Kiểm tra giám sát quyền lực, không để tiềm ẩn hậu quả ở đặc khu

“Quyền lực cao, mô hình mới, thường xuất hiện cái “nóng” thì càng cần kiểm tra giám sát quyền lực, không để tiềm ẩn hậu quả nghiêm trọng”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh điều này khi thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, sáng 23/5.

Bày tỏ đồng tình ban hành Luật và cho rằng đặc khu kinh tế là mô hình mang tính đột phá mà nhiều nước trên thế giới đã làm, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho rằng Luật nên tiếp tục đánh giá làm rõ loại hình kinh doanh nào đủ sức cạnh tranh, loại nào không. Cùng với đó phải cho thấy được những điểm khác biệt trong Luật so với các loại hình kinh tế khác.

Kiểm tra giám sát quyền lực, không để tiềm ẩn hậu quả ở đặc khu ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Vị đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đồng tình với việc trong đặc khu cần có tổ chức HĐND để thực hiện nhiệm vụ giám sát, bởi lẽ quyền lực càng cao, càng đặc biệt, mô hình lại mới, thường xuất hiện cái “nóng” thì càng cần kiểm tra, giám sát quyền lực, không để tiềm ẩn hậu quả nghiêm trọng làm xấu đi định hướng phát triển kinh tế, làm mất niềm tin và ảnh hưởng đến an ninh chính trị, làm suy thoái nền kinh tế của đất nước. Nếu có sai phạm ở đặc khu rất khó điều chỉnh vì liên quan đến doanh nghiệp của nhiều nước trên thế giới.

Nhất trí với việc tăng quyền lực cho Chủ tịch UBND đặc khu, nhưng đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng cần xem xét, rà soát lại các điều Luật để điều chỉnh giảm bớt quy định cho Chủ tịch UBND, cùng với đó, giao cho UBND để Ủy ban ủy quyền trách nhiệm cho Phó Chủ tịch và một số ban ngành chuyên môn.

“Theo dự thảo đang có quá nhiều nội dung Chủ tịch UBND ký các quyết định, trong đó có những nội dung cụ thể như Chủ tịch UBND đặc khu cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, cấp đổi giấy phép kinh doanh, cấp đổi, thu hồi giấy phép... Chủ tịch UBND không thể kiểm soát hết mọi vấn đề, việc gì Chủ tịch cũng ký thì không có thời gian lo việc lớn” - ông Phương nhấn mạnh và cho rằng, nếu quy định như dự thảo thì vị trí Chủ tịch rất dễ bị vi phạm và quy trách nhiệm, bởi thực tế thì “một trăm việc làm tốt nhưng chỉ cần một việc làm sai thì không còn gì nữa”.

Đại biểu Võ Đình Tín - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cũng cho rằng, dự thảo luật có nhiều quy định trao cho Chủ tịch UBND đặc khu được quyền quyết định nhiều nội dung quan trọng mà thông thường thuộc thẩm quyền của UBND theo chế độ tập thể, trong đó có những nhiệm vụ phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

“Quy định trên là xung đột với quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Luật này cũng không quy định việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương các đặc khu” - ông Võ Đình Tín nhấn mạnh.

Vị đại biểu này cũng đề nghị quy định sao cho đơn giản hóa quy trình, thủ tục điều chỉnh quy hoạch đặc khu, tránh trường hợp việc điều chỉnh quy hoạch cũng phải giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh, vừa mất thời gian, mất tính chủ động của vai trò Chủ tịch đặc khu.

Tranh luận với nhiều ý kiến băn khoăn về việc giao nhiều quyền cho Chủ tịch UBND đặc khu, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho rằng, đặc khu là thử nghiệm sự vượt trội, đột phá thì chắc chắn Chính phủ bố trí người đủ trình độ, năng lực vào vị trí này.

“Việc lớn không quyết được thì lại quay về cái không đột phá và như hiện hành” - ông Nguyễn Văn Thân nêu quan điểm.

Tin mới