Chính sách hỗ trợ nông dân "bám" cây vụ đông

(Baonghean) - Thời điểm này, một số nơi, bà con nông dân bắt đầu thu hoạch vụ hè thu vùng chạy lụt, một vụ đông mới đang sẵn sàng. Chính sách hỗ trợ sản xuất vụ đông mới tại các địa phương đã được ban hành, đây là điều kiện thuận lợi giúp nông dân phấn khởi, khẩn trương bước vào vụ sản xuất mới.

Xóm Quyết Tiến, xã Chi Khê (Con Cuông) năm nào cũng đầu tư  trồng cây vụ đông.
Nông dân xóm Quyết Tiến, xã Chi Khê (Con Cuông) đầu tư trồng cây vụ đông.

Trong lúc nông dân một số địa phương “ngại” sản xuất vụ đông do chi phí sản xuất, giá giống, vật tư và ngày công lao động tăng thì tại xã Sơn Thành (Yên Thành) lại sôi động với vụ sản xuất này. Bên cạnh điều kiện thuận lợi về đất đai, yếu tố quan trọng hơn là địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích bà con nông dân trồng cây vụ đông một cách thiết thực.

Ông Ngô Trí Hóa - Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Nhiều năm trước, địa phương đã chú trọng đầu tư hệ thống thủy lợi, đường nội đồng… quy hoạch thành vùng sản xuất. Vì thế, phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp của địa phương sản xuất 3 vụ/năm. Để được như vậy, điều quan trọng là địa phương có chính sách hỗ trợ người nông dân, từ đó tạo được phong trào toàn dân tích cực thi đua trồng cây vụ đông.

Ở cấp huyện, ông Nguyễn Văn Dương – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thành cho biết: Nhằm khuyến khích, động viên bà con nông dân sản xuất cây vụ đông, UBND huyện đã thống nhất nhiều chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ mô hình thâm canh ngô đột biến gen vụ thu đông, với kinh phí 30 triệu đồng/mô hình; hỗ trợ 50% giá giống ngô gieo trồng trong vụ đông; hỗ trợ thêm 30% giá giống ngô gieo trồng vụ đông trên đất bị hạn không gieo cấy lúa hè thu; hỗ trợ BCĐ huyện, cán bộ chỉ đạo kỹ thuật vụ đông kinh phí 150.000 đồng/người/tháng. Khen thưởng các xã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch huyện giao.

Bên cạnh đó còn có cơ chế chính sách của tỉnh, khuyến khích nhân dân gieo trồng cây vụ đông… Vụ đông 2016, huyện phấn đấu gieo trồng 3.640 ha, trong đó: ngô 1.800 ha, khoai lang 350 ha, 1.200 rau, đậu các loại.

a
Sản xuất lạc đông ở Diễn Châu.

Tại huyện Diễn Châu, kế hoạch của vụ đông này sản xuất gần 5.500 ha, tập trung một số cây trồng chủ lực: ngô (với gần 3.300 ha), ngoài ra, còn có 500 ha lạc, 2.000 ha rau màu các loại. Huyện tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung các loại rau màu có giá trị kinh tế cao như: bí xanh, bí đỏ, dưa chuột, khoai tây, đậu tương…

Ngoài chính sách của tỉnh, năm nay, huyện tiếp tục triển khai 5 chính sách hỗ trợ trong sản xuất vụ đông như: hỗ trợ 50.000 đồng/sào đối với các tổ chức, cá nhân thuê đất sản xuất được từ 5 ha ngô trở lên; khen thưởng 20 triệu đồng cho xã quy hoạch được trên 50 ha cây vụ đông trên đất hai lúa, hỗ trợ xây dựng mô hình rau VietGAP và mô hình trồng nấm… 

Còn huyện Nam Đàn là địa phương có kế hoạch sản xuất cây vụ đông lớn nhất tỉnh, gần 6.000 ha, trong đó cây ngô vẫn là cây chủ lực với 3.000 ha, còn lại là rau màu hàng hóa và một số cây trồng khác. Để khai thác mọi tiềm năng, tăng cường liên doanh liên kết bao tiêu sản phẩm, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, UBND huyện khuyến khích bà con chú trọng đầu tư thâm canh ngô ở những vùng thuận lợi, nhất là đất màu, phát triển các loại rau ngắn ngày có giá trị kinh tế cao, mở rộng diện tích bí đỏ, bí xanh ở vùng bãi thấp, tăng diện tích lạc thu đông.

Cùng với đó, huyện khuyến khích bà con quan tâm đầu tư liên kết với các trang trại nuôi bò sữa để trồng ngô làm thức ăn cho bò, mở rộng diện tích nuôi cá vụ 3. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của tỉnh, UBND huyện có cơ chế hỗ trợ 10 triệu đồng cho các xã có diện tích tối thiểu 100 ha đối với cây ngô và 5 ha đối với rau màu. 

Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục Trưởng Chi Cục Trồng trọt – BVTV tỉnh cho biết thêm: Vụ đông 2016, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng trên 40.300 ha cây trồng các loại. Những chính sách hỗ trợ từ xã đến tỉnh là động lực để bà con nông dân “bám” cây vụ đông. Tuy nhiên, để cây vụ đông đạt được cả diện tích và sản lượng, thì các địa phương cần hướng dẫn, chỉ đạo bà con thực hiện đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống hợp lý và đầu tư chăm sóc đúng quy trình, đặc biệt là tùy vào tình hình cụ thể của từng địa phương, từng vùng và diễn biến mưa lũ để xem xét, tính toán có kế hoạch gieo trồng, vừa đảm bảo cho năng suất cao và không ảnh hưởng đến gieo trồng vụ xuân.

Xuân Hoàng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới