Nghệ An: Mỗi năm đào tạo nghề cho 8.000 - 9.000 người

(Baonghean.vn) - Ngày 8/10, UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc để nghe và đóng góp ý kiến cho Đề án đào tạo nghề cho người lao động gắn với giải quyết việc làm và phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020, có tính đến 2025. Đồng chí Hoàng Viết Đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Hiện nay toàn tỉnh có 133 làng nghề, với cơ cấu ngành nghề đa dạng, các sản phẩm của làng nghề không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa mà còn xuất khẩu như đồ gỗ mỹ nghệ, mây tre đan, dệt thổ cẩm. Các làng nghề giải quyết việc làm cho 19.461 lao động với thu nhập bình quân 35,5 triệu đồng/năm.

Giai đoạn 2009 - 2015, công tác đào tạo nghề gồm 12 nhóm ngành, nghề như mây tre đan, dệt thổ cẩm, nghề mộc dân dụng và mỹ nghệ, nghề móc sợi xuất khẩu, nghề chế biến nông lâm thủy sản... Có 58.180 người được đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp. Bình quân mỗi năm đào tạo trên 8.312 người/năm, trong đó trình độ trung cấp nghề 1.347 người, trình độ sơ cấp nghề 56.833 người. Có 50.797/58.180 người được đào tạo có việc làm sau học nghề. Công tác đào tạo nghề góp phần hình thành thêm nhiều mô hình liên kết hợp tác trong sản xuất kinh doanh, hình thành nhiều doanh nghiệp, HTX làm "bà đỡ" cho các làng nghề.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh đóng góp ý kiến cho Đề án
Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh đóng góp ý kiến cho Đề án
Bà Nguyễn Thị Minh Tú, Chánh văn phòng Sở Khoa học công nghệ góp ý bổ sung vào đề án
Bà Nguyễn Thị Minh Tú, Chánh văn phòng Sở Khoa học công nghệ góp ý bổ sung vào đề án

Kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 đào tạo, truyền nghề lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, làng nghề từ 40.000- 45.000 người. Bình quân mỗi năm đào tạo từ 8.000 - 9.000 người; xây dựng thêm 50 làng nghề,...

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Hoàng Viết Đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý bổ sung thêm vào đề án các nội dung: số làng nghề có hiệu quả và chưa hiệu quả, thực trạng làng nghề hiện nay; số sinh viên ra trường chưa có việc làm khoảng 20.000 người (cả nước 172.000 người); tuyên truyền, định hướng cho các em học sinh học nghề.

Đồng chí Hoàng Viết Đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tổng hợp các nội dung bổ sung vào đề án buổi làm việc
Đồng chí Hoàng Viết Đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tổng hợp các nội dung bổ sung vào đề án.

Mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp đào tạo nghề cho người lao động giai đoạn 2016 - 2020 cần hướng đến đào tạo nghề để cung cấp lao động có trình độ tay nghề cho các khu kinh tế, cụm công nghiệp, làng nghề. Đào tạo thêm kỹ năng dịch vụ thương mại. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp có điều kiện đào tạo nghề cho người lao động hàng năm cần bổ sung thêm. Đề nghị có biểu phụ lục chi tiết đào tạo, lộ trình từng năm và biểu phụ lục làng nghề và làng có nghề ở các huyện trong tỉnh. Đồng thời tăng cường vai trò chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở để nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động. Quan tâm giải quyết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các làng nghề. Liên minh HTX tỉnh chủ trì thực hiện đề án, và phối hợp với các sở ngành liên quan căn cứ nhiệm vụ để rà soát các nội dung để xây dựng và hoàn thiện đề án.

Cũng trong sáng nay, các thành viên dự họp đã nghe và cho ý kiến về Dự thảo Quy định về công nhận danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi và chính sách đối với nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp - làng nghề tỉnh Nghệ An.

Quỳnh Lan

TIN LIÊN QUAN

Tin mới