Hồ vực mấu và sức sống một vùng quê

(Baonghean) - Hồ Vực Mấu là một trong những công trình hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh Nghệ An, được ra đời từ quyết định táo bạo của đồng chí Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu - Nguyễn Hữu Đợi và nỗ lực gần chục năm trời gồng gánh, với “mo cơm, quả cà” mà “thay trời đổi đất” của nhân dân Quỳnh Lưu…

“Thay trời, đổi đất”


Hồ Vực Mấu được bắt đầu xây dựng từ năm 1978. Những năm tháng ấy, đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, với bao khó khăn, vất vả, thiếu thốn. Huyện Quỳnh Lưu cũng đang bộn bề việc di dân lên vùng núi, cải tạo ruộng đồng, xây dựng các công trình thủy lợi… Trong bối cảnh đó, quyết định của Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu - ông Nguyễn Hữu Đợi khi chặn dòng nước để đắp đập Vực Mấu (có diện tích xấp xỉ 1/3 diện tích cả huyện) thật sự là quyết định táo bạo. Bởi cơ giới ít ỏi, chủ yếu đưa sức người với đôi bàn tay đào mương, bốc đất, thường trực trên từng mét đất công trình suốt gần chục năm ròng. Như thế, Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Lưu đã làm nên kỳ tích hồ Vực Mấu.

Mục đích xây hồ Vực Mấu là để từ đó đưa nước về phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân 10 xã khu vực Hoàng Mai. Cái vùng đất hoang sơ, nghèo đói, khô cằn mà người dân vẫn thường nói với nhau “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, chỉ rặt những vách đá vôi dựng sừng sững, chẳng tìm thấy màu xanh. Đến cánh rừng thông cũng bạc màu vì bụi đá. Nơi đây, quá xa để lấy nước từ đập bara Đô Lương, 2 con đập: đập Ba Tùy và đập Đồi Tương trữ lượng rất ít.

Từng đợt nhân công được huy động về đắp đập, be bờ, xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước. Câu khẩu hiệu “Thay trời, đổi đất, sắp đặt lại giang sơn/ Mo cơm, quả cà và tấm lòng cộng sản” đã nói lên khí thế thanh niên Quỳnh Lưu thời ấy. Ông Trần Đình Khuê (SN 1946) kể lại những năm mình chỉ đạo dân công xã Quỳnh Hồng đi xây hồ Vực Mấu: “Hồi đó, xây dựng công trình hồ Vực Mấu là huy động hết toàn bộ thanh niên trong huyện, lần lượt thay phiên nhau, và chia từng đoạn để làm. Nạo vét, nắn dòng, đắp đập thì có cơ giới máy móc, nhưng đào kênh mương dẫn về các xã chủ yếu là sức người. Khó khăn, gian khổ, trường kỳ, xã nào đi là mang theo gồng gánh, cuốc xẻng, đưa thóc, đưa gạo đi theo.

Khí thế lúc nào cũng hừng hực”. Mấy chục năm trôi qua rồi, nhưng không khó để tìm hỏi người từng đi dân công hồ Vực Mấu, ở bất cứ xã nào của huyện Quỳnh Lưu. Họ vẫn nhớ rõ mồn một những ngày tháng chân trần quần trên cát sỏi bỏng rát, nhớ mặt đất khô cằn mẻ cong lưỡi cuốc. Đào đắp gần 75 triệu mét khối đất, chủ yếu bằng vai bằng tay, bằng xe trâu...

Hồ Vực Mấu trên địa phận xã Quỳnh Trang, Quỳnh Lưu.

Diện tích hồ rộng trên 1.000 ha, dài gần 1km từ Quỳnh Thắng, Tân Thắng xuống Quỳnh Trang, với dung tích hơn 40 triệu m3. Chưa kể đến hệ thống kênh mương nối giữa các xã và dẫn nước về từng cánh đồng, làng quê. Công trình cung cấp nước cho 10 xã khu vực Hoàng Mai: Quỳnh Trang, Quỳnh Tân, Quỳnh Xuân, Quỳnh Hoa, Quỳnh Văn, Quỳnh Dị, Mai Hùng, Hoàng Mai… Chưa có hồ thủy lợi nào ở Quỳnh Lưu lớn như thế, huy động nhiều sức dân như thế, với khoảng thời gian gần chục năm, thành niềm tự hào của nhân dân trong huyện, nặng lòng biết ơn sâu sắc của người dân vùng Hoàng Mai mãi cho tới tận bây giờ.

Nước về, cuộc sống sinh sôi

Chạy dọc các xã từ Quỳnh Hoa, Quỳnh Văn… sang Quỳnh Trang vào một chiều tháng tư, gió thổi nhẹ trên cánh đồng lúa rập rờn trải dài xanh mướt. Nước Vực Mấu chảy về trong vắt dưới con kênh. Đâu ai ngờ được, mới khoảng hơn chục năm trước, đây là vùng nghèo khó nhất của huyện Quỳnh Lưu.

Những người già, nhớ rõ ngày nước về trong chờ đợi, mừng vui. Hồ Vực Mấu được đưa vào sử dụng đảm bảo nước tưới thường xuyên, đã đánh thức cả một vùng hoang sơ thành làng mạc trù phú. Năm xưa, cuộc sống hết sức vất vả, bấp bênh. Cây lúa sống nhờ hạt mưa của trời. Năm nào “mưa thuận gió hòa”, thì năm ấy người dân bớt đi phần nào nỗi lo lắng về cái đói. Nhà nông “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Vụ hè thu là vụ cho thu nhập lúa lớn nhất trong năm, nhưng ở phía hoang sơ này, mùa hè mặt đất cứ bốc hơi mà trời không cho nước xuống, không có nước thì làm sao để lúa trổ bông. Người dân ở các xã Quỳnh Trang, Quỳnh Tân, Quỳnh Xuân… vẫn không thể nào quên được những năm khô hạn, lúa đang vào thì đẻ nhánh chết đỏ ngoài đồng, xót lúa nhưng đành phải cắt về cho trâu bò ăn khỏi phí. Khi có nước từ hồ Vực Mấu, sản xuất của người dân chủ động và phát triển mạnh. Diện tích gieo trồng tăng, năng suất cao. Trước đó, năng suất lúa các xã vùng Hoàng Mai rất thấp, nhưng hiện giờ đã đuổi kịp được các xã trung tâm, bình quân đạt khoảng 60 tạ/ha. Những đợt hạn hán kéo dài, đồng khô nứt toác chân chim mỗi mùa nắng đến đã thôi ám ảnh. Màu xanh đã được phủ kín khắp ruộng, vườn.

Nước theo mương về với ruộng vườn.

Ông Trần Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Trang cho biết: “Không chỉ riêng xã Quỳnh Trang, mà cả 10 xã khu vực Hoàng Mai này, không thể có ngày hôm nay nếu không có hồ Vực Mấu”. Công trình ấy còn tạo thêm cho cư dân của các xã quanh vùng hồ (Quỳnh Trang, Quỳnh Tân, Quỳnh Thắng…) nghề khai thác thuỷ sản với sản lượng lên tới hàng ngàn tấn mỗi năm. Từ lúc hồ mới đắp xong, là đã có người đánh bắt cá. Thời gian đầu, do không có người quản lý, tình trạng khai thác thủy sản bừa bãi, ồ ạt, đánh bắt bằng điện, nổ mìn khiến cho nguồn sinh vật trong lòng hồ cạn kiệt. Nhiều ngư dân lại bỏ nghề đi đánh bắt nơi khác. Tuy nhiên sau đó, việc thành lập công ty nuôi trồng thủy sản hồ Vực Mấu đã tạo nên sự thay đổi mang tính tổ chức và kỷ luật cao trong kinh doanh. Công ty sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ hồ, thả cá giống xuống lòng hồ. Những người khai thác sẽ được đánh bắt theo khu vực quy định, và nộp lại một phần thu nhập cho doanh nghiệp. Trước kia, mạnh ai nấy làm, giờ người dân đã biết vừa đánh bắt, vừa bảo vệ, thu về lợi nhuận cao, bền vững, và an toàn hơn, lại giữ gìn được cảnh quan môi trường.

Hiện nay, hồ Vực Mấu được nâng cấp, với 5 cửa tràn xả lũ với tổng lưu vực hứng nước là 215 km2, trữ lượng thiết kế 75 triệu m3 nước; đảm bảo nước cho sinh hoạt của nhân dân trong vùng và Khu công nghiệp Hoàng Mai, các nhà máy nước, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quỳnh Lập; cấp nước tưới cho hơn 4600 ha đất canh tác; cấp nước sinh hoạt cho gần 40.000 hộ dân khu đô thị Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu, cấp nước cho công nghiệp 11,388 triệu m3/năm. Nuôi trồng thuỷ sản lòng hồ và tạo nguồn nước nuôi trồng thuỷ sản trong khu vực là 400 ha, đồng thời cắt giảm lũ cho hạ lưu. Trong thời gian tới, hồ sẽ tiếp tục được nâng cấp, xây dựng để phục vụ đời sống sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Ông Nguyễn Xuân Dinh- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu, cho biết: “Hồ Vực Mấu là công trình thủy lợi trọng điểm của huyện Quỳnh Lưu. Nhờ có nước từ hồ, mà hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản… được ổn định, có hiệu quả bền vững hơn. Ngoài ra, khai thác thủy sản lòng hồ cũng được phát triển, hiện nay đã có quy hoạch kết hợp đánh bắt và tái tạo. Thực sự, từ khi có hồ Vực Mấu, đã làm thay đổi rất lớn diện mạo đời sống bà con vùng 10 xã phía Tây Bắc Quỳnh Lưu”.

Trở lại việc trên lòng hồ Vực Mấu đã hình thành nên một Công ty nuôi trồng thủy sản do anh Nguyễn Quốc Hữu (xã Quỳnh Thắng) giữ chức Giám đốc. Trước kia, bản thân anh Hữu cũng từng là một tay “sát cá” trong lòng hồ. Nhưng thấy mình sau khi “diệt cạn” cá từ hồ này sang đập khác, nơi nào cũng chỉ khai thác một thời gian là hết, cuộc sống vẫn bấp bênh may rủi. Anh đã suy nghĩ lại và quyết định thành lập công ty nuôi trồng thủy sản, ngay trên hồ Vực Mấu. Thay đổi cách làm ăn có hiệu quả, anh Hữu đã khiến nhiều người dân khác góp vốn, đóng cổ phần để nuôi trồng và khai thác có quy hoạch nguồn thủy sản lòng hồ.

Chạy theo bờ kè được bê tông kiên cố của hồ Vực Mấu, ngó sang mênh mang bờ bên kia mặt nước hắt vàng rực rỡ dưới nắng chiều, những ngọn đồi ẩn hiện xa xa. Nơi đây, còn đang được xây dựng làm khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng bởi vẻ đẹp và sự bao la rộng lớn của nó. Mừng cho một vùng đất đã vươn lên phát triển mạnh mẽ, trở thành khu công nghiệp mới của cả tỉnh, sẽ lớn dậy một thị xã trong nay mai.

Dòng nước hồ Vực Mấu chảy về mới đó mà cũng đã gần 30 năm. Chừng ấy thời gian để những người dân từng mòn mỏi khát khao dòng nước ngọt được chứng kiến sự tái sinh trên chính mảnh đất quê mình. Chừng ấy thời gian để con kênh trở nên quen thuộc, thành vẻ đẹp yên bình làng quê; để bao nhiêu đứa trẻ sinh ra với tuổi thơ tắm mát. Và chừng ấy thời gian, để không chỉ đất, mà còn là nước đã trở thành máu thịt, thành một phần tâm hồn đối với những người dân hiền lành chất phác nơi đây.

Hồ Lài

Tin mới