Chuyển động tích cực trong KKT Đông Nam

(Baonghean) - Giá trị sản xuất công nghiệp của các đơn vị đang hoạt động trong KKT Đông Nam và các KCN trên địa bàn tỉnh luôn có mức tăng trưởng cao qua các năm. Nếu như năm 2011 đạt 3.389 tỷ đồng thì năm 2014 đạt 5.200 tỷ đồng. Sự tăng trưởng đó, chứng minh cho cách làm năng động, linh hoạt và hiệu quả của các doanh nghiệp đầu tư tại Nghệ An.

Đến nay, tại KKT Đông Nam và các KCN trên địa bàn tỉnh đã có 59 dự án đi vào hoạt động, trong đó có 9 dự án FDI. Việc nhà đầu tư hoàn thành các dự án đi vào sản xuất - kinh doanh tạo nên sự sôi động và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Ông Ngô Xuân Hóa - Phó tổng giám đốc Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam cho biết: “Năm 2014 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng doanh nghiệp vẫn nỗ lực vươn lên để sản xuất - kinh doanh hiệu quả. Trong năm qua đã sản xuất gần 800 triệu sản phẩm, trong đó 90% sản phẩm là vỏ lon bia, còn lại là bìa cacton. Sản lượng tăng, doanh thu đạt 1.200 tỷ đồng và đơn vị đã nộp vào ngân sách nhà nước 70 tỷ đồng. Vừa qua, KCN Bắc Vinh đã hoàn thành và đưa vào khai thác dự án nhà máy xử lý nước thải, giúp cho các doanh nghiệp giải quyết hiệu quả việc bảo vệ môi trường. Nhà máy sản xuất bao bì Sabeco cũng đã đầu tư dây chuyền, bảo đảm nước thải được xử lý trước khi thải ra hệ thống xử lý nước thải của KCN Bắc Vinh”.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty Namsung Vina (Diễn Châu).
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty Namsung Vina (Diễn Châu).
Tại KCN Nam Cấm, hiện thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án và đi vào hoạt động rất hiệu quả. Một trong những dự án lớn có nguồn vốn đầu tư 100% của nước ngoài (FDI) sau khi đi vào hoạt động thu hút 5.200 lao động và đóng góp rất lớn vào ngân sách nhà nước là Công ty TNHH điện tử BSE Việt Nam. Năm 2014, Công ty nỗ lực đầu tư để đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường và được cấp chứng nhận ISO 14001 về tiêu chuẩn hệ thống quản lý môi trường. Cùng với đó, BSE còn nhận được phê duyệt của các đối tác quan trọng như: Samsung, LG, Panasonic… nên đã tạo động lực thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Trong năm 2014, sản lượng đạt 97 triệu sản phẩm, tổng doanh thu đạt 44,7 triệu USD (cao gấp 10 lần năm 2013), giá trị xuất khẩu đạt 26 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước 7,5 triệu USD. Con số ấn tượng đó là động lực để BSE vươn lên đạt kế hoạch của năm 2015. Từ đó công ty có điều kiện để thực hiện chủ trương tham gia tích cực hoạt động vì cộng đồng. Ông Choo Sung Ku - Tổng giám đốc Công ty TNHH điện tử BSE Việt Nam cho biết: “Công ty điện tử BSE đánh giá rất cao UBND tỉnh, nhất là Ban quản lý KKT Đông Nam trong việc tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà đầu tư để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư của tỉnh và đã đổi mới cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho BSE và các nhà đầu tư khác yên tâm mở rộng sản xuất kinh doanh”. 
 Cũng tại KCN Nam Cấm, Công ty TNHH nhựa Tiền Phong đã sớm hoàn thành công tác đầu tư đi vào hoạt động. Ông Phạm Văn Viễn - Tổng giám đốc Nhà máy nhựa Tiền Phong miền Trung cho hay: “Trước đây doanh nghiệp đã tìm hiểu cơ hội đầu tư nhà máy sản xuất tại Thanh Hóa, nhưng sau khi đến Nghệ An tìm hiểu cơ chế, chính sách và mặt bằng, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành ở tỉnh và nhất là trong công tác cấp giấy chứng nhận đầu tư, bàn giao mặt bằng, nên doanh nghiệp quyết định đầu tư xây dựng nhà máy tại KCN Nam Cấm. Từ tháng 5/2012 bắt đầu khởi công dự án và đến tháng 9/2013 hoàn thành nhà máy sản xuất ống nước dân dụng, công nghiệp trên diện tích 4,3 ha tại khu C với công suất giai đoạn 1 là 10.000 tấn sản phẩm/năm. Trong quá trình đầu tư xây dựng nhà máy, cũng như khi đi vào sản xuất, doanh nghiệp luôn được các cấp, ngành tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động, chính vì vậy hiện nay nhà máy sản xuất - kinh doanh rất thuận lợi”. Dự án này có vốn đầu tư hơn 120 tỷ đồng, do Công ty TNHH nhựa Tiền Phong - Hải Phòng làm chủ đầu tư. Năm 2014, với sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành ở tỉnh và sự nỗ lực của Nhà máy đã về đích chỉ tiêu sản xuất kinh doanh trước 1 tháng với sản lượng đạt 10.000 tấn sản phẩm các loại, doanh thu đạt 480 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước hơn 10 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng/người.
Các nhà đầu tư tại Nghệ An đều ghi nhận và đánh giá cao sự thông thoáng, cởi mở của chính sách thu hút đầu tư của tỉnh nhất là việc cải cách hành chính theo hướng nhanh gọn, đúng quy định của pháp luật. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án điều chỉnh ranh giới KKT Đông Nam và KCN Hoàng Mai, Đông Hồi được hưởng ưu đãi đầu tư gắn với KKT Đông Nam… tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư vào Nghệ An. Năm 2014, Ban quản lý KKT Đông Nam đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 20 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 6.907 tỷ đồng và 13 triệu USD, đặc biệt đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, như: Dự án sản xuất sản phẩm thép của Tập đoàn Tôn Hoa Sen; Dự án xây dựng hạ tầng KCN - Đô thị của Tổng công ty Becamex Bình Dương - VSIP; Dự án trung tâm công nghiệp thực phẩm Masan Miền Bắc của Tập đoàn Masan; Nhà máy sản xuất thực ăn chăn nuôi của Công ty TNHH Cargill… Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành liên quan và sự nỗ lực của doanh nghiệp, KKT Đông Nam, các KCN vẫn thu hút được những dự án đầu tư mới với nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh hiệu quả.
Hoàng Vĩnh

Tin mới