Kiểm soát đặc biệt môi trường 28 dự án lớn

Bộ Tài nguyên - môi trường đang lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương về đề án kiểm soát đặc biệt với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao với mục tiêu kiểm soát, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường lớn.
Kiểm soát đặc biệt môi trường 28 dự án lớn ảnh 1

Ngư dân vá lưới bên Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Có 28 cơ sở sản xuất, dự án lớn được đưa vào danh sách kiểm soát đặc biệt về môi trường.

Ô nhiễm tích tụ nhiều năm

Đề án đã được Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) gửi đi lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương. Bộ TN-MT cho rằng thời gian qua, nhiều vấn đề bức xúc, điểm nóng về ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng ở nhiều vùng, nhiều lĩnh vực, xảy ra nhiều sự cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bộ đánh giá từ nhiều sự cố gây ô nhiễm, nguồn ô nhiễm tích tụ đã khiến chất lượng môi trường tiếp tục "xuống cấp" ở một số nơi, đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe, gây tâm lý bức xúc, bất an trong nhân dân. Trong đó, sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung thời gian qua đã trở thành bài học đắt giá.

Bộ này cũng thẳng thắn cho rằng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa cũng đã làm gia tăng nhu cầu khai thác tài nguyên cũng như nguy cơ tác động xấu đến môi trường trên diện rộng.

Cá biệt có tình trạng một số địa phương ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, nhưng chưa quan tâm đúng mức đến bảo vệ môi trường dẫn đến phát sinh, tích tụ nhiều vấn đề môi trường.

Chưa hết, Bộ TN-MT cũng thống kê trên phạm vi cả nước vẫn còn tồn tại một số lượng lớn các lĩnh vực, loại hình công nghiệp, công nghệ sản xuất lạc hậu có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường cao.

Vì vậy, đề án cảnh báo thời gian tới, công tác bảo vệ môi trường sẽ đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường ở phạm vi rộng, liên vùng với tính chất, mức độ phức tạp ngày một cao.

26 loại hình sản xuất nguy cơ ô nhiễm cao

Bộ TN-MT đã chọn 16 loại hình sản xuất phổ biến ở Việt Nam có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao để đưa vào đề án kiểm soát đặc biệt về môi trường.

Gồm luyện gang thép, nhiệt điện, khai thác - chế biến khoáng sản kim loại có sử dụng hóa chất độc hại, sản xuất giấy - bột giấy, nhuộm vải - sợi, mạ, chế biến mủ cao su, chế biến tinh bột sắn, sản xuất ximăng, sản xuất hóa chất - thuốc bảo vệ thực vật - phân bón hóa học, lọc hóa dầu, thuộc da, chế biến thủy sản, chế biến mía đường, sản xuất pin - ăcquy, xử lý chất thải.

Nguy cơ ô nhiễm cả ở dự án cũ và dự án mới

Ông Hoàng Văn Thức, phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết từ 16 loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm, Bộ TN-MT đã đưa vào đề án kiểm soát đặc biệt với 28 cơ sở sản xuất, dự án, khu công nghiệp trong nhóm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Trong 28 cơ sở sản xuất, dự án có tên danh sách, có cả những dự án đang hoạt động, đã có vi phạm như Formosa, Núi Pháo hay những dự án lớn như dự án Tổ hợp bôxit - nhôm Lâm Đồng. Điều đáng nói là trong số 28 dự án được đưa vào danh sách, có khá nhiều dự án mới đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm, đang xây dựng, thậm chí có cả những dự án chưa xây dựng.

Đơn cử ở lĩnh vực nhiệt điện, đề án đề nghị kiểm soát đặc biệt với 5 nhà máy thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (tỉnh Bình Thuận), trong đó có Nhà máy Vĩnh Tân 2 đã hoạt động, còn 4 nhà máy đang xây dựng.

Tại tỉnh Trà Vinh, Bộ TN-MT cũng đề nghị kiểm soát đặc biệt với 4 nhà máy thuộc Trung tâm điện lực Duyên Hải, trong đó chỉ có Nhà máy Duyên Hải 1 đã hoạt động, 2 nhà máy đang xây dựng và Nhà máy Duyên Hải 2 chưa xây dựng.

Ở loại hình sản xuất giấy và bột giấy, dù chưa hoạt động chính thức nhưng trước lo lắng về nguy cơ "bức tử" sông Hậu và nằm trong nhóm loại hình sản xuất nguy cơ gây ô nhiễm, Bộ TN-MT cũng đưa Nhà máy giấy Lee & Man VN tại huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) vào trong đề án kiểm soát đặc biệt.

Nhà máy giấy Lee & Man tại tỉnh Hậu Giang
Nhà máy giấy Lee & Man tại tỉnh Hậu Giang.
Ngoài 28 cơ sở kiểm soát đặc biệt, theo ông Thức, trong đề án còn có khoảng 300 dự án thuộc diện phải kiểm soát nhưng giao cho cấp tỉnh chủ động kiểm tra, định kỳ giám sát, đôn đốc về đầu tư, khắc phục về môi trường.

"Sau sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung vừa rồi, chúng tôi nhận thức rõ là không để bị động. Đề án kiểm soát đặc biệt với các cơ sở có nguy cơ cao là giải pháp chủ động tình hình" - ông Thức khẳng định.

Theo kế hoạch, sau khi lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, Bộ TN-MT sẽ hoàn thiện đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Kiểm soát đặc biệt môi trường 28 dự án lớn ảnh 3

28 dự án đề nghị kiểm soát đặc biệt về môi trường - Đồ họa:Tấn Đạt

Tin mới