Kinh nghiệm của chuyên gia về điện mặt trời cho nhà phố

(Baonghean) - Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, trong điều kiện hiện nay, các hộ ở đô thị cần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo.

PGS. TS Lê Anh Tuấn cho biết, hơn 2 năm trước gia đình ông lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, sử dụng tấm pin của Đức sản xuất 12 tấm pin lắp đặt cho diện tích 24m2, chi phí 130 triệu đồng (năm 2016), công suất 3,9 kWp, tiết kiệm tiền điện 1 - 1,5 triệu đồng/tháng.

Thời gian sử dụng tấm pin 25 năm, thời gian sử dụng bình ắc quy 10 năm, thời gian hoàn vốn là 7 năm.

Theo PGS. TS Lê Anh Tuấn: Nếu đem 130 triệu đồng gửi ngân hàng, với lãi suất khoảng 7,5%/năm, xét đến lạm phát trung bình 5,5% /năm thì tiền thực lãi là 2.600.000 đồng/năm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong khi số tiền tiết kiệm khi lắp điện mặt trời khoảng 14 triệu đồng/năm. “Nếu dùng điện mặt trời để kinh doanh, lãi sẽ cao hơn. Trong đó, lãi cho môi trường là lớn nhất nên các hộ, trong đó khu vực đô thị càng nên đầu tư”- PGS.TS Lê Anh Tuấn khẳng định.

Lợi ích của việc đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái nhà là tiết kiệm chi phí tiền điện, lượng điện dư có thể bán lại cho ngành Điện, giảm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, tuổi thọ của hệ thống điện mặt trời đến 25 năm; chi phí vận hành, bảo dưỡng thấp... Để đảm bảo an toàn khi sử dụng, khách hàng nên lựa chọn nhà cung cấp uy tín, hạn chế tối đa mua tấm pin không rõ nguồn gốc, xuất xứ; việc bảo trì nên thực hiện ít nhất 1 lần/năm...

Theo quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/4/2017, các dự án điện mặt trời lắp mái nối lưới điện quốc gia được thực hiện theo cơ chế bù trừ điện năng, sử dụng công tơ hai chiều. Trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án này lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá bán điện theo quy định.

Tin mới