Kiềm chế 'nhân tai'

(Baonghean) - Đợt mưa lũ đang diễn ra đã gần ở mức thảm họa; bởi diện ảnh hưởng rộng lớn từ miền Trung ra tới miền Bắc, thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đau đớn nhất là có gần 100 người chết và mất tích.

» Hơn 500 người cứu đê sông Vinh

 » Huy động toàn lực gia cố đê sông Vinh trước nguy cơ cao sạt lở
 

Nguyên nhân trực tiếp thì ai cũng đã thấy rõ. Đó là do mưa to, lũ lớn. Và câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao lại có sạt lở nhiều, lũ to đến như vậy. Nhìn cảnh các con suối, dòng sông nước đục ngầu cuồn cuộn cuốn phăng tất cả mọi thứ trên đường đi, ai cũng kinh hãi. Đúng là nhất thủy, nhì hỏa.

Và cảm giác là có bao nhiêu nước từ trên trời đổ xuống thì có bấy nhiêu nước trôi tuột ra sông, ra suối hết không đọng lại được bất cứ một nơi nào, không có một thứ nào che chắn để có thể kìm hãm, cản trở làm chậm tốc độ dòng chảy để hạn chế được tác hại. Điều đó có nghĩa là thảm thực vật quan trọng chính là các khu rừng phòng hộ đầu nguồn đã quá mỏng không còn đủ độ dày để giữ nước, làm chậm hay phân tán dòng chảy.

Đã thế, hệ thống thủy điện  ken khá nhiều nơi thượng lưu các con sông trong những ngày mưa gió đó  cũng phải xả lũ để bảo đảm an toàn hồ đập góp thêm sức nước khiến cho tình hình ngập lụt càng trở nên nghiêm trọng hơn. 

Mưa lũ ở Nghệ An làm ngập trường lớp, hàng nghìn học sinh phải nghỉ học. Ảnh tư liệu
Mưa lũ ở Nghệ An làm ngập trường lớp, hàng nghìn học sinh phải nghỉ học. Ảnh tư liệu

Không ai có thể đoán chắc được là cảnh tang thương như trong đợt mưa lũ lịch sử này không lặp lại nữa. Bởi rừng đã cạn kiệt lại tiếp tục cạn kiệt vì lòng tham vô độ của con người.

Từ đầu năm đến nay, từ Bắc đến Trung xảy ra hàng chục, hàng trăm vụ phá rừng trái phép; hàng nghìn ha rừng vĩnh viễn biến mất, đồng nghĩa với việc hiểm họa mưa dồn, lũ quét từ những vùng đất trống, đồi trọc vĩnh viễn tồn tại. Cuộc sống của hàng triệu hộ dân từ đầu nguồn xuôi tới hạ du luôn trong tình trạng phấp phỏng, âu lo không khác “trứng để đầu gậy” vì không thể biết được là khi nào tai họa sẽ ập xuống.

Ấy vậy mà, các vụ phá rừng liên tiếp bị phát hiện làm khuấy động dư luận một thời gian và rồi liên tiếp chìm xuống không ai biết được vụ việc có được xử lý rốt ráo, có tương xứng với tội trạng hay không. Nhưng chắc là không. Vì rừng vẫn tiếp tục bị đốn hạ trái phép một cách ngang nhiên.

Thế nghĩa là, sự trừng phạt không nghiêm khắc, không khiến cho người ta phải chùn tay mà có khi còn bao che, tiếp tay nữa. Và cái câu “phá rừng là tội ác” đã trở thành hiện thực với thiệt hại như đã nêu ở trên. Thêm một hiện thực nữa là những kẻ gây ra tội ác đó vẫn chưa bị từng trị đích đáng, tương xứng với hậu quả gây ra…

Thế nên, sau đợt mưa lũ này, các cơ quan, ban ngành có trách nhiệm phải ngồi lại với các địa phương nghiêm túc nhìn nhận lại sự việc. Đánh giá cho thật chính xác, thấu đáo nguyên nhân dẫn đến tình trạng lũ lụt hung dữ khác thường. Phải thấy được thiệt hại to lớn của đợt mưa lũ vừa rồi, nguyên nhân trực tiếp là do “thiên tai”, nhưng nguyên nhân gián tiếp là “nhân tai” bởi do chính con người gây nên. Vì thế, cần phải tập trung sức kiềm chế “nhân tai”.

Duy Hương

TIN LIÊN QUAN