Hiệu quả liên kết giữa HTX với doanh nghiệp

(Baonghean) - Nghệ An hiện có 434 HTX nông nghiệp, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 53.000 lao động. Trong đó khoảng 120 HTX có các hợp đồng liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, ngày càng nâng giá trị cây trồng và thu nhập cao hơn cho thành viên. 
Tăng giá trị sản xuất của các hộ xã viên
Với tổng diện tích sản xuất hơn 100 ha, trong đó 52 ha chuyên màu, HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xã An Hòa (Quỳnh Lưu) làm 5 khâu dịch vụ truyền thống: Thủy lợi, bảo vệ hoa màu, giống, phân bón, dịch vụ làm đất và dịch vụ bao tiêu sản phẩm cho thành viên. Những năm gần đây, Ban quản trị HTX tích cực tìm kiếm liên kết hợp đồng với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho hộ thành viên. Từ năm 2013, HTX ký kết với Công ty Mạnh Cường (Quỳnh Lưu) để sản xuất ớt cay, Công ty CP XNK Đồng Giao Ninh Bình sản xuất ngô ngọt, đậu tương, rau và ký kết với Công ty CP thực phẩm sữa TH sản xuất ngô phục vụ chăn nuôi. 
HTX Toàn Thắng, xã An Hòa (Quỳnh Lưu) liên kết với doanh nghiệp  thu mua ớt cay cho các thành viên.
HTX Toàn Thắng, xã An Hòa (Quỳnh Lưu) liên kết với doanh nghiệp thu mua ớt cay cho các thành viên.
Trước đây, việc chuyên sản xuất lúa chỉ đủ phục vụ lương thực và một phần dùng làm thức ăn chăn nuôi, kinh tế hộ thành viên HTX không phát triển, giá trị thu nhập thấp. Hiện nay, chuyển sang trồng các loại cây màu theo hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp, doanh thu của hộ thành viên tăng hơn so với trồng lúa từ 30 - 50%. Nhận thấy hiệu quả rõ rệt, các hộ thành viên tích cực chuyển đổi hướng sản xuất hàng hóa bán nguyên liệu cho doanh nghiệp. 
Năm 2015, HTX tiếp tục ký kết với Công ty CP thực phẩm sữa TH Nghĩa Đàn sản xuất ngô phục vụ chăn nuôi với diện tích 30 ha. Bên cạnh đó, HTX còn ký hợp đồng trồng cây ngô ngọt 50 ha với  Công ty CP XNK Đồng Giao Ninh Bình, giá bán 4.000 đồng/kg bắp ngô, thu nhập của người sản xuất tăng hơn 35% so với trồng lúa. 8 tháng đầu năm 2016, các thành viên HTX đã bán cho doanh nghiệp được 64 tấn ớt cay, 96 tấn ngô ngọt, dự kiến đến cuối năm bán ra 150 tấn ngô ngọt. Riêng trồng ớt cay đem lại mức thu nhập lãi ròng cho bà con 10 triệu đồng/sào. Đến mùa thu hoạch, doanh nghiệp về thu mua và thanh toán tiền sòng phẳng cho bà con, do đó người dân rất phấn khởi và tin tưởng vào cách làm mới của HTX.
Ông Hoàng Văn Bình - Chủ tịch HĐQT- Giám đốc HTX Toàn Thắng chia sẻ: "Chúng tôi xác định tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm cây nông nghiệp, liên kết, hợp đồng với các doanh nghiệp làm ăn có uy tín, từ đó để tăng thu nhập cho thành viên. Tổ chức sản xuất các loại sản phẩm hàng hóa nông sản theo yêu cầu của doanh nghiệp và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra cho thành viên HTX. Người dân địa phương đang hình thành tập quán sản xuất nông sản hàng hóa theo chuỗi, và hơn bao giờ hết họ rất yêu quý ruộng đồng quê mình".
Mở rộng hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
HTX Phú Lương (Quỳnh Lưu) cũng vừa chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất rau cho bà con, vừa bao tiêu sản phẩm. Hàng năm, HTX đều ký hợp đồng với Siêu thị Metro Hà Nội, Hải Phòng và Siêu thị Big C Vinh, Hà Nội thu mua các loại rau cho thành viên. Tuy nhiên, số lượng mua của các siêu thị chưa nhiều, mỗi năm cung ứng cho các siêu thị trên 70 tấn rau các loại và hơn 100 tấn dưa hấu. Ngoài ra, HTX còn thu gom rau bán ra các thị trường ngoại tỉnh khoảng trên 200 tấn/năm.
Vùng sản xuất rau màu hàng hóa của HTX Phú Lương (Quỳnh Lưu).
Vùng sản xuất rau màu hàng hóa của HTX Phú Lương (Quỳnh Lưu).
Tại huyện miền núi Quỳ Hợp, HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ cây ăn quả Xuân Hợp, xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp) có tổng diện tích trồng cam của các thành viên HTX gần 90 ha trên địa bàn 2 xã Minh Hợp và Nghĩa Xuân. Ngoài ra, các thành viên HTX còn phát triển thêm cây thanh long, bưởi, táo đại, chuối tiêu hồng,... để tăng thu nhập. Năm 2016, HTX xây dựng mô hình trồng cam VietGAP 10 ha thí điểm, đến nay đã cho kết quả khả quan, và triển vọng sẽ mở rộng diện tích trồng theo hướng VietGAP trong các hộ thành viên. Ông Cao Thái Sơn - Giám đốc HTX cho biết: "Sắp tới HTX sẽ mở 2 đại lý giới thiệu sản phẩm cam Xuân Hợp ở thành phố Vinh. Hiện, HTX là đơn vị đầu tiên của tỉnh Nghệ An được chấp nhận giới thiệu sản phẩm cam sạch tại Cửa hàng nông sản sạch Việt Nam do Liên minh HTX Việt Nam thành lập tại Hà Nội. Trong năm 2016, HTX đã và đang liên hệ với các đại lý, tư thương ở thành phố Vinh và Hà Nội tiêu thụ khoảng 100 tấn cam cho các hộ thành viên".
Hoạt động trên địa bàn xã nông nghiệp thuần nông Nghi Lâm (Nghi Lộc), HTX dịch vụ nông nghiệp Nghi Lâm đã đảm nhiệm tốt vai trò "bà đỡ" cho bà con nông dân địa phương trong nhiều năm qua. Ngoài các dịch vụ truyền thống, để nâng cao thu nhập cho bà con xã viên, hàng năm HTX đều nhận sản xuất 120 ha lúa giống nguyên chủng cho Công ty Giống Thái Bình và Công ty Giống cây trồng Trung ương, lượng thóc giống thu mua cho thành viên hàng năm đạt từ 300 – 400 tấn. Với quy mô hoạt động trên phạm vi toàn xã, HTX dịch vụ nông nghiệp Nghi Lâm có 560 thành viên. Để mở rộng sản xuất, HTX liên doanh liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất lúa giống nâng thu nhập cho thành viên. Hiện nay, nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp cũng được HTX ký kết với các doanh nghiệp lớn trong nước để đảm bảo có nguồn hàng chất lượng cung ứng cho các thành viên như đạm Ure, phân bón NPK, thuốc bảo vệ thực vật. 
Vài năm gần đây, HTX liên kết với Trại bò úc Nghi Lâm sản xuất hơn 50 ha ngô làm thức ăn cho bò. Trại bò thu mua ngô nguyên cây với giá 1 triệu đồng/tấn. Chỉ trồng trong 45 ngày, bà con đã thu hoạch với sản lượng 3 - 4 tấn ngô cây/sào. Trong khi đó trồng ngô lấy hạt thời gian kéo dài 3 - 4 tháng, cho thu hoạch 2 tạ hạt/sào, bán ra khoảng 3,5 triệu đồng. Như vậy, trồng ngô bán nguyên cây chi phí thấp, quay được 2 vòng sản xuất so với trồng ngô lấy hạt, lợi nhuận tăng gấp 2 lần. 
Sản phẩm Cam của Thành viên HTX Xuân Hợp (Quỳ Hợp) được tư thương đến thu mua tại vườn.jpg
Sản phẩm Cam của Thành viên HTX Xuân Hợp (Quỳ Hợp) được tư thương đến thu mua tại vườn.
Mô hình liên kết với doanh nghiệp được các HTX trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh, như HTX Nông nghiệp Thanh Văn (Thanh Chương), HTX Nông nghiệp Văn Sơn (Đô Lương), HTX Nông nghiệp Phú Hậu (Diễn Châu)... đã ký hợp đồng liên kết với Công ty giống Gây trồng Trung ương, Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An... sản xuất hàng trăm ha lúa giống theo đơn đặt hàng. Hay HTX Nông nghiệp Nam Lộc, HTX Khánh Sơn 2 (Nam Đàn) liên kết với các công ty sữa để cung cấp ngô, cỏ các loại làm thức ăn cho gia súc; HTX bò sữa Nghĩa Hợp ký hợp đồng với Công ty sữa Vinamilk, Công ty CP thực phẩm sữa TH bao tiêu sản phẩm cho thành viên. Ngoài ra, một số HTX diêm nghiệp liên kết với các công ty muối trên địa bàn tỉnh bao tiêu sản phẩm cho bà con diêm dân, HTX nuôi trông thủy sản Lộc Thủy ký hợp đồng với các công ty đông lạnh tiêu thụ tôm thương phẩm cho các thành viên,...
Thực thế cho thấy, hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp đang từng bước thúc đẩy HTX phát triển hiệu quả và bền vững hơn. Từ đó, từng bước hình  thành chuỗi sản xuất nông sản hàng hóa ở các địa phương trong tỉnh, đồng thời tạo ra giá trị thu nhập cao hơn cho thành viên. Đó cũng là mục tiêu mà khu vực kinh tế HTX trên địa bàn tỉnh đang vươn tới.
Quỳnh Lan
TIN LIÊN QUAN

Tin mới