Những mũi nhọn đột phá của ngành Công thương

(Baonghean) - Đồng chí Nguyễn Huy Cương, Phó Giám đốc Sở Công Thương trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An

P.V: Xin đồng chí cho biết những kết quả đạt được của ngành Công Thương trong 2 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị?

Đồng chí Nguyễn Huy Cương: Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 8/10/2013 của Tỉnh ủy..., Sở Công Thương đã tham mưu xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành các đề án “Thu hút đầu tư thuộc lĩnh vực công thương đến năm 2020”;  “Xây dựng cơ sở hạ tầng trọng yếu thuộc lĩnh vực cấp điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020”; “Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn đến năm 2020”...
Cùng với việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành Công Thương trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến 2020; Rà soát, đánh giá hiện trạng các cụm công nghiệp và tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1172/QĐ-UBND.ĐT ngày 28/3/2014 về việc phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch cụm công nghiệp đến năm 2020; Thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực và phát triển thủy điện nhỏ tỉnh Nghệ An; Quy hoạch phát triển thương mại đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn... Ngành thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư, các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại vào Nghệ An.
Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Tôn Hoa Sen Nghệ An (KCN Nam Cấm).
Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Tôn Hoa Sen Nghệ An ở KCN Nam Cấm.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 9 dự án thủy điện đã vận hành phát điện với tổng công suất phát điện 688,5 MW (Bản Vẽ, Bản Cốc, Sao Va, Nậm Mô, Khe Bố, Hủa Na, Nậm Pông, Bản Cánh, Nậm Nơn), Dự án Thủy điện Nậm Cắn 2 công suất 20MW đã hoàn thành thi công, đang trong giai đoạn tiến hành các thủ tục nghiệm thu. Tập trung chỉ đạo 6 dự án đang xây dựng với tổng công suất 106,4 MW và 6 dự án đã khởi công xây dựng với tổng công suất 90 MW.
Cùng với đó, ngành đã quy hoạch, ưu tiên đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện phân phối, góp phần nâng cao độ ổn định, cung cấp điện năng, giảm tổn thất và với việc đầu tư xây dựng lưới điện phân phối  đáp ứng được nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngành cũng đóng góp vai trò trong việc thu hút các dự án đầu tư lớn về Nghệ An như: Tổ hợp Khu công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP; Nhà máy tôn Hoa Sen Nghệ An tại KCN Nam Cấm và Đông Hồi; Nhà máy xi măng Sông Lam, Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1… 
Tập trung phát triển các lĩnh vực  công nghiệp mía đường, chè, sữa.... nên sản lượng hàng năm đều tăng cao và xây dựng được những sản phẩm chủ lực của tỉnh, khẳng định được thương hiệu uy  tín trên thị trường. Để phát triển kinh tế miền Tây, ngành Công Thương tập trung chỉ đạo  phát triển các cụm công nghiệp (CCN). Đến nay, trên địa bàn miền Tây có nhiều CCN  đã lấp đầy diện tích (CCN Châu Quang, CCN Thung  Khuộc - Quỳ Hợp, CCN Thị trấn Anh Sơn...).
Có 2 CCN đang thực hiện đầu tư hạ tầng, có doanh nghiệp hoạt động là CCN Nghĩa Mỹ (TX. Thái Hòa) và CCN Nghĩa Long (Nghĩa Đàn), cùng  nhiều CCN đang đầu tư hạ tầng và một số CCN đang lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết. Các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút 180 dự án đầu tư chủ yếu gồm chế biến khoáng sản, lâm sản, may dệt kim, gia công cơ khí, tái chế kim loại, tái chế và sản xuất sản phẩm nhựa, sản xuất bao bì. Giá trị sản xuất của các doanh nghiệp cụm công nghiệp đạt xấp xỉ 1.480 tỷ đồng. Ngành Công Thương chú trọng quy hoạch, đầu tư  hạ tầng thương mại, nhất là phát triển chợ nông thôn. Hiện nay, sở đang phối hợp với các ngành khảo sát, lập kế hoạch đầu tư xây dựng một số chợ cửa khẩu, chợ biên giới.
P.V: Để thực hiện tốt Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong thời gian tới ngành Công Thương có những giải pháp gì?
Đồng chí Nguyễn Huy Cương: Ngành Công Thương tập trung mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững các mũi đột phá, sản phẩm trọng điểm, đồng thời phát triển một số ngành, sản phẩm công nghiệp mũi nhọn có lợi thế cạnh tranh về nguyên liệu tại chỗ như sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy, hải sản; chế biến khoáng sản.
Tranh thủ cơ hội thu hút đầu tư để phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, phát triển một số ngành công nghiệp động lực như: nhiệt điện, xi măng, luyện thép, cơ khí hóa chất, cảng biển, gắn với Khu công nghiệp Đông Hồi. Đồng thời quan tâm chú trọng ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao như cơ khí chế tạo, sản xuất thiết bị điện, điện tử tin học, thiết bị công nghệ cao, dược phẩm, chế biến nông, lâm, thủy sản... Tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên và lựa chọn phát triển một số doanh nghiệp lớn ở các ngành có tiềm năng, lợi thế về cơ khí, điện tử; chế biến nông, lâm sản; sản xuất điện năng... 
Thi công Dự án Nhà máy xi măng Sông Lam tại Đô Lương.
Thi công Dự án Nhà máy xi măng Sông Lam tại Đô Lương.
Về thương mại, ngành tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 8/10/2013 của Tỉnh ủy trong lĩnh vực thương mại gắn với việc thực hiện Quyết định số 2355/QĐ-TTg ngày 4/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển KT-XH miền Tây Nghệ An;  Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về các chương trình, đề án phát triển thương mại. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực thương mại. Tăng cường thu hút các nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại biên giới, khu thương mại Cửa khẩu Thanh Thủy... Tiếp tục triển khai tìm kiếm đối tác đầu tư xây dựng
Trung tâm hội chợ triển lãm quy mô cấp vùng tại Thành phố Vinh.
Phát triển mạnh  thị trường mới cho các sản phẩm có sức cạnh tranh lớn, đẩy mạnh xuất khẩu tiêu thụ trực tiếp  sang  EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và các nước ASEAN… Tăng cường công tác quản lý thị trường, rà soát, bổ sung quy hoạch, chính sách, các chương trình, dự án phát triển công nghiệp, thương mại. Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển. Cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư về các cơ chế, chính sách trên địa bàn, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư lĩnh vực công thương. Tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn vốn trong và ngoài tỉnh cho đầu tư phát triển. Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nhất là đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Nhà máy thủy điện Hủa Na
Nhà máy thủy điện Hủa Na.                           Ảnh minh họa.
Trong lĩnh vực công nghiệp, ngành tích cực đẩy mạnh sản xuất, góp phần đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, cung cấp nguyên, phụ liệu cho các nhà máy dệt may. Từng bước đầu tư đổi mới công nghệ, làm chủ các công nghệ nhập ngoại, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh các dự án thủy điện; đảm bảo ổn định lưới điện phục vụ cho sản xuất và đời sống; tăng cường hoạt động công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp. Củng cố và phát triển hệ thống phân phối nhằm mở rộng và tăng thị phần cho các sản phẩm công nghiệp. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác dự báo, phân tích tình hình thị trường.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Hoàng Vĩnh 
TIN LIÊN QUAN

Tin mới