Công nghiệp nỗ lực về đích cuối năm

(Baonghean) - Chỉ còn 2 tháng nữa là tới tết Nguyên đán 2017. Để chủ động hàng hoá phục vụ thị trường, hiện các nhà máy sản xuất nước giải khát, thực phẩm… tại Khu kinh tế Đông Nam và các KCN của Nghệ An đang vào chiến dịch cao điểm. Những chỉ số thống kê cho thấy, lĩnh vực sản xuất công nghiệp ở Nghệ An đang chạm đích kế hoạch năm 2016.
Tăng ca sản xuất các nguồn hàng 
Tại khu B - Khu công nghiệp Nam Cấm, nhiều doanh nghiệp đang vận hành tối đa công suất nhằm hoàn thành các đơn hàng theo kế hoạch. Nhiều sản phẩm phục vụ thị trường tiêu dùng Tết Nguyên đán sản xuất tại các nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ An, Nhà máy Chế biến cá hộp Nghệ An (Tập đoàn Royal Foods), Trung tâm Công nghiệp Thực phẩm Masan miền Bắc… 
Bốc dỡ hàng tại Nhà máy bia Hà Nội - Nghệ An
Bốc dỡ hàng tại Nhà máy bia Hà Nội - Nghệ An
Ông Nguyễn Thế Hợi - Giám đốc Công ty CP Bia Hà Nội - Nghệ An cho biết: “Để đáp ứng thị trường dịp Tết, chúng tôi chuẩn bị sớm nguyên vật liệu vỏ lon, hộp giấy, malt gạo, số lượng đảm bảo cho sản xuất. Ngoài ra, bố trí tăng cường bảo trì, bảo dưỡng thiết bị đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn. Từ nay đến hết tháng 1/2017, nhà máy duy trì sản xuất 3 ca liên tục, sản xuất cả thứ 7, Chủ nhật; bình quân mỗi ngày xuất kho 35.000 thùng bia…”. Từ đầu năm đến nay, Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ An sản xuất 43 triệu lít, doanh thu 430 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 340 tỷ đồng. Từ nay đến Tết Nguyên đán, nhà máy dự kiến sản xuất 12 triệu lít bia phục vụ người tiêu dùng.
Còn tại nhà máy thuộc Công ty TNHH Royal Foods Nghệ An và Công ty TNHH Thực phẩm tươi sống và kho lạnh có 100% vốn đầu tư nước ngoài, không khí tại các phân xưởng sản xuất cũng nhộn nhịp với những lô hàng phục vụ Tết. Anh Nguyễn Trung Tiến - Giám đốc sản xuất cho hay: Công ty mới lắp đặt 2 dây chuyền sản xuất với công suất 50 tấn cá/ngày. Nguyên liệu chính lấy ở thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Cửa Lò, Cửa Hội và các tỉnh lân cận. Từ khi đi vào sản xuất (tháng 9/2015) đến nay, công ty tạo việc làm cho gần 600 lao động với mức lương ổn định và các chế độ đầy đủ theo đúng quy định pháp luật. Dịp Tết, dự kiến sản lượng tiêu thụ tăng 50%, do đó, những tháng cuối năm, nhà máy tăng ca sản xuất. Công ty có kho lạnh với công suất 13.000 tấn, lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ với 6 hầm cấp đông công suất 70 tấn và kho bảo quản lớn, hiện đại với công nghệ Thái Lan và châu Âu, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của thị trường hiện nay. 
"Dịp Tết, dự kiến sản lượng tiêu thụ tăng 50%, do đó, ngay từ bây giờ chúng tôi tăng ca, thời gian sản xuất. Ngoài ra, thời gian tới, Công ty dự định mở rộng sản xuất thêm nhiều mặt hàng, nhãn hiệu khác. 20% sản phẩm của công ty dành cho xuất khẩu: Cambodia, Thailand và 80% dành cho thị trường nội địa, đặc biệt các tỉnh miền Tây Nam bộ. Trong thời gian tới, Công ty dự định sẽ mở rộng thêm thị trường tại Lào và các tỉnh miền Bắc, miền Trung”, anh Nguyễn Trung Tiến chia sẻ.
Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp Nghệ An đã thu hút được 151 dự án đầu tư (24 dự án FDI) với tổng mức đầu tư 73.598,1 tỷ đồng và 1.311,8 triệu USD; trong đó, 62 dự án đi vào hoạt động. Năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 8.000 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với năm 2015; Doanh thu ước đạt 11.500 tỷ đồng, tăng 22,6% so với năm 2015. Xuất khẩu ước đạt 2.500 tỷ đồng, tăng gần 15%; nộp ngân sách nhà nước 1.000 tỷ đồng, tăng 17,6%; giải quyết việc làm cho khoảng 16.500 với thu nhập bình quân 4,8 triệu đồng/người/tháng.
Những tín hiệu khả quan
Nhiều nhà máy sản xuất quy mô lớn đi vào sản xuất có tác động tích cực đến nền kinh tế Nghệ An. Riêng công nghiệp đồ uống có nhiều nhà máy đi vào sản xuất, phát huy công suất lắp đặt. Sản xuất bia đã khai thác tối đa công suất, đạt sản lượng 180 - 200 triệu lít/năm. Chế biến sữa với 2 nhà máy hiện có là Nhà máy sữa Vinamilk và Nhà máy sữa tươi sạch TH có công suất thiết kế đạt 230 triệu lít, sản lượng sữa chế biến đạt 142 triệu lít. Sản xuất nước chanh leo cô đặc và nước ép trái cây của Công ty CP Thực phẩm Nghệ An (Nafoods) phát triển mạnh. Đến nay, Nafoods đã quy hoạch được trên 900 ha chanh leo chất lượng cao tại Quế Phong, 250 ha gấc tại 2 huyện Anh Sơn và Quỳnh Lưu.
Dây chuyền đóng hộp sản phẩm của Công ty TNHH Royal Foods Nghệ An.
Dây chuyền đóng hộp sản phẩm của Công ty TNHH Royal Foods Nghệ An.
Ông Nguyễn Văn Thế - Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp - Sở Công Thương cho biết, một số nhà máy trên địa bàn tỉnh chính thức đi vào hoạt động trong năm 2016 góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất công nghiệp như: Nhà máy may Vinatex Hoàng Mai do Tập đoàn Dệt may Việt Nam đầu tư, với công suất 10,58 triệu sản phẩm/năm; Nhà máy Chế biến gỗ Nghệ An giai đoạn I với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD, gồm dây chuyền chế biến gỗ thanh với công suất 12.000 m3/năm và dây chuyền chế biến ván sợi MDF với công suất 130.000 m3/năm. Nhà máy Hoa Sen Nghệ An chính thức đưa vào vận hành dây chuyền mạ công nghệ NOF công suất thiết kế 400.000 tấn/năm và sản xuất thành công cuộn tôn thương phẩm đầu tiên. Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà đã khai trương Nhà máy Sơn Hà Nghệ An với công suất 75.000 bồn nước/năm…
"Việc đưa một số dự án mới đi vào hoạt động, cùng với những sôi động sản xuất theo chu kỳ cuối năm làm cho bức tranh công nghiệp của tỉnh đang có nhiều tín hiệu tốt, nhiều khả năng sẽ tăng trưởng mạnh trong quý IV năm nay” - Ông Nguyễn Văn Thế - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương nhận định.
Thu Huyền
TIN LIÊN QUAN

Tin mới