Tân Kỳ phát triển cao su tiểu điền

(Baonghean) - Phát triển cao su theo hình thức tiểu điền là gắn trách nhiệm của người lao động đối với cây cao su, nên năng suất sản lượng đạt cao. Do vậy, từ nhiều năm nay huyện Tân Kỳ có chủ trương phát triển cao su tiểu điền, phần lớn gia đình trồng cao su đều cho thu nhập cao, ổn định.

Công ty TNHH 1 thành viên nông nghiệp An Ngãi có 600 ha đất trồng cây lâu năm. Những năm 1990 về  trước, đơn vị chủ yếu trồng cam, chỉ khi có Chương trình trồng rừng 327 của Chính phủ, công ty trồng được 120 ha cao su. Nhưng do thời điểm  đó cây cao su không phù hợp với cách nghĩ, cách làm của địa phương nên có tới 70 ha bị chặt phá để trồng cây khác. Đến năm 2007, thấy nhiều  đội viên thu hoạch cao  từ cây cao su, nên công ty chú trọng trồng cây cao su thay thế dần diện tích cam vốn đã lâu năm, hiệu quả kinh tế  giảm.

  Tân Kỳ phát triển cao su tiểu điền ảnh 1

    Phát triển cao su theo hướng tiểu điền là mục tiêu của huyện Tân Kỳ

Và năm 2007, công ty trồng được 438 ha cao su, theo chủ trương của huyện. Do được các đội viên đầu tư chăm sóc tốt nên năm 2012 sẽ  có 20 ha cho khai thác mủ, dự kiến năm 2013 có  thêm 100 ha đi vào khai thác. Nếu nói về hiệu quả  kinh tế so với cây cam thì trồng cao su thu hoạch thấp hơn. Nhưng trồng cam đầu tư cao hơn, chu kỳ  thu hoạch ngắn hơn.

Theo tính toán của ông Nguyễn Ngọc Hùng – Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên nông nghiệp An Ngãi, 1 ha cao su khi đến thời kỳ khai thác sẽ cho thu hoạch 80 triệu đồng, trừ chi phí  phân bón và công 30 triệu đồng, còn lãi 50 triệu  đồng. Mặc dù trồng cao su sau 7 năm mới cho thu hoạch, nhưng trong thời gian cây cao su phát triển có thể  trồng xen cây họ đậu để lấy ngắn nuôi dài. Hơn nữa, trồng cao su là công ty chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm nên thu nhập ổn định. Những năm gần  đây, giá mủ cao su trên thế giới tăng nên người trồng cao su thu nhập cao.

Gia đình ông Phan Đăng Lương ở xóm Diễn Châu, xã Thanh An có 11 ha cao su, trong đó 5 ha đã cho khai thác mủ. Ông Lương cho biết: Với diện tích cao su đang khai thác, mỗi tháng gia đình thu nhập 100 triệu đồng từ khai thác mủ. Cây cao su mỗi năm cho khai thác mủ 7 – 8 tháng, như vậy, mỗi năm gia đình thu nhập ít nhất 700 triệu đồng, trừ mọi chi phí về phân bón, thuê công nhân… khoảng 300 triệu đồng, còn lãi 400 triệu  đồng. Dự kiến 2 - 3 năm nữa toàn bộ 11 ha cao su của gia đình cho khai thác mủ, khi đó mỗi năm thu lãi tiền tỷ. Hiện tại gia đình thuê 4 công nhân làm việc thường xuyên để khai thác mủ và chăm sóc cây cao su.

Ông Phạm Văn Hóa – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Tân Kỳ có lợi thế để phát triển cây cao su tiểu điền, đó là có diện tích đất đồi thấp nhiều, rất phù hợp trồng cao su. Những năm qua, cây cao su ở nhiều địa phương trong huyện đã khẳng định được vai trò của nó về phát triển kinh tế hộ nên diện tích cao su của huyện tăng nhanh.

Đến nay, Tân Kỳ đã có xấp xỉ 2 nghìn ha cao su, trong đó 2/3 diện tích đã cho khai thác mủ. Phấn đấu của huyện là đến năm 2015 trồng được 3.500 ha, đưa cây cao su thành cây trồng chủ lực về phát triển kinh tế, là cây làm giàu cho người dân.

Để đạt được mục tiêu đó, UBND huyện không ngừng tạo cơ chế chính sách hỗ trợ về giá giống cao su, hỗ trợ trồng tre trúc điền xung quanh vườn cao  su, nhằm mục đích chắn gió, giảm thiệt hại khi có bão. Xét về mặt kinh tế và bảo vệ môi trường… và điều kiện tự nhiên của địa phương, thì phát triển cây cao su theo hình thức tiểu điền là hướng đi đúng của  Tân Kỳ.

Xuân Hoàng

Tin mới