Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An - Tổ hợp các di sản thiên nhiên, văn hóa

Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An với tính đa dạng sinh học, chứa đựng nhiều loài động thực vật quí hiếm, cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn và nét văn hoá đặc trưng đã tạo nên một khu dự trữ lớn vào loại bậc nhất Đông Nam Á.


UNESCO vừa công nhận Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An với diện tích 1.303.285ha nằm trên địa phận 9 huyện miền núi (Con Cuông, Anh Sơn, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Thanh Chương).

Bao gồm Vườn Quốc gia Pù Mát và 2 khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt và toàn bộ lưu vực đầu nguồn sông Cả với 3 chi lưu quan trọng là sông Hiếu, sông Nậm Nơm và sông Nậm Mộ, Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An hội tụ của nhiều yếu tố hệ thực vật, là nơi đan xen của các yếu tố địa lý thực vật.


Vườn Quốc gia Pù Mát là vùng lõi một, được đánh giá là khu vực rừng tự nhiên lớn nhất và tiêu biểu nhất có nhiều thành phần thực vật phong phú và đa dạng vào loại bậc nhất Việt Nam với 2500 loài thực vật, 130 loài thú lớn, 295 loài chim, 54 loài lưỡng cư bò và bò sát, 84 loài cá, 39 loài dơi, 305 loài bướm ngày, 14 loài rùa, hàng ngàn loài côn trùng khác. Trong đó có 68 loài quí hiếm được ghi nhận trong sách đỏ Việt Nam và một số loài quí hiếm mới phát hiện chưa có trong sách đỏ thế giới như: sao la, mang lớn, mang Trường Sơn, thỏ vằn.


  Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An - Tổ hợp các di sản thiên nhiên, văn hóa ảnh 1

               Thác Kèm - Một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn
            tại Khu Dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An. 
Ảnh: Hoàng Vĩnh


Khu bảo tồn Pù Huống, Pù Hoạt là vùng lõi 2 và 3, về diện tích nhỏ hơn Vườn Quốc gia Pù Mát, nhưng ở đây cũng có đủ các loại hình thảm thực vật và động vật đã có mặt ở Pù Mát. Riêng Khu bảo tồn Pù Hoạt đã thống kê được 600 loài thực vật bậc cao, trong đó có 30 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam; 193 loài động vật có xương sống, 8 loài bò sát quí hiếm; phát hiện 45 loài thú, chiếm 25% tổng số thú toàn quốc...

Ngoài ra còn có rừng núi đá phụ ít bị tác động, vẫn còn giữ nhiều nét nguyên vẹn và hiểm trở, các loài phổ biến như: nghiến, sến mật, trâm núi, gội núi... Động vật có các loài quí hiếm như: gà tiền mặt vàng, công, gà lôi trắng, niệc hung, sơn dương, bò tót, sói đỏ, báo hoa mai. vượn đen má trắng.


 
Toàn bộ diện tích Vườn Quốc gia Pù Mát và hai Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt thuộc phạm vi vùng sinh thái dãy Trường Sơn (Bộ Nông nghiệp & PTNT cùng tổ chức quốc tế Quĩ bảo tồn thiên nhiên thế giới WWF xác định và công bố chính thức tháng 6-2003).


Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái toàn vùng khá đa dạng phong phú. Du khách có thể khám phá những giá trị cảnh quan đặc sắc từ Pù Huống, Pù Hoạt, và tới Pù Mát, từ những dãy núi Pù Hoạt-Pù Pha Lâng- Pù Nhích- Pù Phà Nhà kéo dài xuống Pù Khặng, Pù Huống với đỉnh cao trên 1500 mét nối tiếp nhau trên lưu vực sông cả về phía bắc; dãy Xai Lai Leng, Pù Đen Đin, Pù Mát, Cao Vều trên sông Cả với nhiều đỉnh cao trên 1000 mét và nhiều cảnh quan thác đẹp như: thác Kèm, thác Sao Va, thác Bản Bìa, Thác Muối.

Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên độc đáo mà với đặc điểm địa hình cánh cung bán sơn địa tạo nên những giá trị văn hoá của đồng bào các dân tộc với đặc trưng miền núi phía tây một địa bàn đa dạng sinh học gắn liền với đa dạng văn hoá các dân tộc anh em, nổi bật là giá trị văn hoá bản địa đặc sắc của cộng đồng người Thái, người H.Mông và giá trị cội nguồn tộc người Ơ Đu có số người ít nhất với nền văn hoá rực rỡ ở ngả ba sông Nậm Nơn-Nậm Mộ- sông Cả đang ở tình trạng nghèo khổ nhất, có dấu hiệu thoái hoá về thể chất và hoàn cảnh sống.


Việc hình thành Khu Dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An có ý nghĩa thiết lập một hành lang bảo tồn đa dạng hệ sinh cảnh của các loài động vật có giá trị (Đa dạng sinh học ở Bắc Trường Sơn). Đặc biệt đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Sự phát triển đó dựa trên tăng cường hoạt động của 3 lĩnh vực cơ bản: Bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế tăng thêm nguồn thu nhập, xoá đói giảm nghèo cộng đồng người dân địa phương góp phần giải quyết những vấn đề xã hội. Lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học trong 3 khu bảo tồn sẽ được các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương cũng như các tổ chức bảo tồn quốc tế đặc biệt quan tâm.

Các hoạt động hỗ trợ, đầu tư tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, cho tới xây dựng phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển của vùng sẽ được tăng cường và có kế hoạch ngày càng tốt hơn, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm sẽ được đầu tư hoàn chỉnh. Các thiết chế văn hoá ở khu dân cư, bản mường ngày càng chăm lo xây dựng.

Công tác khuyến nông, khuyến công được chú trọng, từng bước giúp người dân nắm bắt và ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thâm canh các loại cây trồng vật nuôi, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai khí hậu, cảnh quan môi trường phát triển nhanh các sản phẩm hàng hoá, các loại hình văn hoá du lịch, tăng thu nhập, tích cực góp phần làm tốt công tác khoanh nuôi, trồng và bảo vệ rừng.

Các hoạt động về quản lý nhà nước về rừng cũng như tài nguyên khoáng sản, như: chống chặt phá, buôn bán khai thác gỗ, săn bắt động vật rừng ngày càng được tăng cường siết chặt, góp phần đắc lực bảo tồn các loài động thực vật và các nguồn gen quí hiếm duy nhất chỉ phân bố ở môi trường này đang bị đe doạ, từ đó làm cho việc bảo tồn tính đa dạng sinh học ngày càng hiệu quả hơn.


Các giá trị thiên nhiên và giá trị văn hoá nhân văn của liên khu Pù Hoạt- Pù Huống, Pù Mát được bảo vệ nghiêm ngặt sẽ góp phần nâng cao hiệu quả tổng hợp của bảo tồn vùng lưu vực đầu nguồn sông Cả miền núi phía tây Nghệ An- những giá trị hiếm có của một tổ hợp các di sản thiên nhiên, văn hoá đồ sộ và hoành tráng không chỉ của Xứ Nghệ- Việt Nam mà là của cộng đồng thế giới.


Tuy nhiên để bảo vệ và phát huy giá trị Khu Dự trữ sinh quyển này, các cấp chính quyền và các ban ngành liên quan cần tập trung tuyên truyền để người dân trên địa bàn thấy rõ vị trí, tầm quan trọng to lớn của nó đối với sự sinh tồn của con người, nhất là dân cư trong vùng.

Từ đó nêu cao vai trò trách nhiệm của mình đẩy mạnh hơn nữa công tác trồng, khoanh nuôi và bảo vệ rừng cũng như cảnh quan môi trường thiên nhiên. Trong đó trọng tâm là chống chặt phá, khai thác lâm sản trái phép, phát đốt rừng bừa bãi, hạn chế và loại trừ nguy cơ cháy rừng, huỷ hoại rừng.

Văn Đoàn

Tin mới