Điểm nhấn mới cho kinh tế miền Tây

(Baonghean) - Sau nhiều năm chuẩn bị kỹ lưỡng các bước nghiên cứu khả thi, quy hoạch vùng nguyên liệu, thiết kế nhà máy, bổ sung hoàn thiện các hạng mục đảm bảo môi trường, ngày mai (14/3), Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hoa Sơn sẽ chính thức được khởi công tại xã Hoa Sơn, huyện miền núi Anh Sơn. Sau khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tiêu thụ sắn cho người dân 4 huyện miền Tây Nam Nghệ An, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động...
Cách đây 7 năm, theo lời kêu gọi của tỉnh Nghệ An tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư đầu năm, một nhóm doanh nhân người Nghệ An đang làm ăn, sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh đã về quê hương tìm hiểu cơ hội đầu tư. Với những thành công bước đầu trong xây dựng hệ thống nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh, những nhà đầu tư người Nghệ An đã quyết định  lập dự án xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn. Địa điểm được lựa chọn là khu vực xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn, là một vùng miền núi đặc biệt khó của tỉnh. Đây là một hướng đi đúng đắn, bởi trên địa bàn các huyện miền núi Nghệ An cây sắn đã trở thành một trong những cây trồng chính, có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở nhiều địa phương, phục vụ nhu cầu lương thực, chăn nuôi và cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến trong và ngoài tỉnh.
Phối cảnh Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hoa Sơn
Phối cảnh Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hoa Sơn
Sau quá trình nghiên cứu khả thi, lập dự án, tổ chức các hội thảo khoa học, lắng nghe ý kiến phản biện của các chuyên gia, các cơ quan báo chí cũng như của người dân, tháng 7/2014, Dự án Nhà máy chế biến tinh bột sắn do Công ty TNHH chế biến nông sản Hoa Sơn làm chủ đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt. Tổng diện tích của khu vực xây dựng nhà máy khoảng 22,36 ha, tại vùng Khe Cạn, thôn 12, xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn. Dự án được quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu sắn với quy mô 3.550 ha trên địa bàn 42 xã, thuộc 4 huyện:  Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn. Giai đoạn 1, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hoa Sơn có công suất 150 tấn sản phẩm tinh bột sắn/ngày, tương đương khoảng 570 tấn sắn tươi/ngày. Giai đoạn 2, dự kiến công suất của nhà máy được nâng lên 300 tấn sản phẩm/ngày. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 700 - 800 tỷ đồng, trong đó xây dựng nhà máy chế biến khoảng 200 - 250 tỷ đồng.
Bà con xã Nga My (Tương Dương) thu hoạch sắn    	Ảnh: Hồ Phương
Bà con xã Nga My (Tương Dương) thu hoạch sắn -                Ảnh: Hồ Phương
Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hoa Sơn sử dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay, các thiết bị máy móc được nhập từ châu Âu với mục tiêu sản xuất sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất khép kín, tự động cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài, chống tạp chất, chống vi khuẩn xâm nhập, thì hệ thống xử lý nước thải được nhà máy đặc biệt chú trọng. Ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, nhà máy đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 2.400 m3/ngày - đêm, thu hồi khí biogas từ nước sản xuất và nước sinh hoạt. Đây là một hệ thống liên hoàn gồm các bể lắng, bể trung hòa, bể kị khí biogas, bể xử lý hiếu khí, hồ sinh học, bể lọc sinh học… Trong đó, hệ thống biogas sẽ được xây dựng các hạng mục công trình như bể Aerotank, bể lắng, hầm biogas với tổng thể tích khoảng 91.000 m3, riêng hầm biogas có thể tích 40.000 m3. Với quy trình xử lý môi trường khép kín, nước thải sản xuất của nhà máy sẽ đảm bảo tiêu chuẩn trước khi thải ra ngoài. Trong đó, khoảng 30% nước thải sản xuất sẽ được tái sử dụng cho nhà máy, 70% cho sản xuất nông nghiệp, phục vụ tưới tiêu cây trồng. Toàn bộ hệ thống xử lý nước thải sản xuất tập trung chiếm đến 1/3 giá trị xây nhà máy.
Phối cảnh nhà ở công nhân viên của nhà máy.
Phối cảnh nhà ở công nhân viên của nhà máy.
Với dây chuyền công nghệ hiện đại cùng hệ thống xử lý nước thải tiên tiến, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hoa Sơn được kỳ vọng là một trong những dự án có quy mô đưa lại hiệu quả cao xét trên các mặt. Dự kiến, sau khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ giải quyết việc làm trực tiếp và gián tiếp cho khoảng 3.500 – 4.000 lao động, nộp ngân sách nhà nước từ 25 - 30 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, người dân khu vực miền núi, nhất là nơi nhà máy đứng chân và vùng quy hoạch nguyên liệu của nhà máy, sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ dự án bởi đồng thời với quá trình xây dựng, nhà máy sẽ khởi động chương trình hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho người dân trồng sắn; nghiên cứu đưa vào những giống sắn mới, sản lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Nghệ An, đồng thời thực hiện kế hoạch ký cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Ông Nguyễn Viết Hùng, Tổng giám đốc Công ty chế biến nông sản Hoa Sơn khẳng định, việc dự án nhà máy tinh bột sắn ra đời ở khu vực đặc biệt khó khăn của vùng miền Tây Nghệ An sẽ từng bước làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng của người dân, cải thiện thu nhập và nâng cao mức sống cho người dân địa phương, từng bước đưa xã miền núi Hoa Sơn trở thành một khu vực sầm uất với những loại hình dịch vụ đồng hành cùng nhà máy. “Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hoa Sơn là kết quả của sự nỗ lực kêu gọi đầu tư của lãnh đạo tỉnh Nghệ An, cũng là tấm lòng của những người con xứ Nghệ xa quê hương với mong muốn đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ về vùng nông thôn, miền núi, nhất là khu vực miền Tây đặc biệt khó khăn. Khi đi vào hoạt động, chắc chắn, nhà máy sẽ tạo nên một điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của vùng miền Tây Nghệ An” - ông Nguyễn Viết Hùng khẳng định.
Nguyên Khoa

Tin mới