Nghệ An: Gần 12.000 lao động nông thôn làm trong các cụm công nghiệp

(Baonghean.vn) - Những năm qua, nhiều địa phương đã nỗ lực đưa nhà máy về làng, tạo việc làm tại chỗ cho lực lượng lao động trẻ dư thừa vùng nông thôn. 

Công nhân phục vụ dây chuyền sản xuất gạch tại Nhà máy gạch ngói tuynel Tân Kỳ
Công nhân phục vụ dây chuyền sản xuất gạch tại Nhà máy gạch ngói tuynel Tân Kỳ.

Nghệ An đã có nhiều chính sách thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng nhà máy, công ty, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn dư thừa. Có việc làm tại quê nhà, đã hạn chế được tình trạng lực lượng lao động trẻ vùng nông thôn xa phương cầu thực.

Huyện Tân Kỳ mới đây đã có chính sách thu hút đầu tư, bước đầu đã có những nhà máy đưa vào hoạt động, sử dụng hàng trăm lao động tại địa phương. Công ty Cổ phần xây dựng và vận tải Tám Tài đã đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất gạch, ngói tuynel, với công suất 40 triệu viên/năm. 100 lao động phổ thông và nhiều lao động kỹ thuật đang lao động trong công ty được tuyển dụng tại địa phương.

Chị Thái Thị Tâm nhân viên kế toán của công ty nói rằng: Quê ở xã Kỳ Sơn, tốt nghiệp đại học kế toán, chị được  Công ty Cổ phần xây dựng và vận tải Tám Tài nhận vào làm kế toán. Được công ty trả lương 4 triệu đồng/tháng và có việc làm thường xuyên nên yên tâm. 

Tại bộ phận đốt lò của công ty, công nhân Nguyễn Văn Hoàn phấn khởi cho biết: Quê ở xã Nghĩa Bình, cách công ty hơn 20 km, anh may mắn được công ty nhận cả vợ chồng vào làm ở đây. Chồng làm công nhân đốt lò, vợ nấu ăn cho công nhân công ty. Vào đây, được công ty tạo điều kiện cho ăn ở tại ký túc xá, nên 2 đứa con đang học lớp 1 vào ở với cha mẹ, tiện bề chăm sóc, học tập. Trừ ăn uống, mỗi tháng còn được công ty  trả lương 6 triệu đồng, cùng với vợ anh 4 triệu đồng, như vậy 2 vợ chồng mỗi tháng còn nhận về 10 triệu đồng. 

Trên địa bàn huyện Tân Kỳ còn có Công ty TNHH Hoàng Nguyên đang đầu tư xây dựng nhà máy ngói lợp và gạch Cotto tại xã Nghĩa Dũng. Hiện nay Công ty tuyển dụng hàng chục công nhân có tay nghề cao và hàng trăm lao động phổ thông trên địa bàn. Đây là cơ hội cho lao động trẻ của Tân Kỳ tìm kiếm việc làm ngay tại địa phương.

công nhân

Công nhân may tại Xưởng may công nghiệp Dũng Thủy, xã Sơn Thành - Yên Thành.  Ảnh: Hoàng Vĩnh                                                                          

Trên địa bàn huyện Yên Thành, những năm qua đã có nhiều đơn vị, cá nhân đầu tư đưa nhà máy về làng. Trong đó, doanh nghiệp Dũng Thủy đã phối hợp với các công ty may xuất khẩu trong nước mở xưởng may công nghiệp tại địa phương, chuyên sản xuất găng tay xuất khẩu, sử dụng hàng chục công nhân có tay nghề.

Nhà máy gạch tuynel  Đồng Thành do công ty cổ phần Tây Nghệ - Yên Thành đầu tư xây dựng với tổng mức gần 53 tỷ đồng, đã đưa vào hoạt động 2 năm nay, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trẻ của quê lúa.

Nhà máy đường Sông Con (Tân Kỳ) đang cải tạo nâng cấp nâng công suất
Nhà máy đường Sông Con (Tân Kỳ) đang cải tạo nâng cấp nâng công suất. Ảnh: Thu Huyền

Chính sách thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn hoạt động tại các địa phương, ngoài khai thác tiềm năng đất, các đơn vị còn tạo việc làm  cho hàng trăm lao động trực tiếp và nhiều lao động gián tiếp; tạo động lực cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa. 

Đưa doanh nghiệp về làng hiện đang thực hiện tốt ở nhiều địa phương như Diễn Châu, Nam Đàn, Tân Kỳ, Yên Thành.... Đến nay, tổng số dự án đã thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên toàn tỉnh đạt 179 dự án, với tổng vốn đầu tư 2.038 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án đầu tư nước ngoài. Số lao động làm việc trong các cụm công nghiệp khoảng 11.745 người.


Xuân Hoàng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới