Kiện toàn các tổ chức, đoàn thể ở làng chài

(Baonghean) - Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, sự lồng ghép các nguồn kinh phí, dự án của tỉnh và Trung ương, cuộc sống của người dân vạn chài đã có nhiều đổi thay.

Một số khu vực tái định cư cho người dân ven sông Lam cơ bản hoàn thành tạo điều kiện cho người dân lên bờ ổn định cuộc sống mới. Tuy nhiên, để tiếp tục giúp đỡ người dân làng chài ổn định cuộc sống, đòi hỏi phải nâng cao vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể.

Đảm bảo sự ổn định các tổ chức, đoàn thể

Trước đây, xóm Hòa Lam được biết đến là một vùng đất nhỏ nằm cuối xã Hưng Hòa (thành phố Vinh) - nơi tập trung dân cư vạn chài đến cư ngụ. Người dân chủ yếu làm nghề chài lưới nhỏ, thu nhập bấp bênh. Xóm không có chi bộ, các đoàn thể hoạt động lỏng lẻo. Thế nhưng, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, hệ thống chính trị được củng cố, cuộc sống của người dân làng chài Hòa Lam đã có nhiều thay đổi.

Chị Hoàng Thị Thuyết - Bí thư Chi bộ xóm cho hay: Hòa Lam có 60 hộ, 200 nhân khẩu. Từ khi chi bộ đảng được kiện toàn với 5 đảng viên, các chi hội đoàn thể trong xóm hoạt động khá đều tay, nội bộ đoàn kết, gắn bó. Vì vậy, các phong trào, hoạt động của xóm có nhiều khởi sắc.

Minh chứng Hòa Lam là đơn vị nằm trong diện phải di dời không có chủ trương huy động nội lực xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng, 5 năm qua với phương châm “Việc gì có lợi cho dân phải gắng sức làm” chi bộ đã tham mưu xây dựng mới nhà văn hóa xóm; vận động nhân dân đóng góp trên 200 triệu đồng làm được trên 560m đường bê tông nội thôn theo tiêu chí nông thôn mới; nâng cấp một tuyến đường dân cư do bão làm sạt lở với tổng giá trị 120 triệu đồng.

Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì, phát triển, nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 92%, gia đình thể thao đạt 86,9%. 

Nhờ phong trào xuất khẩu lao động ở nước ngoài, cùng các nghề phụ ngoài chài lưới như xây dựng, mộc… nên kinh tế của người dân khá ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng 15%, là đơn vị có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất xã, là địa bàn sạch về ma túy được Công an tỉnh chọn để xây dựng mô hình “làng chài bình yên”.

Ông Trần Cao Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa cho hay: Sau khi chi bộ đảng được thành lập và phát huy vai trò “hạt nhân” trong lãnh đạo, chỉ đạo, các tổ chức đoàn thể được kiện toàn, củng cố, mọi phong trào ở xóm chài đều giữ được ổn định. Chi bộ đảng 5 năm liền đạt TSVM tiêu biểu, các tổ chức đoàn thể hoạt động hiệu quả, hàng năm đều đạt danh hiệu xuất sắc. Chẳng hạn hội phụ nữ được khen thưởng trong thực hiện mô hình 5 không, 3 sạch, hội nông dân được chọn điểm xây dựng mô hình “sạch về ma túy”…

Còn tại khu tái định cư làng chài Đặng Sơn - Đô Lương, (gồm dân cư của 2 xóm 6 và 7) khi mới chuyển đến tái định cư có chưa đến 70 hộ. Do vậy, không đủ điều kiện thành lập xóm mới theo Thông tư 04 của Bộ Nội vụ (điều  kiện thành lập xóm mới vùng đồng bằng phải có từ 200 hộ gia đình trở lên) nên mặc dù đã đến nơi mới nhưng người dân vẫn sinh hoạt tại nơi ở cũ. Tình trạng “người một nơi, sinh hoạt một nẻo” gây khó khăn trong công tác quản lý và ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt của các chi hội, đoàn thể.

Ông Nguyễn Công An - Phó ban Tổ chức Huyện ủy Đô Lương cho hay: Trước thực trạng trên để củng cố hệ thống chính trị ở các làng chài, nhất là khu vực tái định cư, Huyện ủy Đô Lương đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền xã Đặng Sơn tìm giải pháp thành lập chi bộ đảng và kiện toàn các chi hội đoàn thể tại các làng chài.

Và sau nhiều nỗ lực thì vào tháng 5/2016, Đảng ủy xã Đặng Sơn đã thành lập được chi bộ đảng ở 2 xóm 6 và 7. Tuy mới thành lập không lâu, nhưng chi bộ xóm 6 có 1 đảng viên chuẩn bị kết nạp, còn chi bộ xóm 7 đã giới thiệu được 1 đảng viên học đối tượng đảng là Bí thư chi đoàn.

Ông Chu Văn Hòa - Trưởng ban Mặt trận xóm 6 - một trong những hộ được tạo điều kiện tái định cư trên bờ phấn khởi bày tỏ: “Người dân vạn chài chúng tôi mấy đời lênh đênh trên sông nước, làm bạn với con thuyền, dòng sông, không tấc đất cắm dùi, từ năm 2012 được Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho lên bờ, lại được quan tâm kiện toàn, củng cố hệ thống chính trị, được sinh hoạt trong các tổ chức đoàn thể, chúng tôi hạnh phúc và biết ơn vô cùng. Nhất là từ ngày có chi bộ đảng đã kết nối tình làng, nghĩa xóm; lãnh đạo, chỉ đạo bà con ổn định cuộc sống, vươn lên xóa đói, giảm nghèo...”.

Người dân làng chài xóm 7, xã Đặng Sơn (Đô Lương) xây dựng nhà văn hóa xóm.
Người dân làng chài xóm 7, xã Đặng Sơn (Đô Lương) xây dựng nhà văn hóa xóm.

Lên bờ tái định cư ổn định từ năm 2007 - 2008 theo dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng đặc biệt khó khăn của UBND tỉnh, thời gian đầu, hệ thống chính trị của xóm chài Tả Lam ở xã Nam Lộc (Nam Đàn) với 69 hộ dân là con số không: không chi bộ, không ban cán sự xóm, không chi hội, đoàn thể.

Mọi chủ trương, chính sách từ trên xuống và tình hình của xóm được xâu nối thông qua ông Nguyễn Văn Ninh - khoảng hơn 60 tuổi, một người uy tín trong xóm do chính quyền xã Nam Lộc “hợp đồng” làm việc như một xóm trưởng và được “tự phát” trả lương.  

Đồng thời, phân công thêm một đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng ủy xã phụ trách chỉ đạo điểm để hỗ trợ. Nhận thấy, việc chưa có thể chế chính trị khiến công tác quản lý hành chính của chính quyền xã gặp không ít khó khăn, việc triển khai các chủ trương, chính sách và công tác vận động quần chúng thiếu đồng bộ, trong khi số hộ dân không đủ để thành lập xóm mới theo quy định, chính quyền xã Nam Lộc đã ghép các hộ thuộc khu tái định cư làng chài vào xóm 5. Nhờ vậy, cuộc sống người dân dần đi vào ổn định, người dân hăng hái tham gia các phong trào VHVN,TDTT và các phong trào thi đua ở cơ sở…

Khó khăn trong công tác phát triển đảng

Tuy đã được củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, thành lập chi bộ nhưng do cuộc sống vất vả, không có nghề nghiệp ổn định, không có đất sản xuất, nhiều hộ tuy lên bờ nhưng vẫn mưu sinh bằng nghề chài lưới hoặc đi làm thuê nay đây, mai đó nên việc quản lý nhà nước cũng như phát hiện, bồi dưỡng “hạt nhân” giới thiệu các chi bộ Đảng trong các xóm chài còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều chi bộ làng chài luôn ở trong tình thế loay hoay tìm nguồn.

Chị Nguyễn Thị Thuyết - Bí thư Chi bộ xóm chài Hòa Lam (xã Hưng Hòa) trăn trở: Hiện nay khâu yếu nhất trong hệ thống chính trị trong xóm là chi đoàn thanh niên. Hầu hết các cháu học xong không đi học đại học, cao đẳng cũng đi xuất khẩu lao động nên việc duy trì sinh hoạt hay tổ chức các hoạt động cũng khó chứ chưa nói đến việc tìm nguồn bồi dưỡng, kết nạp đảng. Ngay cả  vị trí bí thư chi đoàn xóm cũng phải kiện toàn hàng năm.

Còn đối với các xóm chài ở xã Đặng Sơn (Đô Lương) tuy đã thành lập được chi bộ nhưng chủ yếu là cán bộ, công chức xã tăng cường về, ngay cả bí thư chi bộ cũng là cán bộ xã, còn nguồn tại chỗ hầu như rất ít. Ví như Chi bộ xóm 6 có 4 đảng viên thì đều là công chức xã tăng cường, không phải người sở tại. Chi bộ xóm 7 có 5 đảng viên thì có 4 là cán bộ xã tăng cường.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nga - cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã Đặng Sơn, Bí thư Chi bộ xóm 7 cho hay: Việc tìm nhân tố để bồi dưỡng, kết nạp đảng ở các xóm chài rất khó khăn bởi ngoài vấn đề việc làm, thu nhập bấp bênh còn do năng lực, trình độ học vấn, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Việc tăng cường cán bộ, công chức về thành lập chi bộ cũng là giải pháp tình thế để lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào chung. Bởi nếu bí thư chi bộ, đảng viên trong chi bộ không phải là người sở tại sẽ gặp khó khăn trong việc sâu sát, nắm bắt tình hình trong xóm hay xử lý kịp thời các tình huống phát sinh…

Ở một số nơi nguồn cán bộ có năng lực cho các chi hội đoàn thể tại các làng chài cũng là một bài toán khó, bởi đất sản xuất không có, nghề chài lưới phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thời tiết nên thanh niên, đàn ông trong làng tập trung đi làm ăn chỉ có người già, trẻ con ở nhà… mưu sinh vất vả nên họ không có thời gian cũng chẳng mấy mặn mà với việc tham gia vào các vị trí trong các chi hội đoàn thể.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn có một số dự án tái định cư làng chài vì nhiều nguyên nhân bao nhiêu năm vẫn còn “bỏ ngỏ”, như dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư để di dân làng chài Hòa Lam ra khỏi vùng thiên tai được phê duyệt năm 2013, dự án tái định cư làng chài tại khe Mừ, xã Thanh Thủy và Triều Dương, xã Thanh Lâm (Thanh Chương) từ năm 2010... khiến người dân luôn sống trong tâm trạng chờ đợi, không yên tâm an cư lạc nghiệp.

Từ thực tế trên, thấy rằng các cấp, các ngành cần tổ chức khảo sát, đánh giá đầy đủ thực trạng để có giải pháp tích cực và kịp thời hơn, đảm bảo hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị ở các làng chài.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền cần xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho dân vạn chài theo hướng phát triển thêm nghề phụ, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; phối hợp đào tạo, tìm kiếm việc làm… để người dân vạn chài sau khi lên bờ định cư, yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng cuộc sống mới, tiến bộ hơn./.

Gia Huy

TIN LIÊN QUAN

Tin mới