Thu hoạch, bảo quản kém khiến nông nghiệp Việt Nam giảm giá trị

Ngành nông nghiệp Việt Nam đang thực hiện quá trình tái cơ cấu. Một trong những ưu tiên hàng đầu trong quá trình đó là ứng dụng KH-CN và cải tiến kỹ thuật, nhằm đưa nông nghiệp Việt Nam không chỉ tăng sản lượng và năng suất, mà còn nâng cao chất lượng, đạt được những giá trị cao nhất. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng.

a
Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng

- Ông đánh giá thế nào về việc ứng dụng KH-CN để phát triển nông nghiệp trong thời gian qua?

>> Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Nhìn chung, nền nông nghiệp Việt Nam vẫn đang ở trình độ thấp, quy mô nhỏ lẻ. Trong 3 năm qua, xuất khẩu của ngành nông nghiệp trung bình mỗi năm đạt 29,5 tỷ USD. Riêng xuất khẩu từ trồng trọt đạt trung bình 14 tỷ USD/năm. Bản thân lãnh đạo Bộ NN-PTNT thừa nhận, để có được những kết quả đó, chính là nhờ ứng dụng những công nghệ mới, những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Từ quá trình tạo và chọn giống, đến quy trình xuất nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch,... đều đã có những bước tiến mới. Hiện nay, 88% giống lúa thuần trong nước là do Việt Nam tự sản xuất; trong 12% giống lúa lai thì Việt Nam tự chủ khoảng 1/3, số còn lại là nhập từ nước ngoài. Những ứng dụng, tiến bộ KH-CN đã đóng góp 30% GDP ngành nông nghiệp trong năm 2015 và hiện đang hướng đến mục tiêu 50% đến năm 2020. 

Tuy nhiên có một thực tế là những năm qua chúng ta đang tập trung vào năng suất cao và sản lượng lớn. Thậm chí là lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất để tăng sản lượng và năng suất, mà thiếu đi sự phát triển bền vững, có chất lượng ổn định, lâu dài. Đây là điều phải thay đổi trong thời gian tới.

- Thưa Thứ trưởng, trong tất cả các khâu, thì khâu thu hoạch, bảo quản, làm thương hiệu và phân phối các sản phẩm nông nghiệp dường như chưa được chú trọng đúng mức?

Đúng vậy, đây chính là điểm hạn chế, yếu kém nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam trong những năm qua. Bộ KH-CN đã xây dựng bản đồ công nghệ sản xuất lúa ở Việt Nam và chỉ ra rằng, trong tất cả các khâu, chúng ta đã để thất thoát ở khâu thu hoạch - bảo quản - chế biến rất lớn. Việt Nam thất thoát hơn 14%, trong khi Thái Lan chỉ khoảng 6% - 7%. Một ví dụ khác, đó là cây thanh long ở Bình Thuận hiện doanh thu đạt khoảng 7.000 tỷ đồng/năm. Trong đó 60% - 70% là do thương lái Trung Quốc thu mua, với mức giá mùa vừa rồi đạt khoảng 400 USD/tấn. Người Trung Quốc mang về nước, tiến hành phân loại và chiếu xạ khử trùng. Loại 1, họ mang sang Nga và các nước Bắc Âu bán với giá 4.500 USD/tấn; loại 2 họ bán ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc với mức giá từ 2.500 - 3.500 USD/tấn; còn người Trung Quốc dùng loại 3 với mức giá 400 - 500 USD/tấn. Như vậy, chính quả thanh long do người nông dân Việt Nam sản xuất, đã được người Trung Quốc thu mua và sau khi xử lý họ bán với mức giá cao gấp 10 lần tại Việt Nam.

Nhiều cây trồng, vật nuôi khác cũng đang rơi vào tình trạng như vậy. Công nghệ thu hoạch, chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu và tổ chức phân phối ta làm rất kém. Rất nhiều mặt hàng nông sản, hải sản Việt Nam bị mua ép với giá thấp. Nước ngoài mua về để đóng gói, xử lý bán lại cho thị trường thế giới với giá cao, dưới tên một thương hiệu khác. Để khắc phục được điều đó, cần phải có sự đầu tư lớn, đồng bộ; nhận thức của doanh nghiệp và người sản xuất trong lĩnh vực này. Hiện nay, Bộ KH-CN và Bộ NN-PTNT đang đặt quyết tâm thay đổi vấn đề này trong thời gian tới, nhất là đối với công nghệ sau thu hoạch và đảm bảo chất lượng hàng hóa nông nghiệp. Phải nâng cao giá trị gia tăng trong hàng hóa nông sản Việt Nam, đảm bảo thu thập của doanh nghiệp và người nông dân, cũng như tạo ra nguồn lợi nhuận đủ lớn để tái đầu tư cho ngành này.

- Câu chuyện công nghệ sau thu hoạch yếu kém, làm thương hiệu kém, phân phối thị trường không hiệu quả đã được nói nhiều, rất lâu. Vậy tại sao đến nay chúng ta chưa giải quyết được?

Chúng ta không phải là không quan tâm đến vấn đề đó và thời gian qua cũng đã làm được khá nhiều. Tuy nhiên, để khắc phục và làm tốt cần phải định hướng cụ thể và có sự đầu tư thích đáng cho ngành công nghiệp sau thu hoạch, nhất là ngành cơ khí, máy móc nông nghiệp. Ngành KH-CN đang tập trung vào vấn đề này, nhằm tạo ra được những công nghệ, máy móc phù hợp với ngành nông nghiệp Việt Nam. Nhưng ngành nông nghiệp chính là nơi sẽ quyết định đầu tư và triển khai làm những việc đó.

Vụ vải thiều vừa qua, giá trị xuất khẩu vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang đạt gần 3.000 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động dịch vụ phụ trợ đạt trên 2.000 tỷ đồng. Đây là vụ vải đạt giá trị lớn nhất từ trước đến nay. Sở dĩ có kết quả đó, là năm vừa rồi, Bắc Giang đã triển khai ứng dụng công nghệ bảo quản thực phẩm CAS Nhật Bản và thực hiện chiếu xạ tại Hà Nội, thay vì phải vận chuyển vào TPHCM như các mùa trước. Nhờ những công nghệ mới và sự đầu tư đó, không chỉ giúp giảm chi phí, quả vải Việt Nam còn được đảm bảo để dễ dàng xuất khẩu vào những thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc...

- Phải chăng, nông nghiệp Việt Nam cần phải có sự thay đổi lớn trong tư duy và chiến lược phát triển, thưa Thứ trưởng?

Để có thể cạnh tranh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngành nông nghiệp phải tập trung vào việc tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết, làm cơ sở để thúc đẩy việc ứng dụng KH-CN, kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất ở các mặt hàng có lợi thế. Đó là điều không thể khác được trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Một yếu tố khác, là phải cân đối cung cầu thị trường. Chúng ta cần phải có những mặt hàng chất lượng, giá trị cao đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và cả quốc tế; chứ không phải cứ tập trung tăng sản lượng và năng suất ồ ạt những sản phẩm nông nghiệp mà chúng ta đang làm. Sự tham gia vào sản xuất nông nghiệp của một loạt các tập đoàn, doanh nghiệp lớn thời gian vừa qua; hay là sự canh tác, nuôi trồng một số giống cây con đặc chủng để xuất khẩu đi những thị trường đặc thù là biểu hiện của sự thay đổi đó. Đó cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam có những thay đổi thực sự về chất, thể hiện  trình độ công nghệ cao.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng.

Theo Saigongiiphong

Tin mới