Nuôi lợn "sạch", gà "sạch" nhờ VietGAP

(Baonghean.vn) - Về Nam Thanh, Nam Đàn, có thể dễ dàng mua gà “sạch”, lợn “sạch” từ những trang trại chăn nuôi tập trung theo hướng VietGAP.

Từ năm 2013 đến nay, đàn gà có quy mô luôn lên tới gần 3.000 con gà cỏ của  gia đình ông Nguyễn Danh Chín, xóm 7A xã Nam Thanh, Nam Đàn đã được nuôi theo phương thức chăn nuôi VietGAP.

Ông Chín chia sẻ: Tham gia vào chương trình, gia đình tôi không chỉ được cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn về cách nuôi, các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho gà, mà còn được tham gia học hỏi kinh nghiệm ở những vùng nuôi khác, được nắm bắt thông tin dự báo về tình hình và nhu cầu thị trường để từ đó điều chỉnh số lượng đàn và thời gian nuôi phù hợp.

Trang trại chăn nuôi
Trang trại chăn nuôi gà theo phương thức VietGAP của gia đình ông Nguyễn Danh Chín, xóm 7A xã Nam Thanh

Cách đó không xa là trang trai chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Trần Văn Nam, xóm 2A. Với trên 150 con lợn, gần 10 con bò và gần 2.000 con gà, ông Nam tham gia chương trình chăn nuôi VietGAP ngay từ khi chương trình bắt đầu “vào” Nam Thanh.  Nhờ nghiêm túc chấp hành các quy trình nuôi nghiêm ngặt, sản phẩm của gia đình ông những năm gần đây đã tạo dựng được uy tín trong người tiêu dùng.

Ông Nam cho biết: Tư thương từ các huyện và TP Vinh “quen hàng” lên lấy tận trại chứ hầu như không phải đưa đi bán. Ngoài việc mua nguồn thức ăn tận gốc tại các nhà máy trên địa bàn tỉnh, giúp sản phẩm chăn nuôi của gia đình không những sạch mà còn giảm được giá thành, hiệu quả thu được cao hơn, tôi còn làm đại lý bán thức ăn cho bà con trong xã.

Với trên 150 con lợn, gần 10 con bò và gần 2.000 con gà,  ông Trần Văn Nam, xóm 2A tham gia nuôi Vietgap từ đầu năm 2013
Với trên 150 con lợn, gần 10 con bò và gần 2.000 con gà, ông Trần Văn Nam, xóm 2A tham gia nuôi VietGAP từ đầu năm 2013.

Ông Nguyễn Tử Nam, tổ trưởng tổ chăn nuôi VietGAP, xã Nam Thanh cho biết: Với 60 hộ tham gia, tổ GAP xã Nam Thanh chia làm 3 nhóm, trong đó có hai hộ nuôi gà quy mô 3.000 - 5.000 con/hộ, còn lại là nuôi lợn với quy mô 60 - 200 con lợn/hộ. Với việc tham gia mô hình này, lượng sản phẩm chăn nuôi làm ra khá lớn và tập trung, việc phòng chống dịch bệnh khá đảm bảo, sản phẩm đảm bảo vệ sinh ATTP.

Tuy nhiên, các hộ dân tham gia mô hình GAP ở Nam Thanh vẫn còn băn khoăn về vấn đề tiêu thụ. Bà con chủ yếu đang tự bán qua hệ thống tư thương hoặc đem ra chợ bán, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường chứ chưa có đầu mối tiêu thụ ổn định.

“Chúng tôi đang tổ chức liên kết các hộ dân lại, hỗ trợ nhau vừa mua thức ăn tận gốc, vừa bán sản phẩm tận ngọn để không chỉ giảm được giá thành sản phẩm, mà còn có thể có nguồn tiêu thụ ổn định, không chịu sự ép giá, mua rẻ của tư thương” - ông Nam cho biết.

                                                                                                Phú Hương

TIN LIÊN QUAN

Tin mới