Chuyển động công nghiệp dệt may ở Nghệ An

(Baonghean) - Công nghiệp dệt may Nghệ An đang có bước chuyển động với trên 15 doanh nghiệp dệt may đang hoạt động tạo việc làm cho khoảng 15.000 lao động.

Tăng trưởng từ kim ngạch xuất khẩu

Đó là Công ty TNHH Prex Vinh, đầu tư hơn 10 triệu USD, thu hút hơn 3.000 lao động trên địa bàn huyện Đô Lương; dự án may xuất khẩu của Công ty Seoha Brand Networks Inc - Hàn Quốc, đầu tư hơn 100 tỷ đồng tại cụm công nghiệp Diễn Tháp (Diễn Châu), công suất 10 triệu sản phẩm/năm; Dự án cụm công nghiệp dệt may của Công ty TNHH Haivina Kim Liên - một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hyunjin - Hàn Quốc, được xây dựng trên diện tích gần 5 ha, quy mô 3 xưởng sản xuất, rộng trên 3.000m2, dây chuyền sản xuất công nghệ, thiết bị máy móc hiện đại, tổng mức đầu tư hơn 110 tỷ đồng, 100% vốn nước ngoài...
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Nghệ An. Đồ họa: HỒNG TOẠI
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Nghệ An. Đồ họa: Hồng Toại
Bên cạnh các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp dệt may trong nước cũng đã chọn Nghệ An làm điểm đến, như: Công ty TNHH may thêu xuất khẩu Khải Hoàn (huyện Anh Sơn); Dự án cụm dệt may Nam Đàn Hanosimex, và hiện nay, Tập đoàn dệt may Việt Nam cũng đang tiến hành đầu tư 2 nhà máy tại Quỳnh Lưu, Hoàng Mai… Ngoài ra, một số nhà máy may đang tiếp tục được xây dựng tại Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Thanh Chương.  
Thời gian qua, sản phẩm dệt may Nghệ An có bước tiến lớn, phát huy lợi thế về nguồn lao động địa phương, tạo việc làm cho người lao động, đẩy nhanh kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may từ chỗ cao nhất cũng chỉ đạt 3,9 triệu USD/năm (năm 2007 đạt 3,3 triệu USD, 2008 đạt 3,9 triệu USD, năm 2009 chỉ đạt 0,2 triệu USD và năm 2010 là 3,1 triệu USD), thì năm 2015 thực đạt 90 triệu USD, chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh (trong khi theo đề án phát triển dệt may, mục tiêu đến năm 2015 xuất khẩu dệt may đạt kim ngạch 16 – 20 triệu USD, chiếm khoảng 5,3 – 6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh).
Sản xuất tại Công ty Cp dệt may Hoàng Thị Loan
Sản xuất tại Công ty Cp dệt may Hoàng Thị Loan

Kim ngạch xuất khẩu quý I/2016 đạt hơn 15 triệu USD; một số doanh nghiệp đạt kim ngạch khá như Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan đạt 4,5 triệu USD (quý I/2015 là 3,2 triệu USD), Công ty TNHH Prex Vinh đạt 7,9 triệu USD (cùng kỳ 5,8 triệu USD). Sản phẩm của các doanh nghiệp đã có mặt tại nhiều thị trường các nước như: Trung Quốc, Đức, Ai Cập, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Anh Nguyễn Tô Cảnh – Giám đốc Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan cho biết, quý 1/2016, đơn hàng nhiều hơn, tình hình thanh toán cũng tốt hơn. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá, đạt 4,5 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ. Nhiều lô hàng của doanh nghiệp được xuất sang Ai Cập, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan. Với đà này, chúng tôi dự kiến sẽ vượt mục tiêu đề ra 17 triệu USD kim ngạch trong năm nay. Hiện doanh nghiệp là một trong những đơn vị nằm trong tốp đầu có kim ngạch xuất khẩu lớn của tỉnh và cũng là đơn vị chủ lực của Tổng công ty CP dệt may Hà Nội (Hanosimex). 
Cần quan tâm đầu tư đồng bộ
Theo ông Nguyễn Văn Thế - Trưởng phòng quản lý công nghiệp (Sở Công Thương), một trong những quan điểm chỉ đạo là đẩy mạnh phát triển xuất khẩu trên cơ sở khai thác triệt để lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh, góp phần tăng trưởng GDP, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất.
Để thực hiện được mục tiêu trên, công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại được tổ chức triển khai thực hiện một cách đồng bộ cùng với việc phổ biến cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư. Các công ty dệt may trên địa bàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động, trong đó có nhiều doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào hoạt động xuất, nhập khẩu, các doanh nghiệp còn lại thực hiện việc gia công lại cho các doanh nghiệp xuất khẩu hoặc thực hiện theo hợp đồng của công ty mẹ. 
Dây chuyền đóng gói sản phẩm  tại Công ty may Lan Anh (TP. Vinh).
Dây chuyền đóng gói sản phẩm tại Công ty may Lan Anh (TP. Vinh).
Tại Yên Thành, sau khi Công ty TNHH MLB Tenergy bắt đầu tìm hiểu đầu tư xây dựng nhà máy vào năm 2012 (nhà máy thứ 2 của doanh nghiệp này xây dựng tại Việt Nam), thì nay đã có thêm những cơ sở may tư nhân đã đang mọc lên làm vệ tinh cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Quê lúa Yên Thành đã được phá thế độc canh nông nghiệp, đang có những chuyển mình trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. 
Tuy nhiên, ngoại trừ một số doanh nghiệp nước ngoài, còn chủ yếu các cơ sở làm gia công và gia công lại hoặc làm hợp đồng cho các công ty mẹ nên công tác thiết kế tạo mẫu mã kiểu dáng không được chú trọng đầu tư. Một số cơ sở nhỏ làm vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn như Prex Vinh. Công nghiệp phụ trợ cũng chưa có, từ cúc, kim, chỉ… đều phải nhập nơi khác về. Vì thế, từ việc chủ yếu là gia công cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực chuyển dần sang thực hiện hợp đồng mua đứt, bán đoạn để tăng kim ngạch xuất khẩu và lợi nhuận.
“Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt, và làn sóng đầu tư vào ngành dệt may của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may trong nước, trong tỉnh buộc phải tổ chức lại sản xuất, tăng đầu tư đổi mới công nghệ áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến nhằm tăng cả về số lượng, chất lượng, mẫu mã và chủng loại sản phẩm. Cùng với đó là đào tạo nguồn nhân lực từ việc nâng cao tay nghề cho công nhân, công tác tạo mẫu thiết kế, cán bộ làm công tác maketting, xuất, nhập khẩu để đa dạng hóa phương thức kinh doanh” - Ông Nguyễn Văn Thế nhấn mạnh. 
Ngoài ra, chính quyền địa phương, nhà đầu tư cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề an sinh xã hội. Với dệt may suất đầu tư/người lao động thấp, theo tính toán khoảng 30 - 40 triệu đồng/người, dây chuyền công nghệ, thiết bị lắp ráp đơn giản; nên hiện nay nhiều nhà đầu tư đang lựa chọn các vùng nông thôn để đầu tư. Tại đây, lực lượng lao động dồi dào nhà đầu tư cũng dễ dàng tuyển chọn, nhưng lại ít quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội.
Ví như tại cụm công nghiệp dệt may Nam Đàn đang có khoảng 7.000 công nhân đang làm việc tại 2 nhà máy là Havina và Hanosimex nhưng thiếu  các khu nhà ở cho công nhân. Vì thế, công nhân chủ yếu thuê nhà của dân được đầu tư xây dựng tự phát gần đó. Việc này đang làm phá vỡ kết cấu hạ tầng nông thôn. Khu nhà trẻ, trạm y tế, chợ, trường học… cũng chưa được tính tới. Quan tâm ổn định cuộc sống cho công nhân cũng chính là bài toán giữ chân lao động hiệu quả, tạo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp ngành dệt may.
Thu Huyền

Tin mới