Những điều chưa biết về 'cam Con Cuông'

(Baonghean) - Cam Con Cuông mỗi khi vào vụ chín, với đặc trưng vị ngọt lắng thơm, đã làm nức tiếng thực khách trong và ngoài huyện. 

Cam mang tên của huyện nhưng diện tích qua khảo sát thực tế không nhiều, chỉ tập trung ở xã Yên Khê và một ít tại 4 xã khu vực phụ cận nơi đứng chân của các lèn đá vôi, nhờ quá trình thiên tạo đã tạo ra những thớ đất, vùng đất đặc trưng cho sản vật cam thơm ngon mà ít nơi có được. 
Bí thư Chi bộ làng, xã Yên Khê - ông Pha Tăng Ngọc Sơn (người đứng giữa) trao đổi với lãnh đạo huyện Con Cuông về kinh nghiệm trồng cam cho năng suất, chất lượng cao.
Bí thư Chi bộ làng, xã Yên Khê - ông Pha Tăng Ngọc Sơn (người đứng giữa) trao đổi với lãnh đạo huyện Con Cuông về kinh nghiệm trồng cam cho năng suất, chất lượng cao.
Để có được giống cây đặc sản này, Con Cuông đã sớm xây dựng và thực hiện đề án “Khôi phục cây cam Con Cuông", theo đó diện tích cam hiện có trên địa bàn huyện gồm 187 ha, trong đó có 67 ha kinh doanh, cho sản lượng đạt trên 800 tấn.
Chỉ chừng ấy sản lượng mà cây cam Con Cuông sau khi được khôi phục theo đề án đã thực sự lan tỏa bởi chất lượng sản phẩm đặc trưng và cũng nhờ giá trị thu được từ việc trồng cam rất cao (mỗi ha cam trong giai đoạn kinh doanh cho doanh thu từ 500 - 800 triệu đồng) nên cây cam Con Cuông cũng vì thế đã tạo ra sự hấp dẫn đối với người dân vùng quy hoạch đề án. 
Men theo triền đồi thoai thoải vào khe Huồi Nọi, làng Pha, xã Yên Khê, những vùng đất cằn trơ cỏ mấy năm trước, bây giờ cơ bản đã được thay thế bằng những lô cam mới trồng được chăm sóc, bảo vệ chu đáo. Chúng tôi vào thăm vườn cam của ông Nguyễn Đình Cung, 2 ha cam xanh tốt, xoay gốc, tạo tán rất đẹp.
Từ một vùng đất cằn cỗi, hoang hóa, ông Cung đã liên kết với ông Thái Bá Trung, thuê đất 15 năm của gia đình ông Lương Văn Sáng để trồng giống cam Xã Đoài. Người góp công, người góp của, chỉ một thời gian ngắn 650 gốc cam vụ bói đầu tiên đã cho quả, 150 gốc 1 năm tuổi đã xanh tốt, tổng số tiền 2 ông chung nhau đầu tư trên 400 triệu đồng. 
Rời vườn cam của ông Cung, chúng tôi tới thăm vườn cam của Bí thư Chi bộ làng ông Pha Tăng Ngọc Sơn.
Câu chuyện về cây cam trồng cho hiệu quả kinh tế cao trên đất khó vùng Truông Cồng ngay từ vụ quả bói đầu tiên đã cho ông say sưa xung quanh việc gia đình ông lựa chọn trồng cam và vận động các hộ dân khác trong thôn cùng trồng.
Thu hoạch cam chính vụ tại xã Yên Khê (Con Cuông).
Thu hoạch cam chính vụ tại xã Yên Khê (Con Cuông).
Đất khó nhưng dưới bàn tay chăm chỉ và đầu óc tư duy kinh tế của ông mà diện tích 1,4 ha, hơn 500 gốc cam Vân Du, và 200 gốc cam chín muộn V2 đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, phát triển tốt, vụ thu hoạch quả bói đầu tiên từ cam Vân Du doanh thu 500 triệu đồng.
Ông Sơn cho biết: Vùng đất này cây cam đã khẳng định hiệu quả nên chúng tôi đầu tư trồng rất yên tâm. Chi bộ cũng vận động nhân dân tùy từng điều kiện cụ thể để áp dụng phương thức liên kết hay trồng độc lập.
Nhờ có sự vận động của chi bộ mà hiện tại làng Pha đã có 22 hộ tham gia trồng cam trên diện tích 50 ha (trong đó có 20 ha theo mô hình liên kết). Mong nuốn của các hộ trồng cam ở đây, Nhà nước quan tâm đầu tư hệ thống điện đảm bảo công tác bơm tưới, dịch vụ thuốc BVTV an toàn cho vùng cam. 
Được biết, huyện Con Cuông đang thực hiện đề án khảo sát các vùng đất phù hợp với từng loại cây ăn quả, cắm mốc quy hoạch. Đây là động thái rất cần thiết vừa quản lý được diện tích, vừa có định hướng phát triển loại cây cam đặc sản này.
Hồng Sơn 

Tin mới