Để mọi người dân quê đều có cơ hội dùng nấm linh chi

(Baonghean) - Phóng viên Báo Nghệ An trò chuyện với ông Lê Văn Hạnh (ở xã Sơn Thành -Yên Thành) là người đầu tiên tự nhân giống và trồng thành công nấm linh chi ở Nghệ An.
- Chào ông Lê Văn Hạnh! Được biết ông đến với nghề trồng nấm “ta”  từ năm 2013 và năm 2014, ông  đã bán ra thị trường trên 35 tấn nấm sò, 45 tấn mộc nhĩ, hàng chục vạn bịch giống nấm “ta”, doanh thu trên 260 triệu đồng. Vậy xin ông cho biết thêm về việc “bén duyên” với nấm linh chi?
Ông Lê Văn Hạnh giới thiệu về cơ sở sản xuất nấm linh chi.
Ông Lê Văn Hạnh giới thiệu về cơ sở sản xuất nấm linh chi.
- Lâu nay xu hướng sử dụng nấm linh chi nhập khẩu từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản để phòng, chữa bệnh tăng mạnh, trong khi giá nấm linh chi nhập khẩu cao, người bán có lợi nhuận khá. Tôi nghĩ để tăng thêm giá trị kinh tế thì mình cũng có thể trồng nấm linh chi. Được con trai là kỹ sư công nghệ sinh học chuyên về sản xuất nấm hướng dẫn kỹ thuật, tôi đã tự mình nhân thành công giống nấm này. Trong năm 2014, tôi làm 6.000 bịch nấm linh chi để thử nghiệm, sau 4 tháng chăm sóc nấm linh chi đã cho thành công ngoài mong đợi. Tôi thu hoạch được  120 kg nấm linh chi phơi khô, bán giá 600.000 đồng/kg đã đạt doanh thu 72 triệu đồng, trừ chi phí tính ra lãi gấp 3 - 4 lần nấm ăn thông thường. Nấm linh chi được thị trường rất ưa chuộng, nghe tin trại tôi trồng được nấm linh chi có người ở Hà Tĩnh đã mua 20 kg. Thấy được hiệu quả, ở Yên Thành có một số hộ dân lâu nay sản xuất nấm thông thường cũng muốn làm nấm linh chi, tôi bán giống, hướng dẫn cách làm cho họ. Tôi mong muốn có nhiều trại nấm linh chi để tạo vùng sản phẩm,  dễ tiêu thụ sau này... 
- Cho đến nay, nấm linh chi vẫn được coi là loại nấm rất khó trồng ở Nghệ An; ông có thể cho biết bí quyết?
- Để trồng nấm linh chi thành công  quả là không hề đơn giản, người trồng phải hiểu rõ kỹ thuât, đặc tính của loài nấm này. Như trong quá trình phát triển, linh chi rất kỵ di chuyển nên người trồng phải ổn định phôi nấm từ khi cấy giống đến khi thu hoạch. Yêu cầu về vi sinh là rất cao, nếu giống không thích hợp, vật liệu bị nhiễm tạp hay khử trùng không đảm bảo thì rất dễ thất bại. Nấm linh chi phải trải qua các công đoạn ủ mùn cưa trên 10 ngày, 100% mùn cưa bằng cây cao su, có phối hợp vôi, phân DAP để sát khuẩn tăng cường khoáng chất cho bịch nấm. Chuyển bịch vào lò hấp tiệt trùng 18 giờ, lấy ra cấy meo rồi chuyển ra trại nuôi. Chất lượng của nấm linh chi phụ thuộc vào các yếu tố: giống, thời gian thu hái và quá trình xử lý sau thu hoạch, đưa ra thị trường tiêu thụ. Linh chi khi đủ tuổi trưởng thành sẽ tạo ra các bào tử nấm, là thành phần có tinh chất dược liệu rất quý, tăng sức khỏe, chống ung thư…Tuy nhiên, nếu trong quá trình phơi, sấy nấm sau khi hái, người sản xuất không đảm bảo quy trình, chất lượng nấm sẽ giảm rất nhiều. 
- Liệu kế hoạch xây dựng thương hiệu “thần dược” nấm linh chi Yên Thành của ông có thành công như ông đang tin tưởng hướng tới?
- Chắc chắn sẽ thành công vì hiện nay, một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản… rất chú trọng việc nghiên cứu và ứng dụng các loại nấm dược liệu và tạo ra nhiều sản phẩm từ nấm để bán ra thị trường rộng khắp thế giới. Tuy nhiên, giá linh chi nhập ngoại đắt đỏ lại không rõ nguồn gốc, nên nấm linh chi hàng Việt Nam chất lượng cao, giá rẻ thì người dân quê cũng có cơ hội sử dụng. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của tôi được đầu tư công nghệ tiên tiến, đảm bảo trồng nấm linh chi đạt chất lượng. Trong vụ nấm mới này tôi sẽ tăng thêm quy mô làm nấm từ 6.000 bịch sinh khối nấm linh chi lên trên 20.000 bịch, cộng với sản xuất mộc nhĩ và nấm sò, ước doanh thu có thể đạt 600 - 700 triệu đồng/năm, tạo điều kiện về vốn để đầu tư cho mục tiêu sản xuất sản phẩm nấm linh chi chất lượng cao. 
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Vương Trần (Thực hiện)

Tin mới