Khủng long đã tuyệt chủng từ trước khi thiên thạch rơi xuống

Phát hiện này có thể thay đổi hoàn toàn kiến thức của chúng ta về khủng long - sinh vật khổng lồ thống trị hành tinh trong hơn 165 triệu năm.
Theo kiến thức chúng ta vẫn được nghe từ trước đến nay, khủng long - loài vật thống trị hành tinh trong suốt 165 triệu năm - bị tuyệt chủng do một thiên thạch khổng lồ rơi xuống Trái đất.
Nhưng theo một nghiên cứu gây shock mới đây từ ĐH Reading (Anh), số lượng khủng long đã sụt giảm từ hàng triệu năm trước khi thiên thạch rơi xuống và thậm chí có thể đã tuyệt chủng hết.
Phát hiện này nếu là thật sẽ là một phát kiến vĩ đại. Nó sẽ đặt dấu chấm hết cho những tranh cãi xung quanh khủng long trong nhiều năm nay, đồng thời giúp chúng ta hiểu được điều gì đã xảy ra vào những thời khắc cuối cùng - khi khủng long vẫn còn tồn tại.
Theo nhà nghiên cứu Chris Venditti từ ĐH Reading: "Một trong những điều gây tranh cãi nhất hàng thập kỷ nay về khủng long là chuyện chúng đang phát triển thịnh vượng khi thiên thạch rơi, hay trước đó số lượng đã sụt giảm và thậm chí là đã tuyệt chủng".
 
Để làm rõ vấn đề, Venditti và các cộng sự đã phân tích số liệu hóa thạch, nhằm tạo ra nhánh phát triển của 3 loài khủng long chính: ornithischians - khủng long hông chim; theropod - khủng long chân thú (đại diện là T-rex); và sauropods - khủng long hông thằn lằn (đại diện là khủng long cổ dài).
Họ nhận thấy rằng khi các chủng loài khủng long bùng nổ vào cuối kỷ Trias (khoảng 220 triệu năm trước), một số loài đã bắt đầu sụt giảm rất nhanh, và thậm chí đã tuyệt chủng vào 100 triệu tiếp theo. Đó là thời điểm 10 triệu năm trước khi thiên thạch Chicxulub khổng lồ với chu vi lên tới...9,6km va vào Trái đất.
Trong hầu hết nghiên cứu trước kia, khủng long được cho là phát triển rất mạnh cho đến khi Chicxulub xuất hiện. Nhưng nghiên cứu mới này đã bác bỏ hoàn toàn điều đó. Theo người đứng đầu nghiên cứu Manabu Sakamoto: "Thiên thạch dường như vẫn là một nguyên nhân khiến toàn bộ khủng long tuyệt chủng, nhưng sự thật là loài vật này đã có sự sụt giảm không nhỏ về số lượng, thậm chí nhiều loài đã tuyệt chủng từ trước.
Nghiên cứu của chúng tôi sẽ thay đổi toàn bộ cách nhìn nhận của chúng ta về chủng loài khổng lồ này. Có thể thiên thạch là thủ phạm, nhưng còn có một nguyên nhân khác đã ngăn cản sự phát triển của khủng long, khiến chúng chết rất nhanh".
 
Ngoài ra, theo các nghiên cứu trước kia, Chicxulub đã thổi hàng tấn bụi vào khí quyển, khiến nhiệt độ Trái đất giảm sút, làm chết nhiều loài thực vật nên khủng long không thể thích nghi. Nhưng cùng thời điểm đó, có một điểm khó giải thích là các loài động vật có vú lại nổi lên, trở thành những sinh vật thống trị Trái đất.
Và nay, các nhà khoa học tin rằng do khủng long đã trở nên yếu thế từ nhiều triệu năm trước đó, các loài động vật khác - trong đó bao gồm tổ tiên loài người - mới có cơ hội phát triển đủ mạnh để chống chọi lại những thảm hoạ do Chicxulub gây nên.
Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi: phải chăng khủng long kiểu gì cũng tuyệt chủng - bất kể có hay không có thiên thạch?
Về điểm này, các nhà khoa học không có sự thống nhất. Venditti trả lời: "Nếu những tác động này tiếp tục xảy ra, tôi tin rằng dù thiên thạch không rơi xuống, khủng long cũng sẽ tuyệt chủng sau vài triệu năm kế tiếp".
Còn nhà cổ sinh vật học Stephen Brusatte từ ĐH Edinburgh thì không đồng ý: "Có thể hậu quả do thiên thạch trở nên kinh khủng hơn do khủng long đã suy yếu. Nhưng tôi nghĩ nếu thiên thạch không rơi, chúng có thể tồn tại đến ngày nay".
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí của National Academy of Sciences.
Theo Tri Thức Trẻ
TIN LIÊN QUAN

Tin mới