Hợp tác xã bò sữa Nghĩa Hợp: Điểm sáng ở Tân Kỳ

(Baonghean) - Các hộ dân chăn nuôi bò sữa ở xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ đã lập nên HTX chăn nuôi bò sữa và hoạt động hiệu quả. HTX chăm lo các khâu về con giống, thú y, đầu ra cho các hộ chăn nuôi. 

Từ 4 con bò giống ban đầu

Từ những lý do tình cờ, qua bạn bè giới thiệu, anh Nguyễn Hùng Sơn ở xóm 3, xã Nghĩa Hợp (Tân Kỳ) đưa 4 con bò sữa đầu tiên về nuôi. Ban đầu, cả gia đình lo lắng bởi không biết nuôi bò sữa ra sao, nuôi có được không? Dân làng thì ngày nào cũng có người đến xem... 

Xã viên HTX cho bò ăn.
Xã viên HTX cho bò ăn.

Mỗi con bò giá 60 triệu đồng là tài sản lớn của người nông dân thôn quê nên vợ chồng anh Sơn hàng ngày chăm bẵm, nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật được các trang trại lớn hướng dẫn... Nhờ vậy, trong năm đầu tiên, mỗi ngày, gia đình anh thu được 1 tạ sữa, giá 13.000 đồng/ kg, tính ra mỗi ngày anh có thu nhập 1,3 triệu đồng. Hàng ngày anh cần mẫn vắt sữa, chở lên nhập cho Nhà máy sữa Vinamilk.

Trước thu nhập cao và ổn định về sữa, bạn bè và người dân trong xóm đến nhà anh Sơn học hỏi theo, cùng xem anh cho bò ăn, xem vắt sữa, rồi bỡ ngỡ khi uống những ly sữa nóng đầu tiên do người thôn quê mình sản xuất... Họ dần bị cuốn hút trước một công việc mới đầy hấp dẫn, nhất là thu nhập. Người nuôi bò sữa theo mô hình của anh Sơn ngày càng đông. Anh Sơn cho hay, con bê nào từ trang trại của anh ra đời cũng đều được người dân đến mua để nhân giống với giá 10 triệu đồng/ con. Những tháng đầu năm 2016, anh đã bán được 9 con bê.

Xã viên đưa sữa đi nhập.
Xã viên đưa sữa đi nhập.

Để tạo nên một tập thể cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, chăm sóc bò, tạo ra nguồn hàng hóa đủ lớn để nhập cho nhà máy, nhất là đảm nhận khâu bao tiêu sản phẩm, anh Sơn cùng với các hộ nuôi bò đã lập nên HTX nuôi bò sữa ở Nghĩa Hợp với 12 hộ xã viên, trong đó 1 xã viên ở xã Nghĩa Đồng, 2 xã viên ở Tân Phú. Đến nay, sau 2 năm đưa bò sữa về Nghĩa Hợp, tổng số bò của HTX là 157 con. Trong đó, riêng hộ anh Sơn từ 4 con đã phát triển lên 20 con; gia đình anh Ngô Văn Ngoãn ở Nghĩa Đồng có 50 con; hộ ông Lê Văn Hiếu ở Tân Phú 10 con...

Để đảm bảo sữa luôn được nhà máy thu mua, HTX luôn quán triệt với các xã viên về vệ sinh máy móc, chuồng trại sạch sẽ, vắt sữa đúng quy trình kỹ thuật, vắt xong phải nhập sữa ngay, tuyệt đối không nhập sữa có vắc xin...

Anh Ngô Văn Ngoãn kể: “Khi gia đình tôi đề xuất làm trang trại nuôi bò sữa, xã cấp cho 5 ha đất ngoài đồng, rồi đổ đường cấp phối, kéo điện ra... Nhờ vậy từ 5 con bò sữa ban đầu nay tôi đã có 50 con, thu nhập một ngày 5,5 tạ sữa, tôi còn mua được ô tô tải hàng ngày đi nhập sữa cho bà con... Cũng nhờ sự mạnh dạn khởi đầu của chú Sơn mà gia đình tôi đã đổi đời”.

Cần thêm những chính sách cho mô hình HTX mới

Tân Kỳ hiện có nhiều HTX nông nghiệp, nhưng việc đổi mới như HTX chăn nuôi bò sữa ở Nghĩa Hợp còn ít. Mô hình HTX chăn nuôi tuy còn đơn giản, ít thành viên song mọi người cố kết với nhau, cùng nhau hướng về một mục tiêu. Nuôi bò sữa là một nghề mới và cho thu nhập cao ở các địa phương của Nghệ An.

Sữa vắt ra được lọc sạch trước khi đi nhập.
Sữa vắt ra được lọc sạch trước khi đi nhập.

Để phát triển nghề này cần diện tích đủ lớn để trồng cỏ, diện tích để làm chuồng trại, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn, cần vốn đầu tư máy móc, và đặc biệt là vốn để mua con giống. Một con bò giống giá thị trường hiện nay là 60 triệu đồng nên hầu hết các hộ đều phải vay vốn ngân hàng để mua bò. Ở HTX bò sữa Nghĩa Hợp, hiện các xã viên còn phải vay ngân hàng hàng trăm triệu đồng, trong đó nhiều hộ vay 300 - 400 triệu đồng. 

Một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã có chính sách hỗ trợ phát triển đàn bò sữa. Ví như thị xã Thái Hòa, năm 2015, 2016 đã hỗ trợ lãi suất 1 năm đầu cho các hộ mua con giống bò sữa, tính ra 1 con được hỗ trợ 6 triệu đồng, có hộ nuôi nhiều được hỗ trợ 60 - 80 triệu đồng. Ở Tân Kỳ, xác định mục tiêu nuôi trên 1.000 con bò sữa vào năm 2020. Bước đầu, huyện đã đầu tư kinh phí cho các chủ trang trại đi học hỏi kinh nghiệm tham quan mô hình ở ngoại tỉnh, tạo thuận lợi trong cấp bìa đất làm trang trại, tuy nhiên, chính sách “kích cầu” về con giống thì chưa có.

Các thành viên xã viên của HTX chăn nuôi bò sữa Nghĩa Hợp cũng mong được cấp đất, thuê đất làm trang trại để tách ra khỏi khu dân cư, đảm bảo môi trường. Những vấn đề đặt ra đòi hỏi cấp xã, huyện cần tích cực vào cuộc hỗ trợ người dân phát triển những mô hình mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Trân Châu

TIN LIÊN QUAN

Tin mới