Vin cớ khan hiếm, đổi tiền lẻ "hét" giá trên trời

Lấy cớ một số tiền lẻ mệnh giá nhỏ năm nay không được Nhà nước in mới, càng khan hiếm, dịch vụ đổi tiền lẻ chợ đen đau nhau “hét” giá tăng gấp đôi, gấp 3.
Đổi tiền lẻ chợ đen chặt chém khách
Vừa táp vào lề đường Đinh Lễ, chị Hà đã được vài phụ nữ chạy tới đon đả mời chào “Đổi tiền lẻ không em, tiền gì cũng có, giá cả rất phải chăng khi đổi nhiều nhé”. 
Ngỏ ý muốn đổi tiền mệnh giá 5.000 đồng để đi lễ và loại 20.000 đồng để mừng tuổi, chị Hà được một “cò” ra giá: Tiền lẻ mới 5.000 đồng “nguyên đai, nguyên kiện” có tỷ lệ 10 ăn 8. Còn mệnh giá 20.000 đồng thì rẻ hơn, tỉ lệ 10 ăn 9. 
Phí đổi tiền lẻ mệnh giá nhỏ tăng cao hơn năm ngoái. Ảnh minh họa
Phí đổi tiền lẻ mệnh giá nhỏ tăng cao hơn năm ngoái. Ảnh minh họa
TIN LIÊN QUAN
“Năm nay tiền lẻ mới gần như không có, Nhà nước có in mới đâu nên chỉ có “hàng tồn” từ các năm còn lại thôi. Em mà đi đổi không tinh ý thì có khi bị trà trộn tiền cũ vào trong chả biết ấy chứ. Nhưng với giá chị đưa ra thì yên tâm hàng “nguyên đai, nguyên kiện” - người phụ nữ tên B. phân trần. Tuy nhiên tỷ lệ chênh lệch có thể “mềm” hơn nếu người đổi có nhu cầu đổi nhiều, từ 3 triệu đồng trở lên.
Một phụ nữ tên Hằng kinh doanh dịch vụ đổi tiền online đã 5 năm cho biết, hiện mệnh giá quy đổi cũng khá cao, với mức phí chênh lệch người mua phải bỏ ra từ 10% - 30%, còn những loại tiền đã ngừng in mới như 100 đồng, 200 đồng, 500 đồng … giá trị của chúng đội lên tới gấp 2 hoặc 3 lần. Đặc biệt, do đã từ 2 năm nay loại tiền 200, 500 đồng đã không còn được Ngân hàng Nhà nước in mới, nên mức phí đổi 2 loại tiền này cao hơn nhiều so với các mệnh giá khác, lên tới 80%. Có nghĩa là bạn bỏ ra 100.000 đồng sẽ chỉ được lại 20.000 đồng tiền 500 đồng, còn 80.000 đồng là tiền phí. 
Mệnh giá càng lớn thì mức phí càng giảm, ví dụ như 10.000 đồng mức phí 10%, 100.000 đồng thì mức phí giảm xuống còn 6%. Nếu khách đổi với số lượng nhiều hoặc lấy buôn thì sẽ liên hệ trực tiếp để được giá tốt hơn.
Ngoài tiền Việt, nhiều người có nhu cầu “săn” tiền đô la mệnh giá nhỏ để mừng tuổi dịp Tết, vì thế vài năm trở lại đây các tờ tiền loại này trở thành “của hiếm”. Tờ tiền có mệnh giá 2 USD hiện được ưa chuộng nhất, bởi theo nhiều người số 2 là cặp số chẵn biểu hiện cho cặp đôi nên luôn mang lại may mắn, có người phù trợ bên cạnh. 
Nếu năm ngoái mức quy đổi mỗi tờ 2 USD chỉ từ 55.000 – 70.000 đồng, thì năm nay giá đã tăng lên gấp đôi, ba lần. Hiện, tỷ lệ quy đổi tờ 2 USD năm nay đã lên tới 140.000 – 150.000 đồng/tờ. Còn nếu muốn mua tờ 2 USD theo thiết kế cũ loại seri đẹp, seri tứ quý… mức giá dao động 180.00 – 200.000 đồng/tờ. 
 “Tờ 2 USD theo mẫu cũ giờ khan hiếm lắm, chỉ trừ khi khách hàng “đặt” thì chị mới tìm do giá cao chẳng muốn “ôm” nhiều. Càng sát Tết càng khó đổi, giá càng cao” – một người đổi tiền lẻ trên phố Đinh Lễ nói với khách.
Đổi tiền lẻ chợ đen có thể bị phạt tới 40 triệu đồng
Nhu cầu tiền mặt vào dịp Tết và năm mới thường tăng rất cao, ông Nguyễn Chí Thành – Cục trưởng Cục Phát hành Kho quỹ (NHNN) cho hay, nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân, NHNN đã xây dựng phương án và điều chuyển tiền mặt mệnh giá nhỏ đủ tiêu chuẩn lưu thông tới các chi nhánh NHNN tại một số tỉnh, thành phố lớn …. Phương án điều chuyển tiền sẽ hoàn thành trước ngày 30/1/2015. 
Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí cũng như hạn chế việc lạm dụng dùng tiền lẻ trong các lễ hội, đền chùa… năm 2015 cơ quan này sẽ không đưa tiền mới 5.000 đồng vào lưu thông.
Dù NHNN luôn khẳng định cung ứng đầy đủ lượng tiền đảm bảo chất lượng vào lưu thông dịp Tết, song hiện tượng khan hiếm tiền lẻ vẫn diễn ra. Không thể đổi tiền lẻ trong hệ thống ngân hàng, người dân đành ngậm ngùi tìm đến các dịch vụ đổi tiền ở thị trường “chợ đen”. Vì thế, dịch vụ đổi tiền lẻ với giá “cắt cổ” vẫn nhởn nhơ “sống khỏe”. 
Lý giải rõ hơn về chuyện tại sao dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn “mọc” ra như nấm, khách hàng muốn đổi bao nhiêu cũng có, tiền luôn đảm bảo “nguyên seri, nguyên bó”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, có thể số tiền này đã được những người kinh doanh dịch vụ trên “om hàng” lại từ lâu. “Tiền mệnh giá nhỏ có giữ lại vài chục bó trong tủ thì giá trị cũng không quá lớn, chỉ mất công bảo quản. Chứ tôi chắc rằng nếu là tiền mệnh giá 500.000 đồng thì chẳng ai dại gì để dành từ năm này qua năm khác mới tiêu. Cái này thì khó kiểm soát” – ông Tú nói.
Nhưng khác với mọi năm, năm nay Phó Thống đốc cho rằng cơ quan quản lý đã có chế tài là Nghị định 96 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, hành vi “buôn” tiền lẻ, “tuồn” tiền lẻ ra ngoài chợ đen có thể bị phạt tối đa tới 40 triệu đồng.
Theo Infonet

Tin mới