốt, ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch quy trình, thủ tục đầu tư, đa dạng hình thức tiếp nhận hồ sơ để tiết kiệm thời gian, chi phí cho nhà đầu tư.

Cùng với đó, thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, giải quyết nhanh, đúng pháp luật những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Hỗ trợ quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tuyển dụng lao động, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề, kỷ luật lao động, tác phong làm việc công nghiệp. Thực hiện tốt các quy chế phối hợp nhằm thống nhất một đầu mối giải quyết hồ sơ, thủ tục cho nhà đầu tư. Từng bước đưa KKT Đông Nam trở thành động lực phát triển về công nghiệp, đô thị và dịch vụ theo hướng đồng bộ, hiện đại và bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới xây dựng KKT Đông Nam thành Khu kinh tế trọng điểm của cả nước.

Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020:

- Thu hút 65 - 75 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng  2,5 - 3,0 tỷ USD.
- Tổng vốn đầu tư hạ tầng khoảng 18.184 tỷ đồng.
- Giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ khoảng 16.000 - 18.000 tỷ đồng.
- Kim ngạch xuất khẩu khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng.
- Thu ngân sách nhà nước khoảng 1.800 - 2.000 tỷ đồng.
- Giải quyết việc làm cho khoảng 25.000 lao động.

Võ Văn Hải

(Trưởng BQL KKT Đông Nam)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới