Ông Trương Đình Tuyển: Doanh nghiệp cần nắm chắc cam kết liên quan đến lĩnh vực mình

(Baonghean.vn) - Chiều 2/12, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tiếp tục tổ chức Hội nghị chuyên đề về hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Chuyên đề do đồng chí Trương Đình Tuyển - Nguyên Uỷ viên TƯ Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại trình bày.

 » Tăng cường bảo vệ biển đảo trong tình hình mới
 

Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư các huyện, thành, thị, đảng ủy trực thuộc, lãnh đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh.

Đồng chí
Đồng chí Trương Đình Tuyển làm rõ các nội dung xung quanh các hiệp định mậu dịch tự do mới, TPP, cộng đồng kinh tế ASEAN - cơ hội và thách thức đối với Việt Nam.

Tại hội nghị, đồng chí Trương Đình Tuyển làm rõ các nội dung xung quanh các hiệp định mậu dịch tự do mới, TPP, cộng đồng kinh tế ASEAN - cơ hội và thách thức đối với Việt Nam: Tại sao lại xuất hiện các hiệp định mậu dịch tự do mới và TPP? Quá trình hình thành và đặc điểm Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cộng đồng kinh tế ASEAN (APEC); Chúng ta tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức khi tham gia các hiệp định mậu dịch tự do mới và TPP như thế nào?

1
Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Với 30 chương, hiệp định TPP là hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương không chỉ đề cập đến các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mà còn cả những vấn đề mới như thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước.

Tham gia TPP, Việt Nam có cơ hội thu hút đầu tư, nhất là từ các đối tác lớn, có công nghệ nguồn. Nhất là mở rộng xuất khẩu, không chỉ xuất khẩu hàng công nghiệp mà còn có thể tăng xuất khẩu nông sản và nông sản chế biến, trong đó, nhiều mặt hàng thuộc nhóm này sẽ được US và các nước đưa thuế nhập khẩu về 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Đặc biệt, tham gia TPP sẽ nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế, nhất là vị thế trong một khu vực đang diễn ra cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn như Đông Nam Á. 

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị.

Về vấn đề tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức khi tham gia các hiệp định mậu dịch tự do mới và TPP, nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển nhấn mạnh cạnh tranh sẽ rất quyết liệt trên cả 3 cấp độ nhưng thách thức này cũng là cơ hội. Với sản phẩm nông nghiệp, thách thức lớn nhất vẫn là bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh, nếu không dù thuế nhập khẩu của các nước được đưa về 0% và hàng hoá dồi dào, chủng loại phong phú nhưng chất lượng kém thì vẫn không xuất khẩu được.

Vậy làm thế nào để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức? Trước hết các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp phải nắm vững những cam kết của Việt Nam và 11 đối tác để thực thi cho đúng; đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức.

Sản xuất tại nhà máy Royal Food, KCN Nam Cấm. Ảnh tư liệu.
Sản xuất tại nhà máy Royal Foods, KCN Nam Cấm. Ảnh tư liệu.

Doanh nghiệp là chủ thể tạo nên sức mạnh trên thị trường, là lực lượng thể hiện sức cạnh tranh của cả nền kinh tế. Vì thế, doanh nghiệp cần nắm chắc hiệp định nhất là những cam kết liên quan đến lĩnh vực hoạt động của mình; cần tái cơ cấu DN, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh; tuân thủ các tiêu chí trong đầu tư và phát triển sản phẩm, xây dựng văn hoá doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp./.

Thu Huyền

TIN LIÊN QUAN

Tin mới