Xuất khẩu dệt may vào Mỹ có nhiều thay đổi

Năm 2016, thị trường xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ sẽ có nhiều thay đổi. Điều này xuất phát từ việc có sự thay đổi trong thị hiếu tiêu dùng của người Mỹ, là không còn thói quen mua trữ hàng hoặc mua trước dài ngày, họ chỉ mua hàng khi thời điểm giao mùa cận kề. Xu hướng tiêu dùng mới này đòi hỏi doanh nghiệp (DN) Việt phải rút ngắn thời gian nhận hợp đồng và giao hàng nếu muốn giữ chân khách hàng Mỹ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2015 khoảng trên 27 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của ngành may chiếm 85% cơ cấu doanh thu. Tuy nhiên, 30% DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 70% doanh số, còn 70% DN Việt Nam chỉ chiếm 30% (trên dưới 8 tỷ USD). Trong đó, 85% DN Việt Nam vẫn thực hiện theo phương thức gia công nên kim ngạch thực nhận chỉ trên dưới 2 tỷ USD; bởi giá gia công chỉ chiếm khoảng 25% giá thành sản phẩm. Hay nói cách khác, hơn 6 tỷ USD đã rơi vào túi các công ty nước ngoài giao hàng gia công. Mặt khác, dựa trên chi phí đầu vào hiện nay, các DN gia công lãi bình quân 2%/doanh thu. Do đó, nộp ngân sách chỉ khoảng trên dưới gần 200 tỷ đồng. Điều này cho thấy, mặc dù kim ngạch ngành may năm 2015 cao, nhưng lợi nhuận thực tế thu được rất thấp.

Mức thực thu này sẽ có nguy cơ giảm trong thời gian tới khi xu hướng thay đổi thị hiếu tiêu dùng ngắn ngày đang chi phối thị trường xuất khẩu hàng dệt may. Ông Chris Griffin, Chủ tịch Sourcing at Magic (đơn vị chuyên tổ chức hội chợ và nghiên cứu thị trường của Mỹ), nhấn mạnh khác với trước đây, người tiêu dùng Mỹ thường có thói quen mua đồ trước để chờ đến mùa, thì hiện nay họ đã thay đổi bằng cách cận mùa mới mua để hợp với thời trang và thích hợp với thời tiết hơn. Theo đó, các nhà phân phối hàng cũng sẽ rút ngắn thời gian đặt đơn hàng từ 120 ngày xuống còn 30 - 60 ngày. Những đơn hàng có số lượng lớn sẽ giảm, ngược lại đơn hàng có số lượng nhỏ nhưng đa dạng về mẫu mã lại tăng. Nếu chỉ dựa theo hình thức sản xuất gia công đơn thuần như hiện nay, DN Việt nếu không chuyển đổi kịp thời e rằng sẽ khó đáp ứng yêu cầu của những dạng đơn hàng kiểu mới này. Chưa kể, DN Việt Nam còn phải thay đổi để thích ứng với những tiêu chuẩn liên quan đến trách nhiệm môi trường, an toàn lao động đang được chính quyền Mỹ siết chặt nhằm tăng rào cản kỹ thuật, hạn chế sản phẩm nhập khẩu đến từ những nước khác. 

Về phía Chính phủ, chỉ đạo cơ quan hữu quan thống kê, phân tích cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, từ đó tổng hợp, dự báo nhu cầu nguyên liệu theo chủng loại để làm cơ sở hoạch định cơ cấu sản xuất sản phẩm hỗ trợ. Đây là cơ sở để hoạch định đầu tư công nghệ, chiến lược sản phẩm, khai thác tối ưu năng lực thiết bị, công nghệ. Nói cách khác, đầu tư công nghiệp hỗ trợ sẽ “bán cái ngành may cần, không bán cái họ có” trên cơ sở kết nối cung cầu - một cơ sở quan trọng để sản phẩm Việt có giá thành cạnh tranh. 

Cần thực hiện đồng bộ các chính sách như hỗ trợ tín dụng để mua nguyên phụ liệu do Việt Nam sản xuất; hỗ trợ đầu tư hệ thống tuân thủ trách nhiệm xã hội; kích cầu đầu tư thiết bị chuyên dùng; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực kinh doanh, kỹ thuật; xúc tiến, phát triển khách hàng trực tiếp; có chính sách khuyến khích các DN có kinh nghiệm tham gia dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi, như phát triển mẫu; đầu tư đào tạo đội ngũ nhân lực thiết kế chuyên nghiệp... Việc chuyển đổi phương thức kinh doanh không chỉ gia tăng giá trị thặng dư mà còn là động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. 

Theo SGGP online

TIN LIÊN QUAN

Tin mới