Đánh “cát tặc” trên sông Con

(Baonghean) Trong 2 ngày 22 và 23/3, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Phó giám đốc Công an tỉnh, lực lượng Cảnh sát môi trường phối hợp với Cảnh sát cơ động, Công an huyện Tân Kỳ đã truy quét “cát tặc” trên sông Con, đoạn từ xã Phú Sơn đến Cầu Rô (xã Nghĩa Bình - Tân Kỳ)... tiến hành bắt giữ, lập biên bản 38 tàu vi phạm.

Bắt giữ gần 40 tàu hút cát

Chiến dịch truy quét khai thác thổ phỉ cát, sỏi bắt đầu từ 15h ngày 22/3. Tham gia chiến dịch, ngoài 32 cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát môi trường giữ vai trò nòng cốt, chủ công còn có sự tham gia của 40 cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động Công an tỉnh và hàng chục thành viên khác được huy động thuộc Công an huyện Tân Kỳ và các xã... Với phương châm bí mật, bất ngờ lực lượng chức năng đã chia 12 mũi, đồng loạt tiến hành kiểm tra, giám sát trên toàn tuyến gồm cả trên bộ và đường thủy. Để đảm bảo tính triệt để, lực lượng Cảnh sát môi trường đã bố trí 2 tàu xuất phát từ huyện Đô Lương, di chuyển dọc theo sông Con truy bắt đối tượng vi phạm tại các điểm Kỳ Tân, Nghĩa Dũng, cầu Đò Sen và cầu Rô.

                 Khu vực khai thác cát sỏi trái phép tại cầu Rô, xã Nghĩa Bình.

Lán trại của các đối tượng khai thác cát sỏi trái phép tại khu vực cầu Rô bị phá hủy.

           Một đối tượng khai thác cát sỏi trái phép tháo dỡ lán trại.

Tại các khu vực tập trung đông đối tượng khai thác cát sỏi trái phép, đoàn đã tiến hành bắt giữ, lập biên bản 38 tàu có tải trọng từ 10 - 15 m3. Trong đó, khu vực cầu Rô bắt 9 tàu và 2 máy xúc; cầu Đò Sen 10 tàu; khu vực huyện Kỳ Tân 14 tàu; Nghĩa Dũng 5 tàu. Hầu hết các đối tượng hoàn toàn chấp hành nghiêm túc yêu cầu, không có hành vi chống đối lực lượng chuyên ngành, chỉ có một số chủ phương tiện bỏ trốn, hoặc cố tình làm hư hỏng máy gây khó khăn cho đoàn truy quét trong việc tập kết phương tiện vi phạm.

                            Lực lượng truy quét tháo dỡ đầu máy hút cát.

                             Đầu máy hút được vận chuyển về huyện xử lý.

Có mặt tại khu vực cầu Rô, đoạn giáp ranh giữa xã Nghĩa Bình và Nghĩa Đồng (Tân Kỳ), toàn bộ bãi bồi và lòng sông nơi đây đã bị đào bới nham nhở. Việc khai thác cát, sỏi trái phép tạo ra những hang, hố ngay giữa lòng sông cũng như hai bên bờ. Nguy hiểm nhất và việc khai thác thổ phỉ tại đây gây ảnh hưởng đến hành lang an toàn của cầu Rô, công trình giao thông phục vụ đời sống dân sinh trên địa bàn... Ông Lê Văn Thủy - một người dân ở xóm 6, xã Nghĩa Bình nói: "Có nhiều vấn nạn từ việc khai thác cát, sỏi trái phép. Ngay như tuyến giao thông liên hương từ đường Hồ Chí Minh đến cầu Rô mới được làm 4 năm, nay đã bị xe chở cát, sỏi làm hư hỏng nặng. Chúng tôi liên tục bị tra tấn bởi khói, bụi. Bụi đến mức mà chúng tôi có thể lấy ngón tay viết lên trên tường, trên bàn. Mùa mưa thì đường nhão nhoét, xe bò vận chuyển nông sản rất khó khăn. Lần này xử lý dứt điểm được nạn khai thác cát, sỏi trái phép, chúng tôi phấn khởi lắm".

                                   Lập biên bản vi phạm tại hiện trường.

Đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép ở khu vực này là các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng; các hộ dân địa phương tự khai thác bán ra thị trường và một nhóm các đối tượng từ huyện Anh Sơn, Đô Lương. Ông Nguyễn Đình Hùng - Phó Giám đốc Cty Cổ phần xây dựng Tám Tài - đơn vị bị xử lý, thừa nhận lỗi phạm: "Công ty chúng tôi nhận thi công công trình đập Khe Nứa nên đã khai thác cát khu vực cầu Rô, khai thác theo hình thức thổ phỉ, không phép. Ngày nhiều nhất khai thác 15 xe, tương đương 90m3. Nay cơ quan chức năng xử lý thì chúng tôi chấp hành".

Theo Thượng tá Nguyễn Viết Nhi - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an Nghệ An: Nhờ sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các lực lượng và chính quyền địa phương. Những trường hợp bỏ tàu, thuyền chạy trốn, đều được chính quyền địa phương vận động ra trình diện, tiến hành lập biên bản...".

Nỗ lực đáng ghi nhận

Trong chiến dịch ra quân lần này, các cơ quan chức năng phải tổ chức kiểm tra, truy quét đối tượng vi phạm trong một khu vực khá lớn, từ xã Phú Sơn, địa bàn giáp ranh với huyện Anh Sơn đến cầu Rô - Nghĩa Bình giáp ranh với huyện Nghĩa Đàn với chiều dài khoảng 40 km. Các lực lượng tham gia phải liên tục di chuyển truy đuổi trên sông, đồng thời thường xuyên phối hợp với lực lượng chốt giữ trên bộ, hai bên bờ nên quá trình thực hiện nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn. Việc phát hiện, bắt giữ các đối tượng, tàu thuyền vi phạm đã phức tạp, nhưng việc bảo vệ phương tiện, tang vật cũng khó khăn không kém. Các cán bộ, chiến sỹ phải cùng các đối tượng vi phạm tiến hành tháo dỡ máy móc, lều bạt, canh giữ tàu thuyền chờ xử lý. Gương mặt lấm lem dầu mỡ vì tham gia tháo dỡ máy hút cát vi phạm, Trung sỹ Hồ Anh Quý - Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động cho biết: "Trong số chúng tôi có người mãi đến 13h chiều mới được ăn cơm sáng, có người trực trên thuyền suốt cả ngày trời...". Còn với Thiếu tá Phan Song Hiếu thì: “Để đảm bảo bí mật, bất ngờ nên hầu như cán bộ, chiến sỹ tham gia truy quét đều không có sự chuẩn bị cho cá nhân. Chúng tôi lên tàu từ cầu Đô Lương lúc 15 giờ chiều 22/3, đến 14 giờ ngày 23/3 mới tới được khu vực truy quét các đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép. Đến nơi, cùng với các tổ đi đường bộ, chúng tôi đã bất ngờ bắt giữ các tàu hút cát, và sau đó mới được nghỉ ngơi. Tính ra, ngót một ngày trời anh em mới được ăn cơm”...

                            Tàu hút cát bị tạm giữ tại khu vực cầu Đò Sen.

Con đường liên hương xã Nghĩa Bình bị vỡ nát bởi các phương tiện vận chuyển cát sỏi trái phép.

        Sông Con biến dạng bởi những cồn, mô do nạn cát "tặc" hoành hành.

Có thể khẳng định, chiến dịch truy quét “cát tặc” trên sông Con đã thành công tốt đẹp. Tuy nhiên, từ đây có thể thấy trong thời gian qua, việc quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông ở địa bàn Tân Kỳ còn rất nhiều bất cập. Nhu cầu cát, sỏi cho xây dựng rất lớn, theo tìm hiểu, một ngày ở khu vực sông Con có khoảng 200 chuyến xe chở cát, sỏi về Thành phố Vinh, Quỳnh Lưu và các huyện thuộc tuyến QL 48, bởi vậy, để giữ đảm bảo trật tự trong khai thác cát, sỏi tại khu vực này cần sự vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Ngày 7/2/2013, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 1238/VPCP-KTN về việc tăng cường công tác quản lý thăm dò, khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông. Trong đó yêu cầu: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng: tăng cường quản lý các hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trên địa bàn, đặc biệt là ở các tuyến sông giáp ranh giữa các tỉnh; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ, gây bức xúc đối với dư luận xã hội; xử lý triệt để các trường hợp kinh doanh bến bãi, vận chuyển, tập kết cát, sỏi trái phép hoặc không có nguồn gốc hợp pháp.

Nhật Lân - Vân Nhi

Tin mới