Kinh nghiệm phòng bệnh cho tôm vào mùa mưa của nông dân Quỳnh Lưu

(Baonghean.vn) - Nuôi tôm là thế mạnh của huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Tuy nhiên, đây cũng là nghề đối diện với nhiều rủi ro, bởi ảnh hưởng của thời tiết, môi trường, đặc biệt là trong mùa mưa bão...

Mưa bão nhiều những ngày qua khiến nhiều hộ nuôi tôm ở huyện Quỳnh Lưu vô cùng lo lắng. Bởi trước đó, thời tiết nắng nóng gay gắt, con tôm đang thích nghi với môi trường và cách chăm sóc của người dân.

Gần 1 tuần qua, mưa liên tục kèm theo bão số 3 đổ bộ vào đã làm thay đổi môi trường sống của con tôm. Trong tình thế đó, các hộ nuôi tôm hiện đang tập trung chăm sóc và phòng bệnh cho con nuôi vốn “khó tính” này.

Sau mưa bão, ông Hoàng Sâm ở xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) tăng cường dinh dưỡng giúp tôm ăn nhiều, tiêu hóa tốt . Ảnh: Việt Hùng
Sau mưa bão, ông Hoàng Sâm ở xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) tăng cường dinh dưỡng giúp tôm ăn nhiều, tiêu hóa tốt . Ảnh: Việt Hùng
Ông Hoàng Sâm, hộ nuôi tôm ở xóm Mai Giang 1, xã Quỳnh Bảng cho biết, tôm vụ 2 thường rất khó nuôi bởi thời tiết thay đổi giữa nắng nóng và mưa bão nên dịch bệnh phát sinh nhiều, nếu không có kinh nghiệm nuôi thì khó thành công. Cũng như các hộ khác, đầu tháng 6 DL, ông bắt đầu thả tôm vụ 2 trên diện tích 1 ha được chia làm 3 ao. Mỗi ao như vậy ông thả 15 - 20 vạn con tôm giống, đến nay sau 40 ngày chăm sóc, tôm sinh trưởng tốt, đạt 170 con/kg.
"Mùa mưa bão, ao nuôi phát sinh nhiều tảo nên cần diệt tảo, tăng cường bơm nước, vệ sinh ao nuôi thường xuyên. Đặc biệt mùa này thường có không khí lạnh nên tôm chậm lớn, cần tăng cường sức đề kháng cho tôm để tôm phát triển tốt" - ông Sâm chia sẻ.
Tăng cường bơm nước là giải pháp hữu hiệu phòng bệnh cho tôm trong mùa mưa. Ảnh: Việt Hùng
Tăng cường bơm nước là giải pháp hữu hiệu phòng bệnh cho tôm trong mùa mưa. Ảnh: Việt Hùng
Theo ông Nguyễn Văn Tráng, hộ nuôi tôm ở xã An Hòa, mùa mưa bão, tôm thẻ chân trắng hay mắc các bệnh do virus, vi khuẩn như: cụt râu, mòn chân, lở loét... Vì vậy, người nuôi tôm cần gia cố bờ ao, tăng cường đảo nước, rắc vôi xử lý môi trường tạo vi khuẩn có lợi trong ao nuôi để tôm phát triển.
 Nhờ chủ động các biện pháp phòng trừ dịch bệnh cho tôm vào mùa mưa nên cuối vụ gia đình ông Tráng thu hoạch đạt sản lượng cao; trừ chi phí cho thu lãi từ 500 - 700 triệu đồng/vụ.
Các hộ nuôi tôm cần kiểm tra sự sinh trưởng của tôm để có giải pháp phòng ngừa. Ảnh: Việt Hùng
Các hộ nuôi tôm cần kiểm tra sự sinh trưởng của tôm để có giải pháp phòng ngừa. Ảnh: Việt Hùng
Bước vào vụ nuôi tôm năm 2018, huyện Quỳnh Lưu có 465 ha nuôi tôm. Trong vụ 1 vừa qua, sản lượng tôm thu hoạch đạt 1.100 tấn. Để hoàn thành kế hoạch 2.800 tấn/năm, sau khi vụ 1 kết thúc, các hộ nuôi tôm ở xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh, Quỳnh Lương, An Hòa... khẩn trương xử lý ao nuôi, bước vào vụ nuôi mới.
Tính đến thời điểm này, bà con đã thả hơn 150 ha tôm vụ 2, bình quân độ tuổi từ 30 - 60 ngày; dự kiến tổng diện tích được thả khoảng gần 300 ha.
Cho tôm ăn tỏi có thể phòng được bệnh gan tụy và phân trắng. Hiện nhiều hộ nuôi áp dụng và phát huy được hiệu quả. Ảnh: Việt Hùng
Cho tôm ăn tỏi có thể phòng được bệnh gan tụy và phân trắng. Hiện nhiều hộ nuôi áp dụng và phát huy được hiệu quả. Ảnh: Việt Hùng
Nhằm chủ động chăm sóc và phòng bệnh cho gần 300 ha tôm vụ 2 trong mùa mưa bão, UBND huyện Quỳnh Lưu đang chỉ đạo các địa phương tuyên truyền tới các hộ nuôi thực hiện. Theo đó, người nuôi cần kiểm tra sự sinh trưởng của tôm để có biện pháp phòng ngừa; đặc biệt là nhận biết dấu hiệu mắc bệnh của tôm trong mùa mưa để phòng bệnh như tôm vùi mình, tiêu hóa thức ăn và bắt mồi kém, dễ mắc các bệnh như vi khuẩn nấm, bệnh phân trắng...
Tăng cường quạt nước, xử lý vôi bột trong ao nuôi để tăng sức đề kháng cho tôm trong mùa mưa. Ảnh: Việt Hùng
Tăng cường quạt nước, xử lý vôi bột trong ao nuôi để tăng sức đề kháng cho tôm trong mùa mưa. Ảnh: Việt Hùng
Ông Đậu Đức Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết, trong điều kiện thời tiết có những diễn biến thất thường dễ gây ra một số loại bệnh nguy hiểm ở tôm. Nếu người dân không chủ động phòng tránh thì tôm dễ nhiễm bệnh. Để phòng ngừa cho tôm, ngoài đảm bảo mực nước trong ao hợp lý, bà con cần sử dụng vôi bột xử lý nước trong ao hoặc rải trên bờ; dùng túi vôi treo ở đầu nguồn nước cấp vào để hạn chế dịch bệnh xâm nhập.
Đặc biệt người dân có thể áp dụng phương pháp nuôi tôm cho ăn tỏi để tăng sức đề kháng, có thể phòng được bệnh gan tụy và phân trắng. Đồng thời, cách nuôi này có thể giải phóng được chất cặn bã, tránh bệnh tật cho tôm.

Tin mới