Dưa hấu 'bén' đất Tri Lễ

(Baonghean.vn)- Từ thành công của việc trồng dưa nại, chanh leo, súp lơ, xã Tri Lễ (Quế phong) tiếp tục triển khai mô hình dưa hấu trên đất bỏ hoang, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là mục tiêu chính của Đảng ủy, chính quyền xã Tri Lễ. Nhưng ở một xã biên giới, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, việc triển khai các dự án không phải là điều dễ. Xác định điều này, Đảng ủy, chính quyền xã đã giao trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ 30a xây dựng, triển khai mô hình kinh tế. Trên cơ sở đó, chọn bản bản Na Niếng để thực hiện mô hình trồng dưa hấu.

Những ngày tìm đất để triển khai, đội ngũ cán bộ trẻ 30 a đã gặp được anh  Lữ Văn Hùng, mới nghe qua anh đã đồng ý ngay và dành 2/3 diện tích đất vườn trồng thử. Như một phép màu, 550m2 đất bỏ hoang, trước đây trồng ngô, lạc vốn không hiệu quả, sau khi chuyển đổi thì cây dưa lại xanh tốt cho ra nhiều trái ngọt. Mỗi quả dưa đến ngày thu hoạch có trọng lượng từ 4 kg đến 4,7kg.

Đây là loại cây dễ trồng, vốn đầu tư ít, thời gian sinh trưởng ngắn nên rất thích hợp cho sản xuất mùa khô. Theo anh Hùng, ước tính vườn dưa của anh sau thu hoạch cũng được trên 1 tấn, giá dưa ở dưới xuôi mang lên bán lẻ chỉ 7000 đồng/kg thì dưa của gia đình anh lại bán được 10.000 đồng/kg. Trừ chi phí đầu tư 800.000 đồng để mua phân, bao phủ và giống cây, sau thu hoạch ước lãi 9,2 triệu đồng.

1
Người dân thu hoạch dưa hấu

Từ thành công của gia đình anh Hùng, tìm hiểu được biết hiện nay 25 hộ gia đình tại xã Na Niếng cũng đã đăng ký xin cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật để đầu tư vốn trồng dưa hấu. Theo anh Vi Văn Thái, trưởng bản Na Niếng, xã Tri Lễ cho biết: Bản Na Niếng là bản 100% là người dân tộc Thái sinh sống, nhưng tỷ lệ hộ nghèo hiện nay vẫn trên 50%. Bản có 15 ha đất vườn sản xuất thì có đến 10 ha bỏ hoang. Chính vì vậy, thời gian tới trên cơ sở xã cho chủ trương quy hoạch vùng sản xuất, bản sẽ tuyên truyền nhân rộng mô hình trồng dưa hấu.

2
Dứa hấu trồng trên đất Tri Lễ cho quả ngọt, hạt ít

Trao đổi với chúng tôi, ông Vi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, cho biết thêm: Trên cơ sở các vùng chuyên canh lâu nay, trong đó bản Xan chuyên canh súp lơ, bản Chiền trồng hành, cà chua, bản Yên Sơn trồng chanh leo, rau cải, Na Mái thì trồng lạc, ngô và nay bản Na Niếng trồng dưa hấu, xã sẽ tiếp tục vận động bà con luân canh cây trồng để trách sâu bệnh, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất để nâng cao giá trị của cây trồng trên địa bàn, nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng ngày càng cao như hiện nay.

                                                                            Vân Thanh 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới