Hiệu quả bước đầu của tái cơ cấu đầu tư công

(Baonghean) - Tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công là một trong những chủ trương quan trọng của Chính phủ nhằm góp phần khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải, thất thoát, lãng phí. Thực hiện chủ trương đó, Nghệ An đã và đang tích cực thực hiện việc quản lý đầu tư từ quy hoạch, kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, xây dựng dự án, bố trí vốn  đến triển khai, giám sát thực hiện, kiểm toán, quyết toán, nghiệm thu công trình...
Nhờ sự tuyên truyền, quán triệt đầy đủ các chỉ thị, quyết định của Chính phủ tới các cấp, các ngành và sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, việc triển khai thực hiện tái cơ cấu đầu tư công trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả nhất định, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Cụ thể: huy động vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm tăng lên (năm 2011 tổng vốn đầu tư trên địa bàn là 29.779 tỷ đồng, thì đến năm 2014 đạt khoảng 36.000 tỷ đồng). Nguồn vốn “xã hội hóa”  góp phần đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, hàng trăm công trình như trường học, đường giao thông, nhà văn hóa, nhà máy, bệnh viên, công ty… được đầu tư xây dựng góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. 
Đường Lý Thường Kiệt (TP. Vinh) được xây dựng theo hình thức BT.
Đường Lý Thường Kiệt (TP. Vinh) được xây dựng theo hình thức BT.
Ở huyện Tân Kỳ, năm 2014, từ nhiều nguồn vốn và huy động nội lực, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình quan trọng: Đường vào trung tâm xã Tân Hợp - khu du lịch sinh thái Thung Khiển, đường Giai Xuân - Tân Phú, đường dẫn vào cầu treo đò Rô, xã Nghĩa Đồng và hàng chục km đường bê tông theo chương trình xây dựng NTM; Tính đến nay, toàn huyện có 362 km đường nhựa và bê tông, 287 km kênh mương bê tông. Ở TP. Vinh, trong điều kiện khó khăn đã chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư phù hợp, ưu tiên trả nợ công trình hoàn thành, bố trí đầu tư các công trình trọng điểm, cấp bách. Công tác quản lý chất lượng công trình XDCB trên địa bàn được chú trọng. Thành phố đã huy động nguồn lực xây dựng các công trình hạ tầng ước đạt 54,3 tỷ đồng/kế hoạch 40 tỷ đồng; trong đó: huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng kỹ thuật đạt 28,5 tỷ đồng và thực hiện xã hội hóa ở các trường học là 25,8 tỷ đồng. Ông Hà Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vinh cho biết: Để có nguồn vốn đầu tư phát triển, thành phố đẩy mạnh  các công trình khai thác quỹ đất theo quy hoạch như Khu Quy hoạch dân cư (QHDC)  xóm Kim Đông, xã Nghi Ân hiện đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật; Khu QHDC xóm Trung Thành, xã Hưng Đông; Khu QHDC xóm Xuân Đông, phường Hưng Dũng; Khu QHDC xứ Đồng Nương Đông, xóm Mẫu Đơn, xã Hưng Lộc… Ở huyện Nam Đàn, trong 119,8 km đường cứng được thi công trong năm 2014 (đạt 267%/kế hoạch cả năm, trong đó đường nhựa 2,16 km, đường bê tông 75,48 km, cấp phối 42,25 km), thì nhân dân đóng góp 39.062 tỷ đồng (37%)/tổng giá trị làm đường GTNT 104,3 tỷ đồng. 
Bà Lê Thị Thanh Thủy, Phó phòng Tổng hợp (theo dõi XDCB) Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm: Tỷ trọng đầu tư từ vốn Nhà nước so với tổng đầu tư toàn xã hội đảm bảo đúng theo tinh thần Quyết định 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế là duy trì tỷ trọng đầu tư Nhà nước hợp lý (khoảng 35 - 40% tổng vốn đầu tư toàn xã hội). Để từng bước khắc phục dần tình trạng bố trí vốn dàn trải, từ năm 2012, thực hiện quy định tại Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc rà soát, lập danh mục phân bổ vốn hàng năm được tập trung hơn, chủ yếu bố trí trả nợ cho các dự án đã có quyết định phê duyệt quyết toán, các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn, các dự án dự kiến hoàn thành trong năm kế hoạch. Đối với các dự án chuyển tiếp đã thực hiện rà soát, điều chỉnh lại quy mô, lựa chọn điểm dừng kỹ thuật phù hợp với khả năng cân đối vốn, các dự án mới phải là các dự án thực sự cấp bách, bức xúc theo đề xuất thứ tự ưu tiên của các huyện, ngành. Các công trình khởi công mới chỉ được triển khai khi huy động vốn hợp pháp khác (ngoài ngân sách tỉnh) đủ tỷ lệ theo quy định Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các ngành, các cấp đã từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đổi mới tư duy về quản lý đầu tư theo các quy định mới ban hành của Trung ương. Việc ban hành chủ trương đầu tư được thẩm định chặt chẽ về nguồn vốn, chỉ ban hành chủ trương đầu tư khi xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách. Số lượng chủ trương đầu tư trong 3 năm (2012, 2013 và 2014) cũng giảm rất nhiều so với các năm trước, vì vậy đã từng bước giảm áp lực đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn. Việc khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng, phát triển các ngành, các sản phẩm có lợi thế, có tiềm năng cũng được Nghệ An quan tâm; nhiều dự án trên địa bàn TP. Vinh được chuyển đổi hoặc lựa chọn hình thức đầu tư BT, BOT, PPP... như dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh giai đoạn 2, dự án cầu Cửa Tiền II, đường Lê Mao kéo dài (thực hiện theo BT), đường Lý Thường Kiệt (thực hiện theo BT), cầu Bến Thủy II... Công tác giải phóng mặt bằng thi công các công trình trọng điểm, nhất là giải phóng mặt bằng Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A được triển khai quyết liệt; một số dự án lớn lâu nay ách tắc đã khởi động trở lại. Nghệ An khởi công thêm một số dự án lớn và nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng vượt tiến độ (cầu Dùng II, cầu vượt đường sắt Quốc lộ 46, cầu vượt đường sắt đoạn qua xã Nghi Kim, cầu Khe  Ang,...), đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng như Quốc lộ 1A, Bệnh viện Đa khoa 700 giường, nâng cấp đô thị Vinh (WB), cầu vượt, Di tích Truông Bồn... 
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện tái cơ cấu đầu tư công trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là nguồn vốn ngân sách cho đầu tư phát triển của tỉnh phần lớn lệ thuộc vào sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương, phần ngân sách địa phương chủ yếu từ nguồn thu cấp quyền sử dụng đất nên luôn bị động và không vững chắc. Nhiều công trình vẫn kéo dài dẫn đến hiệu quả đầu tư chưa cao. Việc chuyển đổi hình thức đầu tư gặp nhiều khó khăn do các dự án trên địa bàn tỉnh đều là những dự án có vị trí địa lý không thuận lợi, khó có khả năng thu hồi vốn sinh lợi từ dự án. Nhận thức của một số cán bộ còn bất cập, tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tư tưởng cục bộ của các ngành, các địa phương, nợ đọng xây dựng cơ bản của các cấp ngân sách còn cao, dự án kéo dài... 
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư công, theo ông Nguyễn Văn Độ - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, cần tập trung vào các giải pháp: 
Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt cho các ngành, các cấp để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đổi mới tư duy về quản lý đầu tư theo tinh thần Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là Luật Đầu tư công; phải quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Các cấp có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực chương trình đã phê duyệt; chỉ được Quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối ở từng cấp ngân sách. Các ngành, các cấp khi đề xuất chủ trương phải căn cứ khả năng nguồn vốn ngành mình, cấp mình quản lý và phải đảm bảo đúng quy trình, quy định theo Luật Đầu tư công.
Thứ hai, tăng cường các giải pháp huy động vốn cho đầu tư phát triển như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), làm tốt quy hoạch hạ tầng để tạo quỹ đất và làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, cung cấp dịch vụ hạ tầng, cung cấp lao động theo yêu cầu để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Nghệ An. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực cho các dự án đã và đang triển khai thực hiện trên địa bàn. Đồng thời giải quyết các dự án vướng mắc còn tồn đọng, rà soát kiểm tra các dự án chậm tiến độ để có giải pháp chấn chỉnh hoặc thu hồi để chuyển giao cho nhà đầu tư mới, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị liên quan để có biện pháp xử lý; đẩy mạnh chính sách xã hội hóa đầu tư phát triển trên các lĩnh vực giao thông nông thôn, kiên cố hoá kênh mương, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, khắc phục môi trường...; triển khai có hiệu quả các giải pháp tạo nguồn thu, tăng thu ngân sách, tiết kiệm chi, chống thất thoát trong đầu tư. 
Thứ ba, nâng cao chất lượng dự án quy hoạch gắn tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quy hoạch; các ngành, các cấp rà soát lại quy hoạch gắn tái cơ cấu nền kinh tế. 
Thứ tư, cần tăng cường kỷ cương trong đầu tư công, ngay từ  đầu tháng 1/2015 phải quán triệt thực hiện quy trình chủ trương đầu tư, quy trình thẩm định vốn theo quy định của Luật Đầu tư công. Xác định đối tượng, tiêu chí và thứ tự ưu tiên để làm cơ sở trong phê duyệt, bố trí vốn hay từ chối, cắt giảm các dự án. Kiên quyết khắc phục tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt quá khả năng cân đối.
Thứ năm, bố trí nguồn lực trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí đã duyệt và đúng đối tượng đã xác định; khắc phục tình trạng phân bổ nguồn lực dàn trải, sai đối tượng, cơ cấu nguồn vốn đã được xác định trong chủ trương đầu tư và quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền. Việc phân bổ nguồn vốn thực hiện theo nguồn đã xác định tại chủ trương đầu tư ban đầu được ưu tiên bố trí. Ngân sách tỉnh không bố trí phần vốn mà Ủy ban nhân dân cấp dưới, chủ đầu tư đã bố trí vốn cho dự án và cơ cấu nguồn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 
Thứ sáu, tổ chức xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 đảm bảo quy trình công khai, minh bạch và đúng quy định của Luật Đầu tư công đảm bảo chất lượng và tiến độ.
 Bài, ảnh: Châu Lan
Để thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư công, Chính phủ có các văn bản như: Chỉ thị 1792/CT - TTg ngày 15/10/2011 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ; Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 về các giải pháp khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản; Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 19/2/2013 phê duyệt đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Tại Nghệ An, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản triển khai thực hiện như: Chỉ thị số 25/CT-UBND ngày 25/10/2012 về các giải pháp khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản; Đề án nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ; Công văn số 6942/UBND-TM ngày 2/10/2013 về tăng cường thực hiện Chỉ thị về quản lý đầu tư và xây dựng; Công văn triển khai thực hiện Luật Đầu tư công (có hiệu lực ngày 1/1/2015).

Tin mới