Kim Jong-un bất ngờ sang Trung Quốc; Tổng thống Putin từng chỉ huy trung đội pháo binh

(Baonghean.vn) - Tổng thống Putin tiết lộ từng chỉ huy trung đội pháo binh; Tàu chở dầu Việt Nam cháy ngoài khơi Hong Kong; Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ sang Trung Quốc; Anh không kéo dài thời hạn Brexit của điều 50 Hiệp ước Lisbon; Hàng triệu công nhân Ấn Độ đình công trên cả nước để đòi cải cách... là những tin tức nổi bật của thế giới 24h qua.

Tàu chở dầu Việt Nam cháy ngoài khơi Hong Kong, 1 người chết

Tàu dầu Việt Nam bị nghiêng sau vụ cháy ở Hong Kong
Một tàu cứu hỏa của cảnh sát Hong Kong phun nước lên con tàu gặp nạn. 

Ít nhất 1 người chết và 2 người mất tích sau khi tàu chở dầu và hóa chất Việt Nam Aulac Fortune bốc cháy ở đảo Lamma, ngoài khơi Hồng Kông. Đám cháy bốc lên sau một vụ nổ xảy ra vào khoảng 10h30 ngày 8/1, theo một quan chức cảnh sát. 

Các thành viên thủy thủ đoàn đã phải nhảy xuống biển khi ngọn lửa bao trùm con tàu. 23 trong tổng số 26 thuyền viên đã được các tàu cứu hỏa và trực thăng giải cứu trong khi 2 người khác vẫn chưa rõ tung tích. Thi thể của một nạn nhân cũng đã được đưa về bờ.

Tổng thống Putin từng chỉ huy trung đội pháo binh

Tổng thống Putin khai hỏa lựu pháo /// Chụp từ Sputnik
Tổng thống Putin khai hỏa lựu pháo. Ảnh: Sputnik

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia các hoạt động lễ hội tại pháo đài thánh Peter và Paul ở thành phố St Petersburg, và chia sẻ một số thông tin về binh nghiệp của mình. “Hóa ra chúng ta đều là pháo binh. Tôi từng được thăng hàm trung úy, giữ chức trung đội trưởng thuộc một sư đoàn pháo 122 mm”, nhà lãnh đạo cho biết sau khi khai hỏa khẩu lựu pháo D-30 cỡ nòng 122 mm.

Hiện chưa rõ Tổng thống Putin gia nhập quân đội và được phong hàm sĩ quan pháo binh vào thời điểm nào. Theo tiểu sử của chủ nhân Điện Kremlin, ông được tuyển mộ vào Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB) sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia St. Petersburg năm 1975. Sau đó, ông có thời gian hoạt động ở CHDC Đức (Đông Đức), được thăng quân hàm trung tá trước khi chuyển sang sự nghiệp chính trị.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ sang Trung Quốc

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và phu nhân Ri Sol-ju duyệt đội danh dự ở Bình Nhưỡng trước khi lên đường tới thăm Trung Quốc. Ảnh: KCNA.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và phu nhân Ri Sol-ju duyệt đội danh dự ở Bình Nhưỡng trước khi lên đường tới thăm Trung Quốc. Ảnh: KCNA.

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin, ngày 7/1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bất ngờ sang thăm Trung Quốc để tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh thứ 4 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Báo Hàn Quốc Hankyoreh cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang đi trên chuyến tàu hỏa đặc biệt vượt qua biên giới Triều-Trung vào chiều tối 7/1.

Theo Kyodo, an ninh tại thành phố Đan Đông ở biên giới Trung Quốc đã được thắt chặt, động thái cho thấy nhiều khả năng một quan chức cấp cao hàng đầu nước ngoài đang có mặt tại Trung Quốc. Hàng chục chiếc xe công vụ và nhiều nhân viên an ninh đã chặn các con đường quanh ga tàu hỏa tại Đan Đông trước khi đoàn tàu này đi qua. Sau đó, những con đường này đã được lưu thông trở lại. Giới chức hai nước Triều Tiên và Trung Quốc chưa chính thức xác nhận chuyến thăm. Trong các chuyến thăm trước đây, thông tin được giữ tuyệt mật và thường chỉ được công bố sau khi khi lãnh đạo Triều Tiên lên đường về nước.

Anh không kéo dài thời hạn Brexit của điều 50 Hiệp ước Lisbon

anh khong keo dai thoi han brexit cua dieu 50 hiep uoc lisbon hinh 1
Anh không kéo dài thời hạn Brexit của điều 50 Hiệp ước Lisbon. Ảnh: Reuters

Anh sẽ rời Liên minh châu Âu đúng ngày 29/3 tới và Anh không chủ trương kéo dài thời gian “chia tay” được quy định tại điều 50 Hiệp ước Lisbon. Đây là khẳng định của Bộ trưởng phụ trách vấn đề Anh rời Liên minh châu Âu (gọi tắt là Brexit) Stephen Barclay trước báo giới hôm nay (8/1).

Theo ông Barclay, chính sách của Chính phủ Anh về vấn đề này vốn rất rõ ràng, Thủ tướng Anh đã không ít lần nhấn mạnh rằng, nước Anh sẽ rời Liên minh châu Âu vào ngày 29/3/2019 và Anh sẽ không kéo dài thời điểm này. Khi được hỏi là liệu có nghị sĩ đảng Bảo thủ nào đã thay đổi quyết định phản đối thỏa thuận Brexit hay không, ông Barclay đã nói rằng, một số người đã để ngỏ khả năng thông qua thỏa thuận song vẫn còn không ít người phản đối.

Bị Mỹ bỏ rơi, dân quân người Kurd tính đường gia nhập quân đội Syria

Dân quân người Kurd tại thành phố Manbij. Ảnh: AFP.

Dân quân người Kurd tại thành phố Manbij. Ảnh: AFP.

Redur Khalil, chỉ huy cấp cao trong Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), tiết lộ các nhóm dân quân người Kurd đang đàm phán với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad để trao lại quyền kiểm soát nhiều khu vực cho quân đội chính phủ, nhằm đối phó với mối đe dọa từ Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Mỹ rút quân, AFP đưa tin.

Các đơn vị quân đội Syria hồi cuối tháng trước tiến vào thành phố Manbij sau khi dân quân người Kurd chấp nhận nhường quyền kiểm soát khu vực này cho chính phủ để tránh nguy cơ bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công. Đây là lần đầu tiên quân đội Syria giương cờ ở Manbij sau nhiều năm thành phố chiến lược này nằm dưới sự kiểm soát của người Kurd. Động thái này diễn ra sau khi Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria đưa ra tuyên bố thúc giục lực lượng chính phủ giành lại quyền kiểm soát các khu vực họ đã rút khỏi, nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trước nguy cơ "Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng".

Hàng triệu công nhân Ấn Độ đình công trên cả nước để đòi cải cách

Người biểu tình chặn một tuyến đường sắt. Nguồn: News18
Người biểu tình chặn một tuyến đường sắt. Nguồn: News18

Ngày 8/1, Công đoàn Trung ương Ấn Độ (CTU) đã kêu gọi một cuộc đình công kéo dài 2 ngày trên toàn nước này nhằm phản đối chính sách của chính phủ đi ngược lại quyền lợi của công nhân và những cải cách lao động. CTU cho biết đã có 10 tổ chức công đoàn thành viên và hơn 200 triệu công nhân hưởng ứng tham gia đình công. Chỉ có hai nghiệp đoàn là Bhashiya Mazdoor Sangh (BMS) và Rashtriya Swayamsewak Sangh không ủng hộ hành động phản kháng này.

Những người tham gia đình công ở bang miền đông - Tây Bengal đã chặn đường đường tàu hỏa và đường bộ ở nhiều nơi, mặc dù chính quyền địa phương đã bố trí lực lượng an ninh để đối phó với cuộc đình công.

Cửa khẩu giữa Dải Gaza và Ai Cập bị đóng một chiều

Chú thích ảnh
Cửa khẩu biên giới ở Rafah giữa Dải Gaza và Ai Cập ngày 7/1/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 8/1, truyền thông Trung Đông dẫn nguồn phong trào Hamas cho biết cửa khẩu Rafah giữa Dải Gaza và Ai Cập đã bị đóng một chiều đối với những người Palestine tìm cách rời Gaza, sau khi phong trào Hamas giành lại kiểm soát cửa khẩu này từ chính quyền Palestine (PA). Ông Wael Abu Omar, người phát ngôn phong trào Hamas phụ trách cửa khẩu này, cho biết trước mắt cửa khẩu Rafah sẽ bị phía Ai Cập đóng lại trong ngày 8/1 và hiện chưa rõ có kéo dài thêm hay không. Những người tại Gaza muốn quay trở về Palestine từ phía Ai Cập vẫn có thể đi qua cửa khẩu này, song không được phép thực hiện chiều ngược lại.

PA từng nắm quyền kiểm soát cửa khẩu Rafah từ tháng 11/2017 trong khuôn khổ một thỏa thuận hòa giải các phe phái Palestine do Ai Cập làm trung gian, theo đó phía Ai Cập đồng ý mở lại cửa khẩu biên giới này. Tuy nhiên, ngày 6/1, PA thông báo rút các nhân viên khỏi cửa khẩu biên giới Rafah nhằm phản đối "các hành động thô bạo" của phong trào Hamas. PA cáo buộc các lực lượng an ninh Hamas gần đây đã "triệu tập, bắt giữ và ngược đãi" các nhân viên PA làm việc tại khu vực cửa khẩu Rafah.

Tin mới