Khủng hoảng vùng Vịnh và 48 giờ 'lửa đốt'

(Baonghean) - Ngày 3/7, Saudi Arabia và các nước đồng minh đã nhất trí gia hạn thêm 48 giờ thời hạn chót cho Qatar để thực hiện bản “tối hậu thư” danh sách 13 yêu cầu của các nước này, nếu không muốn nhận thêm các đòn trừng phạt mới. Mặc dù đã có thêm thời gian, nhưng phía Qatar đến nay dường như vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ “chiều lòng” các nước vùng Vịnh. Ngược lại, Saudi Arabia và các đồng minh cũng vẫn kiên định lập trường cứng rắn. Liệu Qatar và các nước Arab có nhượng bộ sau 48 giờ được gia hạn?

Một góc thủ đô Doha của Qatar. 	(Nguồn: Reuters)
Một góc thủ đô Doha của Qatar. Ảnh: Reuters

Chưa ai chịu ai

Đêm 2/7 (giờ địa phương) là thời hạn chót mà Saudi Arabia và các quốc gia đồng minh Vùng Vịnh dành cho Qatar để thực hiện bản yêu sách mà các nước này đưa ra 10 ngày trước. Ngay trước thời hạn chót, theo hãng tin KUNA của Kuwait, nước này đã nhận được phản hồi của Qatar với bản yêu sách trong đó đề nghị được gia hạn thêm 48 giờ.

Thực tế, sự đồng ý của Saudi Arabia và các đồng minh với việc gia hạn thêm thời gian cho Qatar là nhờ có lời yêu cầu của nước trung gian hòa giải là Kuwait, cụ thể là Tiểu vương Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah. 

Mặc dù Ngoại trưởng Qatar mới đây phát biểu rằng, nước này sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với các nước láng giềng; thế nhưng nước này đồng thời khẳng định lại quan điểm bác bỏ một loạt yêu cầu của Saudi Arabia và đồng minh. Trong khi đó, các nước Arab vẫn cứng rắn tuyên bố, bản yêu sách đã đưa ra là “không thể đàm phán”.

Cũng cần nhắc lại, bản yêu sách gồm 13 điểm gồm rất nhiều yêu cầu mà Qatar khó có thể thực hiện, như việc đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera; ngừng hỗ trợ tổ chức Anh em Hồi giáo (MB); đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar hay hạ cấp quan hệ với đồng minh Iran.

Vậy câu hỏi đặt ra là, Qatar cần thêm 48 giờ để làm gì? Liệu có thể cứu vãn tình hình chỉ sau 2 ngày ít ỏi? Theo giới quan sát, khả năng lớn nhất là Qatar đang cần kéo dãn thời gian để nỗ lực thực hiện các biện pháp ngoại giao vào phút chót.  

Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani những ngày qua đã có các bước đi ngoại giao con thoi nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế (Nguồn: Reuters)
Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani những ngày qua đã có các bước đi ngoại giao con thoi nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Ảnh: Reuters

Nỗ lực ngoại giao

Nhìn lại những ngày qua, trong thời hạn 10 ngày mà phía các nước Arab đưa ra, Qatar đã liên tục có các bước đi ngoại giao nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh. Như cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Qatar Khalid bin Mohammad al-Attiyah đã tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ, hội đàm với người đồng cấp Fikri Isik và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan về vấn đề căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar, vốn được nêu trong yêu sách của các nước Arab. Hay như hôm 30/6, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã xúc tiến gặp gỡ đại diện các nước ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại Phái bộ Qatar tại Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) để tìm kiếm sự ủng hộ.

Chưa dừng lại, bản dự thảo chương trình nghị sự của Hội đồng thương mại hàng hóa thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được công bố hôm 29/6 vừa qua còn cho biết, Qatar dự định sẽ nêu vụ tranh cãi với 4 quốc gia Arab ra WTO.

Đặc biệt, Qatar đang kỳ vọng vào sự tham gia và tiếng nói của Mỹ trong cuộc khủng hoảng lần này. Mặc dù là đồng minh của Saudi Arabia và các nước Arab, nhưng Qatar hiểu rằng, Mỹ hoàn toàn không muốn một cuộc chiến thực sự bị châm ngòi. Bởi tất nhiên, các lợi ích và tính toán của Mỹ tại Trung Đông sẽ bị ảnh hưởng nặng nề một khi kịch bản xấu nhất xảy ra. Dư luận hẳn còn nhớ, chính quyền Mỹ mới hôm 23/6 đã cho thấy dấu hiệu muốn rút khỏi “mớ bòng bong” này, khi cho rằng, cuộc khủng hoảng ngoại giao như “vấn đề nội bộ” của các nước vùng Vịnh.

Thế nhưng, dường như nhận thấy sự dằng dai chưa thể có thể có hồi kết, Mỹ cũng đã phải đưa ra quan điểm và thái độ của mình. Nắm được tình hình này, Qatar đã nỗ lực tiếp cận nhằm tìm kiếm một tiếng nói trung gian tích cực từ phía Mỹ. Thể hiện là ngày 27/6, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani  có chuyến thăm Mỹ và có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Washington DC. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai người kể từ sau khi khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh bùng phát.

Đáp lại, Ngoại trưởng Mỹ đã ra tuyên bố bày tỏ hy vọng các bên liên quan đối thoại để hợp tác giải quyết tình hình với tinh thần thiện chí. Trước đó trong một tuyên bố chính thức hôm 25/6, Ngoại trưởng Mỹ cũng đã nhận định một số điều kiện từ phía Saudi Arabia sẽ “rất khó khăn” đối với Qatar.

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là những tiếng nói quan trọng trong cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh (Nguồn: Turkish Minute)
Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là những tiếng nói quan trọng trong cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh. Ảnh: Turkish Minute)

Chạy nước rút

Nhưng rõ ràng, một tuyên bố “an toàn” như vậy của Mỹ là chưa đủ, hôm 1/7, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani tiếp tục thúc giục Mỹ cần khẳng định vai trò quan trọng hơn trong cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh hiện nay. Phát biểu của Ngoại trưởng Qatar diễn ra trong bối cảnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang quay sang ủng hộ các quốc gia Arab cô lập Qatar, bất chấp Washington có căn cứ quân sự lớn ở nước này. 

Có thể thấy, Tổng thống Trump đang ở trong tình thế vô cùng khó xử, không thể hoàn toàn đứng hẳn về bên nào. Nếu lên tiếng ủng hộ Qatar chẳng khác nào tự phá bỏ nỗ lực làm ấm quan hệ với đồng minh quan trọng Saudi Arabia mới đây. Nhưng nếu đứng hẳn về phía các nước Arab, Mỹ sẽ càng khiến mớ bòng bong càng thêm rắc rối, không loại trừ một tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Trong khi đó về phía các nước Vùng Vịnh, các thông tin chi tiết về các biện pháp trừng phạt tiếp theo với Qatar vẫn chưa được tiết lộ, nhưng giới quan sát cho rằng, các ngân hàng của Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất - UAE và Bahrain có thể đã được chỉ đạo rút tiền gửi cũng như các khoản cho vay liên ngân hàng từ Qatar.

Các lệnh trừng phạt bổ sung hà khắc có thể cũng sẽ được áp dụng để cấm giới đầu tư nắm giữ các tài sản của Qatar. Dù vậy, Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash đã hạ thấp khả năng leo thang khủng hoảng ngoại giao và cho rằng, “biện pháp lựa chọn không phải là làm leo thang tình hình, mà là các biện pháp cô lập hơn nữa”. Tuyên bố này được hiểu là Qatar có thể bị buộc phải rời khỏi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) - tổ chức được thành lập năm 1981, sau Cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran và cuộc chiến tranh Iran-Iraq.

Nhưng một khi kịch bản cô lập hơn nữa với Qatar xảy ra, tất yếu mối quan hệ tay ba Qatar - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran càng thêm khăng khít. Lúc đó, địa chính trường khu vực Trung Đông vốn đã phức tạp nay càng thêm nhiều diễn biến khó lường.

Với Mỹ, chính quyền nước này cũng hiểu rằng, khủng hoảng kéo dài sẽ không hề có lợi cho bất cứ bên nào. Diễn biến khả quan nhất lúc này là Qatar sẽ có một vài nhượng bộ chấp thuận một vài điều khoản không quá nghiêm trọng trong bản yêu sách, còn các nước Arab cũng xuống thang trước sức ép từ phía Mỹ và cộng đồng quốc tế. Nhưng kịch bản này sẽ rất khó có thể xảy ra với sự cứng rắn của cả hai bên. Bởi vậy, trong vòng 48 giờ gia hạn thêm, không chỉ Qatar, cộng đồng quốc tế và cả Mỹ sẽ phải rất nỗ lực để tìm ra một giải pháp phù hợp nhất cho cuộc khủng hoảng vùng Vịnh hiện nay. 

Khang Duy

TIN LIÊN QUAN

Tin mới