Khung giá điện mới: Dùng trên 400 số điện, giá đắt gấp đôi

Biểu giá điện sinh hoạt lần này dự kiến vẫn như gần 4 năm trước, chia thành 6 bậc có mức giá tăng dần, càng dùng nhiều giá càng cao. Có nghĩa, khách hàng dùng điện ở bậc cao nhất phải chịu giá đắt hơn tới 1,74 lần so với khách hàng ở bậc thấp nhất. Tức là gần gấp đôi giá điện bình quân.

Không thay đổi việc dùng nhiều điện, giá cao

“Ngay nhà tôi, tôi cũng không bao giờ theo dõi được tiền điện với 6 bậc thang hiện nay” - ông Nguyễn Tiến Thỏa - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam, bình luận về việc Bộ Công Thương lấy ý kiến về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Tại dự thảo này, biểu giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt vẫn chia thành 6 bậc, có mức giá tăng dần, càng dùng nhiều giá càng cao. Biểu giá này áp dụng từ đầu năm 2014 đến nay, với mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.622,01đồng/kWh.

Trong đó, khách hàng dùng từ 0-50 “số điện” được hưởng mức giá rẻ nhất là 1.484 đồng/số điện. Trong khi đó, khách hàng dùng từ 401 “số điện” trở lên phải chịu mức giá cao gấp gần 2 lần so với giá bán lẻ điện bình quân, lên tới 2.587 đồng/số điện.

Điều này có nghĩa, khách hàng dùng điện ở bậc cao nhất phải chịu giá cao hơn tới 1,74 lần so với khách hàng ở bậc thấp nhất.

Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành.
Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành.

Bộ Công Thương giải thích biểu giá này “nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả”. Ngoài ra, việc này còn dựa trên kinh nghiệm các nước trên thế giới cũng như trong khu vực ASEAN như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Nam Phi, Indonesia, Thái lan, Malaysia đều áp dụng giá điện sinh hoạt bậc thang.

Đánh giá thực tế áp dụng hơn 3 năm qua, Bộ Công Thương cho rằng việc áp dụng giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là “đơn giản trong áp dụng” nhưng vẫn đạt được mục tiêu khuyến khích “sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả”.

Vì vậy, trong dự thảo quyết định, Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất thiết kế giá bán điện sinh hoạt theo 6 bậc như hiện nay, vốn được áp dụng từ 2014.

Theo các chuyên gia, sau mấy năm biểu giá đã được giữ nguyên trong khi đời sống của người dân đã thay đổi rất nhiều nên biểu giá Bộ Công Thương xây dựng chưa tiếp cận được với đời sống thực tế.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, người từng giữ chức Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng: “Bây giờ hộ nghèo chăng nữa cũng còn rất ít hộ dùng dưới 50 kWh, đời sống đã khác hơn, có nhiều thiết bị điện hơn... khác lắm rồi, nên phải tính làm sao đại đa số người dân được hưởng mức giá tương đối hợp lý hơn”.

Trước mắt, chuyên gia này kiến nghị có thể cải thiện biểu giá điện sinh hoạt để tiếp cận với thay đổi của đời sống, đảm bảo theo dõi của người tiêu dùng cũng dễ hơn, quản lý của ngành điện đo đếm rõ ràng hơn.

Trên thực tế, vào tháng 3/2015, sau khi biểu giá điện bán lẻ 6 bậc đưa vào áp dụng, nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra. Khi ấy, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải tổ chức hội thảo khắp 3 miền để lấy ý kiến đóng góp cho đề án cải tiến biểu giá điện.

Theo VNN

TIN LIÊN QUAN

Tin mới