Định hướng 'xa lộ nông nghiệp công nghệ cao' ở miền Tây Nghệ An

(Baonghean) - LTS: Báo Nghệ An trích đăng nội dung tham luận của các đại biểu dự Hội thảo “Phát triển Nghệ An đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 26 - NQ/TW của Bộ Chính trị”.

…Trước hết, cần xác định định hướng chung là phát triển nông nghiệp miền Tây Nghệ An trở thành khu vực phát triển nông nghiệp trên cơ sở phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) hướng tới xuất khẩu, tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu. Kết nối với tỉnh Thanh Hóa để hình thành “xa lộ nông nghiệp công nghệ cao” lấy đường Hồ Chí Minh làm trục chính.

Trồng mía ở Nghĩa Đàn
Trồng mía ở Nghĩa Đàn. Ảnh tư liệu

Về cụ thể, cần quy hoạch phát triển miền Tây thành hai vùng phát triển với cơ chế chính sách phù hợp:

Khu vực vùng núi cao: (gồm 5 huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Quỳ Châu, Con Cuông): tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng khai thác tiềm năng lợi thế về các tiểu vùng khí hậu, cây con đặc sản, dược liệu, cây công nghiệp dài ngày, chăn nuôi gia súc gắn với kinh tế lâm nghiệp và công nghiệp chế biến gỗ.

Khu vực miền núi thấp và trung du: (gồm 6 huyện thị xã Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương, Thái Hoà): tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất lớn.

…Về mô hình tổ chức sản xuất, cần thành lập các khu, vùng nông nghiệp ƯDCNC gắn với các Trung tâm R&D của các trường đại học, viện nghiên cứu, của các doanh nghiệp để đẩy nhanh ƯDCNC. Trong đó, triển khai kêu gọi doanh nghiệp đầu tư Khu nông nghiệp ƯDCNC Phủ Quỳ (đề nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT cho phép triển khai sớm hơn Quyết định phê duyệt quy hoạch các Khu nông nghiệp ƯDCNC của Thủ tướng - đã đưa Nghệ An vào giai đoạn sau năm 2020).

Đề nghị bổ sung quy hoạch và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư Khu nông nghiệp ƯDCNC tại Pù Khạng (Quỳ Hợp - diện tích 200 ha); Khẩn trương quy hoạch các vùng NN ƯDCNC để có cơ chế hỗ trợ đầu tư và khuyến khích phát triển, gồm: Chanh leo (Quế Phong), cam (Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn,…), chè (Anh Sơn, Thanh Chương), mía (Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ…), dược liệu (Kỳ Sơn, Quế Phong, Con Cuông,…),  cây ăn quả nhiệt đới (bơ, thanh long), rau, hoa cao cấp (Quế Phong…),…

Thu hút và hình thành các doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp quy mô lớn kết nối chuỗi giá trị với chế biến và nông dân. Tái cơ cấu mạnh mẽ hệ thống nông lâm trường để giải phóng nguồn lực tài nguyên; Đẩy mạnh tái cơ cấu phương thức, mô hình sản xuất nhỏ lẻ phân tán sang sản xuất tập trung như trang trại, HTX chuyên ngành; Tập trung ưu tiên, hỗ trợ hạ tầng các vùng sản xuất trọng điểm, các ngành hàng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, có khả năng tạo đột phá, lan toả.

Đoàn Jica Nhật Bản khảo sát vùng chanh leo ở Quế Phong
Đoàn Jica Nhật Bản khảo sát vùng chanh leo ở Quế Phong

Về giải pháp cơ bản, ngoài có giải pháp cụ thể để huy động hiệu quả nguồn lực đất đai và phát triển DN nông nghiệp, thì cần tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, gồm đẩy nhanh việc thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC tại Phủ Quỳ nhằm thu hút các viện, trường xây dựng các khu nghiên cứu, khảo nghiệm, ứng dụng công nghệ cao.

Đảm bảo tính kết nối liên kết nhất là giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà sản xuất (nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp) với cơ chế thúc đẩy tìm kiếm nhu cầu phát triển nông nghiệp, tháo gỡ khó khăn thông qua hoạt động KHCN, cải tiến sản xuất để gia tăng sản lượng, chất lượng, thương hiệu.

Đồng thời kết nối với nhà phân phối, ngân hàng để mở rộng vốn và quy mô sản xuất. Tăng cường liên kết và cơ chế phát triển nông nghiệp giữa vùng cao và trung du, trong đó ứng dụng phát triển KHCN và sản xuất lớn, chế biến tiêu thụ ở trung du, trong khi đó tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, trang trại, gia trại ở vùng núi cao.

Dành 50% nguồn lực tài chính cho hoạt động KHCN lĩnh vực nông nghiệp. Ưu tiên cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thông qua hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ KHCN và tác động theo chuỗi sản xuất từ khâu giống cho đến xây dựng thương hiệu và thương mại. Tác động để phát triển DN KHCN. Gắn ứng dụng công nghệ với ươm tạo doanh nghiệp. Trước mắt tập trung tác động vào chuỗi sản xuất cây cam, bò thịt, dược liệu, chè, mía, chanh leo, các cây con đặc sản…;

Đẩy nhanh Chương trình Sở hữu trí tuệ để xác lập, khai thác và phát triển thương hiệu nông sản chủ lực, nông sản đặc sản mang danh Nghệ An; Triển khai Chương trình bảo tồn và phát triển quỹ gen với mục đích quan trọng nhất là phát hiện các loài quý hiếm để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư gắn với ứng dụng KHCN nhằm phát triển sản phẩm; Hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các trung tâm nghiên cứu R&D ở khu vực miền Tây (như Công ty CP Sữa TH đã thành lập viện nghiên cứu bò sữa, trung tâm nghiên cứu mía đường) thông qua chương trình hỗ trợ phát triển tổ chức KHCN và đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh, cấp bộ.

Về cơ chế chính sách: Rà soát điều chỉnh lại hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng hỗ trợ tổng thể phát triển theo chuỗi sản xuất một số đối tượng chủ lực, cây con đặc sản (lồng ghép các nguồn lực); Tập trung nguồn lực ưu tiên cho phát triển ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp.

Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển lực lượng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn: Đối với kinh tế hợp tác, HTX và kinh tế hộ tiếp tục rà soát sắp xếp chuyển đổi mô hình HTX kiểu cũ sang mô hình kiểu mới với cơ chế hỗ trợ nhằm HTX đảm đương tốt vai trò hỗ trợ kinh tế hộ và dịch vụ đầu vào, kiểm soát chất lượng và đầu mối dịch vụ đầu ra, đặc biệt là cơ chế đặc thù hỗ trợ về đất, vốn, đào tạo nguồn nhân lực quản lý, cán bộ kỹ thuật và dịch vụ kỹ thuật, hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng (GAP, GlobalGAP, GACP…), xây dựng và phát triển thương hiệu, chứng nhận sản phẩm an toàn,…

Khuyến khích doanh nghiệp nông nghiệp tham gia cổ phần trong HTX. Đối với kinh tế trang trại, hỗ trợ thúc đẩy nhằm doanh nghiệp hoá khu vực kinh tế trang trại trên cơ sở hỗ trợ tính pháp lý về đất đai, thúc đẩy sản xuất lớn, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hoá và đào tạo quản lý, kỹ thuật. Đối với doanh nghiệp nông nghiệp ưu tiên nguồn lực để triển khai chính sách khuyến khích ƯDCNC, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện có của Chính phủ và của tỉnh, lồng ghép hỗ trợ thông qua khuyến khích doanh nghiệp trực tiếp triển khai dự án ứng dụng KH&CN (kinh phí sự nghiệp KHCN). Có cơ chế cấp đất cho doanh nghiệp thuê từ 10 - 30% diện tích quy hoạch phát triển cây con chủ lực.

Về phát triển thương mại nông nghiệp: Triển khai Quyết định 964/QĐTTg ngày 30/6/2015 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi theo hướng ưu tiên tiêu thụ nông sản thực phẩm và cung ứng vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ nông nghiệp; Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản Nghệ An thông qua các kênh thông tin, hội chợ, chú trọng thị trường Nhật, Mỹ, Nga. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại; Liên kết thương mại nông sản với du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp xanh…

Trần Quốc Thành -  Giám đốc Sở KH&CN Nghệ An;

Phan Quốc Khánh - Trung tâm NC BIDV

TIN LIÊN QUAN

Tin mới