Chuyển đổi cơ cấu cây trồng chống hạn trong vụ xuân 2016

(Baonghean)- Sản xuất vụ xuân 2016 được dự báo thời tiết khô hạn thiếu nước tưới, trước tình hình này nhiều địa phương trong tỉnh đã chủ động chuyển đổi những diện tích không chủ động nước tưới sang trồng cây màu khác đảm bảo chống chịu hạn tốt hơn.

Theo đăng ký của các huyện báo về Sở Nông nghiệp & PTNT và cân đối nguồn nước của Chi cục Thủy lợi Nghệ An, sản xuất vụ xuân 2016 toàn tỉnh có khoảng 5.000 - 6.000 ha phải chuyển đổi sang cây trồng khác do không đủ nước tưới để gieo cấy. Hiện, các địa phương trong tỉnh đã có kế hoạch chuyển sang trồng các cây trồng cạn như ngô, đậu các loại, mía...

Kế hoạch sản xuất vụ xuân 2016 huyện Đô Lương gieo cấy 7.800 ha lúa, trong đó hơn 700 ha thiếu nước tưới phải chuyển đổi sang trồng ngô, những diện tích này tập trung ở các xã nguy cơ hạn cao như Mỹ Sơn, Đại Sơn, Hiến Sơn, Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, Bài Sơn...

Đối với diện tích chuyển sang trồng ngô tránh hạn được huyện hỗ trợ 30% giá giống. Ngoài ra, một số xã có điều kiện cũng hỗ trợ thêm 70% giá giống cho bà con nhằm khuyến khích người dân tích cực chuyển đổi những diện tích không chủ động nước tưới sang trồng ngô.

Người dân xã Giang Sơn Đông (Đô Lương) cày lật đất chuẩn bị gieo cấy vụ xuân 2016
Người dân xã Giang Sơn Đông (Đô Lương) cày lật đất chuẩn bị gieo cấy vụ xuân 2016

 Ông Trần Doãn Hùng, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Đô Lương cho biết: Đến thời điểm hiện nay lượng mưa bình quân trên địa bàn mới đạt 1.500/2.100mm bình quân lượng mưa hàng năm. Trước tình hình khó khăn về nguồn nước, huyện Đô Lương đã đề ra giải pháp chống hạn ngay từ đầu vụ. Trước đây tập quán của bà con thường cày ải đất, năm nay huyện chỉ đạo bà con đắp bờ giữ nước và cày dầm nhằm tiết kiệm nước ngay từ bây giờ. Hiện nay bà con nông dân đang tập trung cày lật đất được 60% diện tích, đồng thời tập trung làm thủy lợi để chuẩn bị gieo cấy. Huyện tiếp tục huy động các nguồn vốn để thi công các công trình thủy lợi góp phần tăng cường phục vụ nước tưới cho vụ xuân. Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đang tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn nhằm đảm bảo chất lượng nguồn hàng cung ứng cho vụ xuân.

 Tại huyện Quỳ Hợp, tổng diện tích sản xuất vụ xuân 2016 gồm 2.600 ha, trong đó khoảng 360 ha phải chuyển đổi từ lúa sang trồng ngô do thiếu nước tưới. Do lượng mưa năm nay ít nên trữ lượng nước của các hồ đập trên địa bàn thấp, có những hồ chỉ còn 40- 50% trữ lượng nước. Ông Hoàng Văn Thái, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Quỳ Hợp cho biết: "Trước tình hình khó khăn về nước tưới cho vụ xuân, huyện đã có kế hoạch triển khai cho các xã rà soát tất cả diện tích trước đây cấy cưỡng chuyển sang trồng ngô. Một số xã nguy cơ hạn nặng như Châu Cường, Châu Quang, Châu Đình, Yên Hợp, Châu Thái... đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho những diện tích thiếu nước tưới. Hiện tại các xã đang nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; các hồ đập trong thời kỳ chưa sản xuất đang tập trung khắc phục các điểm rò rỉ nhằm tiết kiệm tối đa nguồn nước."

Ngô là cây trồng chủ lực trong cơ cấu giống chuyển đổi của nhiều địa phương
Ngô là cây trồng chủ lực trong cơ cấu giống chuyển đổi của nhiều địa phương

Châu Cường là xã có diện tích sản xuất manh mún, ruộng bậc thang, nguồn nước phục vụ sản xuất chủ yếu khai thác từ nguồn nước tự nhiên từ các khe suối. Ngoài ra, trên địa bàn có hai đập Đồng Huống và Huổi Xồm nhưng hiện nay mực nước của hai đập này chỉ đạt 40%. Dự báo Châu Cường là một trong những xã có nguy cơ hạn nặng. Với 112 ha chuyên trồng lúa nước 2 vụ trong năm, để ứng phó với tình hình thiếu nước tưới trong vụ xuân 2016 nhằm đảm bảo thu hoạch trên đơn vị diện tích, xã Châu Cường chủ động chuyển đổi từ 30-40 ha đất cấy cao cưỡng ở 11 xóm bản sang trồng ngô. Hiện nay bà con đang chuẩn bị vệ sinh đồng ruộng, làm đất để đến ngày 5/1/2016 nhân dân xã Châu Cường xuống đồng gieo cấy đồng loạt.

 Ông Lưu Xuân Điểm, Chủ tịch UBND xã Châu Cường chia sẻ: "Để đảm bảo cho bà con yên tâm sản xuất, xã đã ký hợp đồng với Công ty khử trùng Việt Nam, Công ty Sydenta và Công ty TH tiêu thụ ngô. Các công ty này cung ứng giống, phân bón, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con trên địa bàn. Đồng thời xã cam kết với người dân đảm bảo hiệu quả trên đơn vị canh tác, và đảm bảo đầu vào, đầu ra cho nông dân."

 Cũng trong điều kiện khó khăn về nguồn nước, huyện Nghi Lộc đã có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích đất lúa cao cưỡng. Hiện tại hệ thống hồ đập trên địa bàn đều có trữ lượng nước thấp, mực nước chỉ đáp ứng được 30 - 40% dung tích thiết kế. Theo ông Đồng Thanh Bình, Phó phòng nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết: "Vụ xuân 2016 huyện Nghi Lộc gieo cấy 6.500 ha lúa nước và 1.000 ha lúa trên đất cao cưỡng không chủ động nước tưới phải chuyển sang trồng ngô, lạc. Những diện tích bị hạn nặng tập trung ở các xã như Nghi Văn hơn 200 ha, Nghi Công Nam hơn 100 ha, Nghi Lâm 50 ha, Nghi Hưng 100 ha...; Để giúp bà con ổn định sản xuất, đối với những diện tích không chủ động nước tưới chuyển sang trồng ngô được huyện hỗ trợ 30.000 đồng/kg giống. Ngành nông nghiệp huyện cũng khuyến khích nông dân trồng luân canh, xen canh các loại cây trồng có giá trị cao, thuận lợi về đầu ra."

 Để  ứng phó với hạn hán và thiếu nước tưới trong vụ xuân 2016, các địa phương trong tỉnh đã chủ động rà soát những diện tích không đảm bảo nước tưới và căn cứ tình hình cụ thể của mỗi xã để cơ cấu giống phù hợp. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tránh hạn vụ xuân là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện hạn hán hiện nay nhằm hạn chế thiệt hại, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng thu hoạch của vụ xuân và đảm bảo được tổng sản lượng lương thực của mỗi huyện cũng như cả tỉnh theo kế hoạch đề ra.

                                                                                                   Quỳnh Lan

TIN LIÊN QUAN

Tin mới