Kích hoạt gói kinh tế, Liên minh châu Âu bước vào thử thách mới

(Baonghean.vn) - Liên minh châu Âu đang đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử 7 thập kỷ của mình. Vực dậy nền kinh tế là điều cấp bách, thế nhưng sẽ rất khó để đạt được thỏa thuận về ngân sách khôi phục kinh tế của khối, bởi những bất đồng về quy mô, hình thức phân phối và các điều kiện kèm theo.

Chia rẽ nội bộ sâu sắc

Ủy ban châu Âu hồi tháng 6/2020 đã đề xuất huy động 750 tỷ euro cho gói phục hồi kinh tế, vốn đang suy kiệt do ảnh hưởng từ đại dịch - cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử của liên minh. Kế hoạch như thường lệ cần sự chấp thuận của 27 quốc gia thành viên, và đây là lần đầu tiên khối tăng một lượng lớn nợ chung trên thị trường vốn, đưa Liên minh châu Âu (EU) tiến gần hơn đến một liên minh tài chính - yếu tố quan trọng của sự ổn định trong tương lai.

Vì lẽ đó, đề xuất này còn mang dấu ấn thời khắc lịch sử đối với EU, đảm bảo giảm rủi ro hơn trên toàn khu vực. Mặc dù đã có rất nhiều cuộc vận động và đối thoại cấp cao được tổ chức giữa các nhóm nước trong thời gian qua, nhưng đề xuất về gói phục hồi kinh tế vẫn chưa thể nhận được sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên EU.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula van der Leyen (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trò chuyện sau Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm 19/6. Ảnh: EPA
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula van der Leyen (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trò chuyện sau Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm 19/6. Ảnh: EPA

Khi Anh rút khỏi EU, “đại họa” do dịch bệnh gây ra đã buộc Đức và Pháp bước lên vũ đài để thể hiện vai trò trụ cột của EU, mở đường cho gói khôi phục kinh tế của Ủy ban châu Âu. 750 tỷ euro được chia thành 2 gói: gói 500 tỷ euro được dùng để trợ cấp cho tất cả các quốc gia dựa trên nhu cầu phục hồi, trong đó Italia và Tây Ban Nha là hai quốc gia có nhu cầu lớn nhất. Điều này đồng nghĩa với việc được miễn phí, không yêu cầu hoàn trả và không có ràng buộc, và không tính vào khoản nợ quốc gia. Gói còn lại, 250 tỷ euro sẽ được cung cấp dưới dạng các khoản vay, đi kèm với điều kiện kỹ lưỡng hơn và được tính vào khoản nợ của quốc gia.

Mấu chốt vấn đề hiện vẫn nằm ở sự phản đối của một nhóm nước gồm Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển và Áo, bởi đối với những thành viên không phải gánh chịu suy thoái kinh tế trầm trọng thì đề xuất gói hỗ trợ là điều không mấy hấp dẫn. Các nước này cho rằng việc EU phân bổ gói hỗ trợ mà không đi kèm các nghĩa vụ về trả nợ cũng như điều kiện cải cách là không hợp lý.

Hơn thế, việc đồng nhất nợ của khối là điều không thể, bởi đồng nghĩa với việc nhiều nước sẽ phải trả nợ thay cho các nước thành viên khác. Tuy nhiên, đối với Italia, Tây Ban Nha - những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch, lại rất cần gọi hỗ trợ của EU. Cho đến nay, kế hoạch không chỉ đề xuất vay chung trên quy mô lớn, mà phần lớn số tiền được phân phối dưới dạng tài trợ, hoặc miễn phí tiền mặt.

Đức và Pháp với vai trò "động lực chính trị" của khối đã tích cực kêu gọi các thành viên EU đoàn kết thông qua gói hỗ trợ kinh tế. Ảnh: AP
Đức và Pháp với vai trò "động lực chính trị" của khối đã tích cực kêu gọi các thành viên EU đoàn kết thông qua gói hỗ trợ kinh tế. Ảnh: AP

Một vấn đề gây chia rẽ khác là điều kiện cấp khoản vay. Các nước cùng chiến tuyến như Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển cho rằng, châu Âu phải có quyền giám sát việc chi tiêu của những nước được hưởng lợi, bởi phần lớn số tiền này là từ ngân sách chung của khối.

Mỗi quốc gia thành viên đều nêu ra một số vấn đề của riêng mình, và sự khác biệt giữa các nước Bắc, Nam và Đông Âu không thể rút ngắn. Do đó, đối với giới chức EU, việc cố gắng tối đa hóa lợi ích chung là điều không dễ dàng.

Khó đạt thỏa thuận

Mục tiêu gói khôi phục kinh tế của Ủy ban châu Âu là ý tưởng sử dụng một phần ngân sách để phát hành trái phiếu. Ủy ban châu Âu sẽ được trao quyền rất nhiều nếu đề xuất của họ được thông qua. Không chỉ bởi họ sẽ có thể phát hành trái phiếu trên thị trường, mà còn có thể tác động đến trái phiếu chính phủ, vì rủi ro thấp hơn có nghĩa là các nhà đầu tư sẽ tự tin hơn khi cho vay đối với các quốc gia “mắc nợ” như Italia, Tây Ban Nha, từ đó có thể giảm chi phí vay.

Các nhà lãnh đạo EU và các quốc gia thành viên đã nhiều lần tổ chức họp trực tuyến để thảo luận về gói khôi phục kinh tế. Ản: Getty
Các nhà lãnh đạo EU và các quốc gia thành viên đã nhiều lần tổ chức họp trực tuyến để thảo luận về gói khôi phục kinh tế. Ản: Getty

Nếu các thành viên không đồng tình, giới chức EU cần phải đóng góp lớn hơn vào ngân sách. Cách làm này được đánh giá là bước tiến lớn để mối ràng buộc kinh tế trong khối trở nên sâu sắc hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng, đây cũng có thể là một bước nhảy vọt về khoản nợ lẫn nhau trong khối.

Mujtaba Rahman, chuyên gia châu Âu tại Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, nhận định: “Gói hỗ trợ kinh tế là một thỏa thuận lớn. Nhưng đó sẽ là minh chứng một con đường dài và đầy sóng gió để hướng tới sự tương hỗ thực sự trong EU. Đề xuất là một thay đổi lớn về mặt kết cấu của liên minh, song EU dường như chưa đủ trưởng thành về mặt chính trị cho một hệ thống như vậy”.

Đề xuất gói khôi phục biến Ủy ban châu Âu trở thành người bảo lãnh cho bất kỳ khoản vay, thay vì các quốc gia riêng lẻ, và sau đó số tiền này được trả từ ngân sách chung. Cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều thừa nhận rằng, việc một số nước EU phục hồi nhanh hơn và mạnh hơn sẽ chỉ khiến hằn sâu thêm sự bất bình đẳng trong khối, cản trở phương thức giao dịch và vận hành nội bộ.

Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ có buổi gặp trực tiếp tại Hội nghị thượng đỉnh châu Âu vào ngày 17/7 tới. Ảnh: Politico
Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ có buổi gặp trực tiếp tại Hội nghị thượng đỉnh châu Âu vào ngày 17/7 tới. Ảnh: Politico

Tất cả các nước thành viên đều nhất trí rằng phải khôi phục nền kinh tế, song lại không thể thỏa hiệp được trong các vấn đề liên quan tới thể thức. Hiện tại, mỗi quốc gia đang phải tự chịu trách nhiệm tài chính cho sự phục hồi sau dịch bệnh. Đức và các quốc gia giàu có khác, với nguồn vốn dồi dào có thể tự đưa ra gói cứu trợ nhanh chóng để thúc đẩy nền kinh tế phát triển trở lại mà không cần nguồn tài trợ của EU. Nhưng đặc biệt với những nước có tài nguyên ít hơn hoặc vẫn loay hoay để thoát khỏi cuộc khủng hoảng, đối mặt với nguồn ngân sách cạn kiệt và vay mượn đắt đỏ trên thị trường, rất cần bàn tay nâng đỡ của EU.

Đối với các nhà lãnh đạo châu Âu vừa mới nhậm chức chưa đầy 1 năm như bà Ursula von der Leyen (Chủ tịch Ủy ban) hay ông Charles Michel (Chủ tịch Hội đồng) đã phải chịu áp lực đáng kể trước suy thoái kinh tế lịch sử của khu vực, do đó những kế hoạch gói hỗ trợ trở thành tham vọng cho sự phục hồi của khối. Thế nhưng, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng, các nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nước giàu có, chứng kiến các cuộc đàm phán đầy căng thẳng giữa các thành viên, và thậm chí sự đoàn kết trong liên minh có thể bị đứt gãy.

Suy thoái kinh tế có thể làm cho sự đoàn kết trong liên minh châu Âu bị đứt gãy. Ảnh minh họa
Suy thoái kinh tế có thể làm cho sự đoàn kết trong liên minh châu Âu bị đứt gãy. Ảnh minh họa
Nhiều cuộc họp đã được tiến hành trực tuyến để thảo luận về triển khai gói kinh tế này. Thủ tướng Angela Merkel hôm 13/7 thừa nhận, các nước EU vẫn còn nhiều bất đồng và chưa biết liệu có thể thông qua gói phục hồi kinh tế tại Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 17/7 tới hay không. Còn các chuyên gia đánh giá, những sự cấp bách đó đã không được các nước chia sẻ, và quá trình phê duyệt có thể vẫn kéo dài và ngày càng trở nên hỗn độn. Điểm yếu lớn nhất này sẽ đặt ra câu hỏi về bức tranh kinh tế trong nửa cuối năm nay tại “lục địa già”./.

Tin mới