Giải pháp "mở đường" đưa thành phố Vinh phát triển

(Baonghean) - Mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ tới (2015 -2020) của đảng bộ Thành phố Vinh đã được nêu trong Báo cáo chính trị: “Nâng cao năng lực lãnh đạo của đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng Thành phố Vinh phát triển nhanh, bền vững, hiện đại, văn minh, sớm trở thành trung tâm của vùng Bắc Trung bộ trên 10 lĩnh vực: tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo”.

TIN LIÊN QUAN
Mục tiêu tổng quát đó được cụ thể hóa trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) của Thành phố Vinh với 5 nhiệm vụ trọng tâm, 48 chỉ tiêu cụ thể và 7 giải pháp chủ yếu. Từ 7 giải pháp chủ yếu đó phải tập trung những giải pháp đột phá nhằm đưa kinh tế - xã hội của Thành phố Vinh phát triển với tốc độ nhanh.
Sản xuất tôn tại Khu công nghiệp Nghi Phú (TP. Vinh). 	Ảnh: S.M
Sản xuất tôn tại Khu công nghiệp Nghi Phú (TP. Vinh). Ảnh: S.M
Giải pháp đột phá có tính mở đường là huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố Vinh có nhiều ưu thế để thu hút tạo ra nguồn lực; có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, nhất là thương mại và dịch vụ. Đặc biệt, Thành phố Vinh có nguồn nhân lực dồi dào, là nơi tập trung các doanh nghiệp lớn, các trường đại học, trung tâm đào tạo, cơ quan nghiên cứu của tỉnh, của Trung ương và khu vực. Đội ngũ kỹ sư, chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật hoạt động trên địa bàn Thành phố Vinh thuộc nhiều lĩnh vực, khai thác tiềm năng của đội ngũ này sẽ tạo nguồn lực rất lớn cho thành phố phát triển. 
Việc khai thác, sử dụng nguồn lực phải trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế của thành phố theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với quá trình đô thị hóa. Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đã xác định phải xây dựng Thành phố Vinh thành trung tâm của vùng Bắc Trung bộ về 10 lĩnh vực, cùng với Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh. Muốn đạt mục tiêu đó phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế của thành phố đến năm 2020 phải đạt các chỉ tiêu: nhịp độ tăng trưởng 12,5 - 13,5%, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng 33%, dịch vụ 66%, nông nghiệp chỉ còn 1%. Trong những năm tiếp theo phải tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế để Thành phố Vinh trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ của khu vực. Phải tái cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại thì thu hút và sử dụng nguồn lực mới đạt hiệu quả cao.
Để khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cần có các cơ chế, chính sách đồng bộ, trong đó quan trọng nhất là cơ chế, chính sách xã hội hóa. Trong những năm qua, thành phố đã có những cơ chế, chính sách huy động nguồn lực trong dân rất hiệu quả như chính sách huy động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới. Yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực phải hướng tới phát triển kinh tế là trọng tâm. Cần có cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực với phạm vi rộng hơn, không chỉ trong phạm vi thành phố mà cần huy động nguồn lực của các ngành, các địa phương trong tỉnh, trong cả nước và khu vực. Cần có cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút nguồn nhân lực dồi dào của thành phố đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực khoa học - công nghệ. 
Một giải pháp đột phá quan trọng khác là tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, phát huy lợi thế đô thị trung tâm trong hợp tác liên kết vùng. Đặc biệt phải liên kết chặt chẽ với các tỉnh có kinh nghiệm thu hút đầu tư như Bình Dương và một số tỉnh khác. Phải liên kết với các thành phố đô thị loại I để vừa học tập kinh nghiệm vừa hợp tác khai thác nguồn lực. Liên kết vùng nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi đô thị trong vùng Bắc Trung bộ cùng hợp tác phát triển. Phải làm tốt công tác đối ngoại và quảng bá thông tin nhằm thu hút đầu tư nước ngoài để tạo nguồn lực phát triển thành phố. Thu hút nguồn lực phát triển Thành phố Vinh không chỉ trong phạm vi thành phố hiện nay mà trong phạm vi thành phố được mở rộng theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 
Việc khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực liên quan đến vấn đề quan trọng là nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của bộ máy hành chính. Bởi vậy, cải cách hành chính là một trong những giải pháp đột phá để thành phố phát triển tương xứng với tiềm năng. Thực hiện Nghị quyết số 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa XXII) về “Tăng cường công tác cải cách hành chính trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015”, công tác cải cách hành chính đã đạt những kết quả quan trọng nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết. Sắp tới thành phố phải triển khai có hiệu quả chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực chuyên môn và đạo đức công vụ, phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi nhiệm vụ. Thực hiện việc áp dụng bộ chỉ số theo dõi, đánh giá cải cách hành chính tại UBND thành phố và các phường, xã. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, nhất là trong thực hiện các quy  trình, thủ tục hành chính công.  
Thành phố Vinh lên đô thị loại I đã tạo điều kiện thuận lợi cơ bản để phát triển trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung bộ. Nhưng về mặt hành chính, Thành phố Vinh vẫn là đơn vị cấp huyện. Thực tế đó đã làm nảy sinh mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển thành phố ngang tầm đô thị loại I với sự ràng buộc của những cơ chế, chính sách đối với đơn vị hành chính cấp huyện. Từ đó có hai loại cơ chế, chính sách đặc thù đã được đề xuất: cơ chế, chính sách trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và cơ chế, chính sách do UBND tỉnh ban hành. Cho đến nay, các cơ chế, chính sách trình Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa được quyết định bởi phải chờ các bộ, ngành Trung ương xây dựng cơ chế, chính sách chung cho các đô thị loại I. Phải chờ Luật Chính quyền địa phương được ban hành thì mới có cơ sở pháp lý để giải quyết vấn đề này.
Về chính sách địa phương, UBND tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách về quản lý quy hoạch, xây dựng, đầu tư và quản lý tài chính - ngân sách tạo điều kiện cho Thành phố Vinh phát triển. Tuy nhiên, cho đến nay, những vướng mắc về cơ chế, chính sách vẫn chưa được giải quyết một cách cơ bản. Để Thành phố Vinh phát triển nhanh, sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của khu vực Bắc Trung bộ, cần tiếp tục đề nghị với tỉnh và Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho đô thị loại I. Điều quan trọng nhất là tạo cơ chế tự chủ cho thành phố, bảo đảm tính chủ động trong điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 52/QĐ-TTg ngày 14/1/2015 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Đó là cơ sở rất thuận lợi để Thành phố Vinh phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn. Từ quy hoạch chung trên đây có nhiều quy hoạch cần được lập và điều chỉnh như: quy hoạch phân khu theo 5 vùng chức năng, quy hoạch chi tiết 25 phường, xã tỷ lệ 1/500, quy hoạch phát triển không gian đô thị Vinh, quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình giao thông, công viên cây xanh… Quản lý tốt các quy hoạch là một giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm cho Thành phố Vinh phát triển nhanh và bền vững. 
NGUYỄN XUÂN SINH
(Chủ tịch UBND Thành phố Vinh)

Tin mới