Trên 40% người tiêu dùng im lặng khi bị xâm hại quyền lợi

Nhiều người biết đến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng rất ít người có khả năng thực hiện những quyền đó trong thực tế.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) chính thức có hiệu lực từ năm 2011. Qua 5 năm triển khai, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD đã tích cực thực hiện nhiều hoạt động thực thi Luật, nhằm nâng cao nhận thức về quyền lợi của NTD, góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng và kinh doanh lành mạnh.

NTD quan tâm đến quyền lợi “sát sườn”

Kết quả khảo sát của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) nhằm đánh giá nhận thức của NTD về công tác bảo vệ quyền lợi NTD trong giai đoạn 2011 – 2015 cho thấy, hơn 70% số NTD được hỏi cho biết đã từng nghe hoặc biết đến Luật Bảo vệ quyền lợi của NTD. 

Vấn đề về chất lượng hàng hóa, thực phẩm không an toàn, chế độ bảo hành…đang gây nhiều bức xúc cho NTD. (Ảnh minh họa: KT)
Vấn đề về chất lượng hàng hóa, thực phẩm không an toàn, chế độ bảo hành…đang gây nhiều bức xúc cho NTD. (Ảnh minh họa) 

Ông Phan Thế Thắng, Phó trưởng Phòng Bảo vệ quyền lợi NTD - Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, có đến 71% số người NTD tham gia khảo sát trả lời biết đến các quyền cơ bản của NTD. Điều này cho thấy, NTD đã ngày một ý thức hơn về các quyền của mình khi tham gia giao dịch với các tổ chức, cá nhân kinh doanh.

“NTD quan tâm đến các quyền được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ; quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại; quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện… điều này cho thấy mức độ quan trọng cũng như tâm lý quan tâm, tìm hiểu của NTD đối với những quyền, lợi ích “sát sườn”. Bởi lẽ, đó cũng là những quyền phổ biến mà NTD thường sử dụng đến đầu tiên khi có tranh chấp với tổ chức, cá nhân kinh doanh”, ông Thắng chia sẻ.

Bên cạnh nhận thức về các quyền cơ bản của mình, NTD cũng đang nhận thức tốt hơn về các trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có hóa đơn chứng từ, kiểm tra sản phẩm trước khi tiếp nhận, thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng sản phẩm khi tham gia giao dịch mua hàng hóa và tiêu dùng.

Đặc biệt, hơn 1/2 số người được khảo sát đã cho biết có biết thông tin về các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD. Điều này cho thấy chức năng, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD đã được nhiều NTD biết đến và ghi nhận.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho biết, qua khảo sát nhận thức của NTD, đã có trên 1/2 số NTD cho biết đã từng bị xâm phạm quyền lợi với tư cách là NTD trong khoảng thời gian từ năm 2011 – 2015.

“Nhóm hàng hóa được NTD phản ảnh đã từng bị xâm phạm liên quan đến thực phẩm, đồ gia dụng, điện thoại viễn thông, thời trang, trang sức, du lịch và nhà hàng, y tế và chăm sóc sức khỏe…điều này thể hiện đúng thực trạng thị trường tiêu dùng cũng như các khiếu nại chủ yếu của NTD hiện nay. Trong đó vấn đề về chất lượng hàng hóa, thực phẩm không an toàn, chế độ bảo hành…đang gây nhiều bức xúc cho NTD”, ông Thắng khẳng định.

Quyền bị xâm phạm bị bỏ qua

Đánh giá về kết quả khảo sát nhận thức về quyền lợi người tiêu dùng, bà Phạm Quế Anh thay mặt Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã được thực thi 5 năm, do đó không thể nói phong trào bảo vệ NTD ở Việt Nam là non trẻ, là mới nên gặp nhiều khó khăn phức tạp.

Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn nhiều vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực này. Những vụ việc xâm phạm quyền và lợi ích của NTD vẫn còn rất nóng trên các phương tiện truyền thông. Ngoài những tác động do mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng như hội nhập và toàn cầu hóa thì nhân lực, vật lực của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi của NTD vẫn còn hạn chế.

Mặt khác, trong cộng đồng thương nhân và doanh nghiệp vẫn có những cá nhân, tổ chức vẫn còn làm ăn không chân chính, cố tình thực hiện các hành vi xâm phạm lợi ích của NTD để trục lợi bất chính.

“NTD Việt Nam vẫn chưa nhận thức được rõ ràng các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Chưa có đủ thông tin và hiểu biết để nắm được những nguy cơ có thể xâm phạm đến lợi ích, cũng như nắm được việc làm thế nào để có thể bảo vệ được quyền và lợi ích của mình”, đại diện GIZ cho biết.

Mặc dù đánh giá cao báo cáo về tỷ lệ nhận biết các quyền của NTD, bà Phạm Quế Anh vẫn cho rằng, nhiều NTD biết đến quyền là một chuyện, nhưng quan trọng hơn vẫn là NTD có khả năng thực hiện những quyền đó trong thực tế hay không?

“Thực tế báo cáo cho thấy, có đến 56% số NTD cho biết bị xâm phạm quyền lợi, nhưng vẫn có đến 44% NTD chọn giải pháp im lặng và bỏ qua, 53% số NTD cho biết chưa từng liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước để yêu cầu giúp đỡ bảo vệ quyền lợi... như vậy có thể thấy việc nhận thức về quyền chưa được chuyển thành quyền lợi trong thực tế… do đó, các hoạt động trong tương lại của Cục Quản lý cạnh tranh cũng như các cơ quan liên quan, các tổ chức xã hội bảo vệ NTD cần nỗ lực thay đổi”, bà Phạm Quế Anh chỉ rõ.

Để tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ NTD, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, từ báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát nhận thức của NTD và Luật Bảo vệ NTD tại Việt Nam sẽ là căn cứ, số liệu và thông tin đóng góp rất quan trọng trong việc định hướng, hoạch định chính sách kinh tế - xã hội nói chung, từ đó sẽ có những giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi bảo vệ quyền lợi NTD trong thời gian tới.

 Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới